Xe tăng chiến đấu chủ lực T-62 của Việt Nam nếu được nâng cấp khả năng phòng vệ cùng sức mạnh hỏa lực sẽ trở thành trợ thủ đắc lực của T-90.
 
Gần đây, Nga đã tích cực "vét kho" để bàn giao cho Quân đội chính phủ Syria những chiếc T-62 cuối cùng của mình, đây là biến thể T-62M được nâng cấp hệ thống điều khiển hỏa lực với thiết bị ngắm bắn, đo xa laser gắn ở ngay gốc pháo chính cùng giáp phụ bổ sung quanh tháp pháo.
 
T-62M vẫn phát huy tác dụng rất tốt trên chiến trường hiện đại, thậm chí đã có nhận xét cho rằng đây là biến thể T-62 tốt nhất thế giới, không thua kém T-72 bao nhiêu và là hình mẫu để Việt Nam học tập nếu có ý định hiện đại hóa số T-62 của mình.
 
 
images2025284_1.jpgXe tăng T-62M được Nga viện trợ cho Quân đội Syria
Gợi ý trên là điều đáng để quan tâm, nhưng phải nhìn nhận rằng nếu muốn nâng cấp, Việt Nam hoàn toàn đủ khả năng tạo ra một biến thể T-62 độc nhất vô nhị với tính năng kỹ chiến thuật vượt trội cả T-72, tức là bỏ xa T-62M của Nga.
 
Dựa trên kinh nghiệm rút ra từ quá trình hiện đại hóa T-54/55, những thành tựu thu về dĩ nhiên có thể áp dụng trên một dòng xe tăng khác, cụ thể ở đây chính là T-62.
 
Nếu T-62 của Việt Nam được lắp các phiến giáp phản ứng nổ cùng giáp hộp quanh tháp pháo, đi kèm diềm chắn xích kiểu T-55M3 thì chắc chắn nó sẽ chống đạn xuyên tốt hơn hẳn T-62M và còn vượt mặt cả T-72 đời đầu.
 
Bên cạnh đó, các thiết bị khác có trên T-55M3 như cảm biến khí tượng MAWS6056B, ốp bọc cách nhiệt cho nòng pháo, máy tính điều khiển hỏa lực tối tân của Israel... đều mang được sang T-62, lúc này T-62 thậm chí không thua kém cả T-72 đã nâng cấp nhẹ.
 
 
Xe tăng T-55M3 nâng cấp của Việt Nam
Yếu tố cuối cùng để khiến T-62 nâng cấp theo cấu hình trên mạnh hơn T-72 đó là uy lực của pháo chính, việc thay thế pháo 125 mm cho nó tỏ ra rất tốn kém, cho nên tốt nhất là hãy trang bị cho chiếc chiến xa này một loại đạn công nghệ cao.
 
Tập đoàn Nexter của Pháp gần đây đã giới thiệu đạn xuyên động năng M1150 cỡ 115 mm tương thích với pháo chính của xe tăng T-62.
 
Viên đạn này có chiều dài 1.110 mm; trọng lượng 25 kg; trong đó lõi xuyên bằng hợp kim Tungsten nặng 6,5 kg với phụ gia chống mài mòn Titanium Dioxide được đẩy đi bởi 8,5 kg thuốc súng, cho sơ tốc đầu nòng lên tới 1.635 m/s, xuyên thủng 500 mm giáp đồng nhất (RHA) từ cự ly 2.000 m ở góc chạm 60 độ.
 
 
Đạn xuyên động năng M1150 cỡ 115 mm do Pháp sản xuất.
So sánh với đạn xuyên động năng trên pháo 125 mm 2A46 đời đầu của T-72 chỉ thâm nhập được 400 mm RHA khi bắn cách 2.000 m, hay đạn thanh xuyên của Israel bắn từ pháo L7 105 mm thâm nhập 490 mm RHA ở tầm 1.000 m, đạn xuyên mới của pháo 100 mm D-10T2S do Cộng hòa Czech chế tạo xuyên thủng 400 mm thép cán ở 1.000 m, rõ ràng đạn M1150 trội hơn hẳn.
 
Nếu được nâng cấp theo cấu hình đã áp dụng trên T-55M3, đi kèm với việc trang bị đạn xuyên công nghệ cao như M1150 của Pháp, sức mạnh của phiên bản T-62 do Việt Nam tự hiện đại hóa sẽ vượt xa cả T-62M lẫn T-72 đời đầu.
 
Khi đó, T-62 nâng cấp sẽ song hành tốt hơn cùng T-90S/SK sắp về để tạo nên biên đội tác chiến mạnh.
 
 
Theo Baodatviet