Đó là một tiến trình dài và khó khăn song bán đảo Triều Tiên giờ đã là nơi có nền kinh tế lớn thứ 10 thế giới, với Tổng Sản phẩm Quốc dân (GDP) lên tới 5,5 nghìn tỷ USD, cao hơn hẳn so với GDP của Hàn Quốc vào năm 2016 (1,4 nghìn tỷ USD).
Tàu siêu tốc KTX, vốn chỉ phục vụ người dân Hàn Quốc khi được xây dựng vào năm 2004, giờ đi dọc Âu-Á, nối liền Seoul với Paris.
Việc thống nhất hai quốc gia cực kỳ khác biệt - một đầu tàu công nghệ và sản xuất với một đất nước bị cô lập chìm trong đói nghèo - dù tiêu tốn hàng nghìn tỷ USD song thực sự đã đem lại kết quả. Lợi ích kinh tế có được từ việc hội nhập hai quốc gia giờ lớn gấp 3 lần những phí tổn phải bỏ ra.
Đó là viễn cảnh đầy hy vọng về tương lai của Triều Tiên được người ta nhắc đến tại bảo tàng Tháp Thống nhất, gần Khu Phi Quân sự nằm ở vĩ tuyến 38 chia cắt 2 miền từ năm 1953.
Mối quan hệ ấm lên giữa hai đất nước từ sau bài phát biểu đầu năm mới của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã làm dấy lên những tia hy vọng về khả năng hai miền tái thống nhất trong hòa bình. Hội nghị thượng đỉnh giữa Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 12/6 càng tiếp thêm động lực cho sự lạc quan đầy thận trọng này.
Tuy nhiên, cảm giác này người dân trên bán đảo Triều Tiên đã trải qua nhiều lần.
Cheon Seong Whun, cựu cố vấn an ninh của Tổng thống Hàn Quốc, nói: “Chúng tôi cũng từng nhiều lần có những hy vọng và hào hứng về tương lai tái thống nhất như thế này… Khi tôi còn học trung học vào giữa những năm 1970, phái đoàn Triều Tiên đã tới Seoul và chúng tôi đã vẫy cờ hoa để chào đón họ. Tuy nhiên, những niềm hứng khởi ấy không kéo dài lâu, những hứa hẹn đã đổ vỡ chỉ trong chưa đầy một năm”.
Dù vậy, Cheon cùng nhiều chuyên gia từng trải khác cũng vẫn tin tưởng rằng bán đảo này sẽ thống nhất vào một ngày nào đó. Tờ Nikkei Asian Review mới đây đã có một cuộc trao đổi với các chuyên gia tới từ nhiều quốc gia trên thế giới về viễn cảnh một Triều Tiên thống nhất và hàng loạt câu hỏi cần có lời giải.
Thống nhất Nam-Bắc Triều Tiên, liệu có thành hiện thực?
Việc thống nhất hai miền Nam-Bắc Triều Tiên được cho là còn phức tạp hơn nhiều những gì từng diễn ra giữa Đông Đức và Tây Đức sau khi Bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1989. Vấn đề đặt ra là người ta cần những gì để tiến trình tái thống nhất đi đến thành công?
Ông Cheon Seong Whun, hiện đang làm việc tại Viện Nghiên cứu Chính sách ở Seoul cho rằng trước khi Bức tường Berlin sụp đổ, người dân hai miền nước Đức vẫn duy trì các trao đổi và hợp tác cơ bản, họ có những nền tảng nhất định, trong khi đó Hàn Quốc và Triều Tiên là “hai xã hội hoàn toàn tách biệt”.
Theo ông, sau khi thống nhất, cuộc sống thường nhật của người Triều Tiên vẫn cần được duy trì, và Hàn Quốc chỉ nên từng bước thay đổi xã hội này. Ông nói: “Đó có thể xem là Kế hoạch Marshall phiên bản Hàn Quốc. Một khối lượng công việc đồ sộ có thể phải mất hàng thập kỷ”.
Trong khi đó, Kathryn Weathersby, nhà lịch sử học tại Đại học Triều Tiên ở Seoul, cho rằng những lo ngại và bất bình của người dân Triều Tiên cần phải được tính đến. Bà nói: “Họ có những lo ngại chính đáng về sự tồn tại của mình. Họ không muốn trở thành một Iraq hay Libya, hay Romania và Đông Đức tiếp theo”.
Nhà lịch sử học này nhấn mạnh điều quan trọng là người dân Triều Tiên cần được đối xử một cách tôn trọng.
Theo ông Cheon Seong Whun, những người Triều Tiên đào tẩu là bằng chứng cho thấy việc thống nhất khó có thể diễn ra một cách nhanh chóng.
Ông lý giải: “Người Triều Tiên vốn quen với việc các nhu cầu cơ bản được chính phủ trợ cấp. Họ không quen với một xã hội cạnh tranh… Hàn Quốc có những chương trình ưu đãi về việc làm và giáo dục. Các tổ chức phi chính phủ có thể hỗ trợ các gia đình và trẻ nhỏ. Song rất có thể họ sẽ giống như rơi từ trên thiên đường xuống thực tại”.
Hơn thế nữa, theo chuyên gia này, một vấn đề cần tính đến là tình trạng phân biệt đối xử, bởi những người Triều Tiên có ngữ âm riêng và người ta sẽ ngay lập tức biết được gốc gác của họ, rằng họ là người Triều Tiên hay tới từng vùng biên giới.
Lo ngại sau khi tiến trình thống nhất diễn ra
Nếu tiến trình thống nhất diễn ra, vấn đề lớn mà người ta quan tâm sẽ là “số phận” của Kim Jong-un và chế độ cầm quyền tại Bình Nhưỡng.
Ông Bong Young-shik, chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Yonsei ở Seoul bình luận: “Kim Jong-un muốn có một thỏa thuận lớn. Ông ta không muốn dành 40 năm để làm một nhà độc tài lãnh đạo một đất nước nghèo đói. Ông ta không muốn sống giống cha mình… Song Kim cũng không muốn có kết cục giống Gadhafi”.
Kim Jong-un đã tiến hành một chiến dịch thanh trừng quy mô đối với những người chống đối, bởi vậy, “nếu thay đổi chính sách (và từ bỏ vũ khí hạt nhân), Kim sẽ trở thành mục tiêu của cùng những chỉ trích ấy. Chính quyền sẽ bị hủy hoại nghiêm trọng”.
Theo bà Weathersby, một lo ngại khác của những người Triều Tiên là những người quản lý các trại tù hay phát triển chương trình vũ khí đạn đạo sẽ phải đối mặt với những vấn đề pháp lý nào? Với những lo ngại bị kết tội, họ chắc chắn sẽ tìm cách đảm bảo sự độc lập của hệ thống chính quyền.
Bà nói thêm: “Về phần Kim, liệu ông ta có bị đưa ra trước Tòa án Hình sự Quốc tế ở La Haye? Nếu câu trả lời là có, thì ông ta hẳn là có lý do để bảo vệ chế độ của mình”.
Một nước Triều Tiên phi hạt nhân hóa sụp đổ về kinh tế chắc chắn không thể là nền tảng để đảm bảo hòa bình. Tuy nhiên, việc đưa nền kinh tế Triều Tiên hòa nhập với nền kinh tế thế giới trong thế kỷ XXI là điều hoàn toàn không đơn giản.
Hai nhà phân tích của Eurizon SLJ Capital là Stephen Jen and Joana Freire ước tính chi phí dành cho việc thống nhất 2 miền sẽ là vào khoảng 2 nghìn tỷ USD trong vòng 10 năm, lấy căn cứ từ việc thống nhất hai miền Đông và Tây Đức.
Thậm chí, với sự lạc hậu và nền kinh tế lệ thuộc nông nghiệp của Triều Tiên, so với Đông Đức trước khi thống nhất, người ta có thể còn phải tiêu tốn nhiều tiền của hơn để xây dựng đất nước này và đảm bảo ổn định.
Bối cảnh chính trị châu Á sau khi bán đảo Triều Tiên thống nhất
Một bán đảo Triều Tiên thống nhất sẽ tái định hình bối cảnh chính trị của châu Á. Vấn đề đặt ra là liệu điều này có đồng nghĩa với dấu chấm hết cho quyền bá chủ về mặt quân sự của Mỹ tại Thái Bình Dương hay củng cố ảnh hưởng của Trung Quốc hay không? Và các đồng minh khác của Mỹ trong khu vực sẽ phản ứng thế nào?
Phó Giáo sư Ji-Young Lee, chuyên nghiên cứu các vấn đề quan hệ quốc tế tại Đại học Mỹ, cho rằng để củng cố quyền tự trị và hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài, một nước Triều Tiên-Hàn Quốc thống nhất có thể sẽ đi tới quyết định là chấm dứt liên minh với Mỹ, thậm chí xem sự hiện diện của quân đội Mỹ là yếu tố hủy hoại bản sắc và sự thống nhất của mình.
Nếu mọi chuyện diễn ra theo chiều hướng này, một nước Triều Tiên-Hàn Quốc thống nhất sẽ có cách tiếp cận theo hướng thân Trung Quốc hơn trong chính sách an ninh của mình, một dấu hiệu cho thấy sự kết thúc của thời kỳ Mỹ thâu tóm châu Á.
Theo ông, vị trí địa chính trị của một bán đảo Triều Tiên thống nhất chắc chắn sẽ khiến Bắc Kinh và Tokyo phải theo dõi sát sao mối quan hệ giữa quốc gia mới này với bên ngoài, nhất là trên khía cạnh quân sự và chính trị.
Ông nói: “Theo tôi, nếu viễn cảnh thống nhất Triều Tiên thành hiện thực, cả Nhật Bản và Trung Quốc chắc chắn sẽ nỗ lực hơn nữa để củng cố quan hệ song phương, làm sâu sắc hơn quan hệ Trung-Nhật-Triều”.
Trong khi đó, Bruce Jones, Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách của Viện Brookings, bình luận rằng bất kỳ nhà lãnh đạo sáng suốt nào chắc chắn cũng đều sẽ đưa đất nước hướng tới một sự độc lập về chiến lược, duy trì mối quan hệ gần gũi nhưng có khoảng cách nhất định với cả Washington và Bắc Kinh.
Ông Bong Young-shik nhấn mạnh: “Một bán đảo Triều Tiên thống nhất chỉ có thể được tạo ra nhờ một tiến trình hòa bình và bởi ý chí của người dân. Có ba trụ cột mà người ta cần có để đảm bảo mục tiêu này, cụ thể là dân chủ tự do, một nền kinh tế thị trường cởi mở và một bán đảo hoàn toàn không có vũ khí hạt nhân”.
Đó chỉ là những thách thức không dễ gì vượt qua, chứ không phải là bất khả thi. Mọi chuyện hoàn toàn phụ thuộc ở quyết định của Kim Jong-un về kho vũ khí và tên lửa của mình./.