(Baonghean) - Bác sỹ CKII  Nguyễn Văn Sơn- Trưởng Khoa truyền nhiễm- Bệnh viện Sản nhi Nghệ An trao đổi về ca bệnh viêm màng não do não mô cầu thể tối cấp mới xuất hiện tại Nghệ An.

P.V:  Xin ông cho biết triệu chứng lúc nhập viện và tình hình bệnh nhi bị bệnh viêm não mô cầu hiện nay như thế nào? 

 BSCKII Nguyễn văn Sơn:Ngày 8/8, Cháu Hồ Hữu Trung Kiên 6 tuổi ở xã Quỳnh Trang, thị xã Hoàng Mai, Nghệ An nhập viện trong tình trạng sốt cao, không co giật, đau đầu, nôn, tinh thần lơ mơ, đại tiểu tiện không tự chủ, Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng sốt cao, đau đầu, nôn, tinh thần lơ mơ, tiểu tiện không tự chủ, đặc biệt có các ban xuất huyết tập trung ở vùng bụng, lưng. Bệnh diễn tiến nhanh, chỉ trong vòng vài giờ, các nốt ban xuất huyết hoại tử xuất hiện nhiều.  Chúng tôi đã chọc dịch não tủy cho thấy áp lực tăng, nước dịch đục như nước vo gạo, protein trong dịch não tủy cấp, tế bào dày đặc vi trường, tế bào trung tính chiếm gần 92%. Xét nghiệm máu cho thấy bạch cầu rất cao, đến 21.0000WBC.Dựa trên những dấu hiệu điển hình của bệnh nhân và qua kết quả kiểm tra, xét nghiệm, kết luận bệnh nhân bị viêm màng não do não mô cầu thể tối cấp. Hiện nay sau 2 ngày điều trị sức khỏe của cháu đã có tiến triển tốt.

image_4493199.jpgCác bác sỹ thăm khám cho bệnh nhi bị nhiễm bệnh

P.V:Được biết bệnh viêm não mô cầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, vậy xin ông cho biết tính chất của bệnh viêm não mô cầu?

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Sơn: Não mô cầu là bệnh nguy hiểm, chỉ sau vài tiếng đồng hồ nhiễm bệnh đã có thể gây sốc nhiễm khuẩn. Bệnh viêm não, màng não do não mô cầu là truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria meningtidis gây nên. Vi khuẩn gồm có 4 nhóm chính là A, B, C và D. Viêm não mô cầu nhóm A và B thường hay gặp nhất. Nguồn lây bệnh chủ yếu là bệnh nhân và người lành mang vi khuẩn. Bệnh lây qua đường hô hấp do hít phải các giọt bắn của dịch tiết hô hấp có chứa mầm bệnh. Mọi người đều có thể nhiễm vi khuẩn não mô cầu, nhóm nguy cơ mắc bệnh cao nhất là lứa tuổi trẻ.

Khi nhiễm vi khuẩn não mô cầu, thời gian ủ bệnh 2-10 ngày, thường 3-4 ngày. Bệnh nhân có các biểu hiện sốt, đau đầu, buồn nôn, nôn, gáy cứng (trẻ nhỏ có thóp phồng), lơ mơ, nhạy cảm với ánh sáng, có thể xuất hiện ban xuất huyết hình sao hoặc biểu hiện sốc nhiễm khuẩn... Biểu hiện này tương tự viêm não, màng não do virus thông thường khác.Số ca bệnh không nhiều, nhưng viêm não mô cầu là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính có thể dẫn tới tử vong hoặc để lại nhiều di chứng nặng, đặc biệt lây lan qua đường hô hấp nên luôn được cảnh báo nguy hiểm. Bệnh nhân thậm chí có tử vong ngay trong vòng 24 giờ khởi bệnh.

P.V: Xin ông cho biết cách phòng tránh và khuyến cáo với người dân về bệnh viêm não mô cầu?

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Sơn:Viêm não mô cầu diễn biến rất nhanh nếu không xử trí kịp thời có thể tử vong trong vòng 24 giờ, nếu sống có thể để lạidi chứng sau khỏi bệnh như điếc, liệt, rối loạn tâm thần… do đó khi phát hiện những triệu chứng như sốt cao, mệt mỏi, nôn ói, da tím tái và có những mảng xuất huyết trên da...người nhà cần đưa bệnh nhân nhập viện ngay để tránh trường hợp xấu xảy ra.

Viêm não mô cầu không giống các dịch bệnh theo mùa, đây là loại bệnh có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Do vậy người dân không được chủ quan với bất kì triệu chứng có dấu hiệu của bệnh viêm não mô cầu.Để phòng tránh bệnh viêm màng não do não mô cầu gây ra. Người dân cần chủ động tiêm phòng vắc xin người dân cần chủ động tiêm vắc xinphòng viêm não mô cầu cho trẻ từ 2 tuổi trở lên, chúng ta tiêm mũi thứ nhất  khi  trên trẻ 2 tuổi, sau đó 3-4 năm chúng ta tiêm mũi thứ 2. Đồng thời thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, súc miệng, bằng dung dịch sát khuẩn mũi họng thông thường. Vệ sinh nơi ở, nơi làm việc sạch sẽ và thông thoáng.

P.V:Xin cảm ơn bác sỹ! 

Thanh Hoa- Quỳnh Trang(Thực hiện)

TIN LIÊN QUAN