Theo các chuyên gia, biến đổi khí hậu đã khiến một số bãi biển, khu du lịch như ở Hội An, Kiên Giang bị thu hẹp và có thể biến mất trong tương lai.
Đây là kết quả phân tích và nghiên cứu của các nhà khoa học, được đề cập tại hội nghị Việt Nam hướng đến du lịch bền vững trong kỷ nguyên biến đổi khí hậu. Giáo sư Peter Burns, chuyên gia quốc tế về du lịch đã dẫn chứng hình ảnh chụp từ Google Earth, cho thấy sự thay đổi sau 10 năm (2004-2014) của bờ biển tại Hội An do nước biển dâng. Theo đó, nước biển ăn sâu vào đất liền mỗi năm đến cả 10 mét không chỉ khiến các bãi cát bị thu hẹp dần, mà nhiều khu nghỉ dưỡng tại đây bị tàn phá nghiêm trọng.
Vùng biển, khu du lịch ở Vũng Tàu, Kiên Giang cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các chuyên gia nhấn mạnh xói lở sâu vào đất liền còn làm hư hại các di sản văn hóa, khu bảo tồn, khu du lịch sinh thái... Một số cơ sở hạ tầng du lịch có thể bị ngập, buộc phải di chuyển hoặc bị đình trệ kinh doanh, làm tăng chi phí cho việc cải tạo, di chuyển và bảo trì.
Theo ông Bruno Angelet, Đại sứ - Trưởng Phái đoàn Liên minh Châu Âu (EU), biến đổi khí hậu hiện là vấn đề nghiêm trọng mà Việt Nam phải đối mặt. Nó tác động trực tiếp đến nhiều lĩnh vực, trong đó có du lịch.
Để ứng phó và giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, ông Peter đã chỉ ra ngành du lịch cần định ra các chính sách mới, quyết liệt, nhất quán và triển khai thực hành kinh doanh “xanh”, gắn du lịch với các hành động bảo vệ môi trường và khí hậu.
Một ví dụ điển hình là mô hình chống sạt lở kết hợp phát triển du lịch thành công ở thôn Triêm Tây (xã Điện Phương, huyện Điện Bàn, Quảng Nam) do kiến trúc sư Bùi Kiến Quốc thực hiện. Năm 2009, 2/3 làng Triêm Tây rơi xuống sông Thu Bồn do sạt lở và lũ lụt nghiêm trọng. Bằng cách bảo vệ và phát triển bụi tre đang có, ông Quốc đã giúp đất ở Triêm Tây dừng sạt lở (năm 2011), biến nơi đây thành điểm du lịch sinh thái và cộng đồng rất hút khách nước ngoài từ năm 2015.
Nhằm nâng cao nhận thức về biến đổi khí hậu cũng như tác động của nó đối với du lịch, Dự án EU-ESRT* đã giới thiệu bộ tài liệu “Hướng dẫn thực hành tốt về phát triển du lịch bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu tại Việt Nam”. Trong đó, nhấn mạnh đến sự tham gia của các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và khách du lịch.
Nhìn nhận từ vị trí du khách, một đại biểu cho rằng chỉ bằng những việc làm rất nhỏ như tắt điện, điều hòa trước khi ra khỏi phòng khách sạn, dùng nước tiết kiệm, hạn chế thay ga trải giường khi lưu trú hơn một đêm... là bạn đã góp phần giảm thiểu tác động đến biến đổi khí hậu.
Hiện một số khách sạn lớn tại Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng... cũng đã hướng sự thay đổi dịch vụ lưu trú theo hướng tích cực bằng những cam kết cụ thể như giảm 30% thực phẩm thừa, sử dụng bóng đèn tiết kiệm năng lượng, cung cấp các đồ dùng thân thiện với môi trường...
Tại hội nghị, Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch (thuộc Tổng cục Du lịch, Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch) và Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên và Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường) đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu. Mục tiêu của việc hợp tác là nhằm thiết lập cơ sở cùng phối hợp hành động giữa lĩnh vực du lịch và biến đổi khí hậu vì mục đích phát triển bền vững ngành Du lịch và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu tại Việt Nam. |
Theo VNE