(Baonghean) - Valeriya Gontareva là nhân vật gây tranh cãi nhiều nhất tại Ngân hàng Quốc gia Ukraine. Bà đã có công triển khai những bước đi cứng rắn nhằm đưa nền kinh tế đất nước ra khỏi khủng hoảng trong vòng 3 năm.

Thế nhưng thành quả đó khiến bà phải đối mặt với rất nhiều sự chỉ trích và thù địch. Và cuối cùng bà phải rời khỏi vị trí vì những lời đe dọa ám sát.

 Valeriya Gontareva, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine phải từ chức hồi tháng 4 sau khi bị các đối thủ chính trị đe dọa. (Bloomberg)
Valeriya Gontareva, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine phải từ chức hồi tháng 4 sau khi bị các đối thủ chính trị đe dọa. (Bloomberg)

Thống đốc bị săn đuổi

Trong hơn ba năm làm người đứng đầu Ngân hàng Quốc gia, Valeriya Gontareva đã thực thi một chính sách nghiêm khắc để ổn định nền kinh tế bị chiến tranh, bị thôn tính sau hàng thập kỷ quản lý yếu kém và lục đục nội bộ. Sự quyết liệt của bà khiến Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và các nhà kinh tế cũng phải ngả mũ thán phục.

Thế nhưng đấy lại là nguồn cơn của những sự truy đuổi nhằm vào bà. Trước khi từ chức vào giữa tháng 4 vừa qua, bà đã có quãng thời gian dài bị các đối thủ chính trị theo đuổi và đe dọa.

Valeria từng phải ngắt điện thoại tại nhà riêng, liên tục gỡ bỏ những bức hình đe dọa dán trên các bức tường quanh tư gia. Thậm chí, những phần tử quá khích còn vẽ một bức graffiti lên bức tường với nội dung phỉ báng cá nhân bà.

“Với tôi nó giống như 3 năm sống trong sự quấy rối liên tục”, Valeriya Gontareva nói và nhấn mạnh rằng bà không định cắt đuôi và chạy trốn. Quả thực, chức trách và bổn phận không cho phép bà trốn tránh được kẻ thù. Thậm chí, mỗi hành động của bà đều tạo ra sự xung đột với những nhóm lợi ích trên chính trường Ukraine.

Bà đã cắt giảm quy mô của bộ máy hành chính cồng kềnh tại ngân hàng trung ương từ 12.000 xuống còn 5.000 nhân viên. Và trong nỗ lực làm trong sạch lĩnh vực ngân hàng yếu kém tại Ukraine, Valeriya Gontareva đã quốc hữu hóa 87 nhà băng, với khoảng 60% tổng tài sản của ngành ngân hàng đất nước. 

“Những ngân hàng này thực sự không phải là ngân hàng. Chúng tôi gọi chúng là những nhà băng xác sống. Những thực thể chẳng có tý tài sản nào, và chỉ có chút ít trách nhiệm pháp lý.” Valerya nói.

“Khoảng 20 trong số này là những máy rửa tiền. Chúng chả có hoạt động kinh doanh nào cả. Người ta lập ra chúng chỉ để rửa những đồng tiền mờ ám, bẩn thỉu.”

Một quan tài để mở được đặt ở cửa Ngân hàng Trung ương Ukraine với hình nộm của Valeriya Gontareva nhằm đe dọa bà (Washington Post)

Gontareva chuyển những tài sản tại các ngân hàng này tới một cơ quan tương đương với Tập đoàn bảo đảm tiền gửi liên bang ở Mỹ. Ngân hàng bị quốc hữu hóa lớn nhất là PrivatBank, từng do Igor Kolomoysky một tay đầu sỏ chính trị tại Ukraine và đồng sự là Gennadiy Bogolyubov điều khiển.

Có thời người ta từng nghĩ PrivatBank là ngân hàng “quá lớn để có thể phá sản”. Điều đó có nghĩa, không một ai dám đụng đến khối ung nhọt này. Những tay tài phiệt núp bóng chính trị gia khác cũng đưa Valeriya vào “tầm ngắm”.

Doanh nhân ngành thép và là một nghị sĩ độc lập Serhiy Taruta từng công bố một cuốn sách với tựa đề “Gontareva: Mối đe dọa với an ninh kinh tế của Ukraine.”

Tuy vậy, những người quan sát từ bên ngoài đều nhận thấy hành động của Thống đốc Valeriya Gontareva là rất tích cực, thậm chí là quả cảm.

“Thống đốc Gontareva đã hoàn thành những công việc vĩ đại trong bối cảnh khó khăn cùng cực, và bất chấp những sự phản kháng từ một vài cá nhân và những phe cánh chính trị.” Phó giám đốc phụ trách quản lý của IMF David Lipton viết trong một email.

Nhà kỹ trị ngây thơ

Sinh ra tại thành phố công nghiệp Dnipropetrovsk, bà hoàn thành bằng cử nhân kinh tế và kỹ sư tại Ukraine. Tiếp đó, Valeriya vào làm việc tại một ngân hàng đầu tư ở Kiev - Investment Capital Ukraine nơi tổng thống đương nhiệm từng làm việc.

Valeriya Gontareva từng có thời gian dài đứng đầu chi nhánh Ukraine của ngân hàng Pháp Société Géneralé. Bởi vậy, bà đã am hiểu hệ thống và cách vận hành của hệ thống này sâu sắc. 

Sau cuộc Cách mạng Maidan tại Ukraine dẫn đến sự ra đi của Tổng thống Viktor Yanukovych, Valeria được trao nhiệm vụ đứng đầu ngân hàng trung ương vào giữa tháng 6 năm 2014.

“Tôi tự nhận mình là một nhân viên ngân hàng nhiều kinh nghiệm. Tôi biết chính xác điều gì đang xảy ra. Dĩ nhiên tôi biết là sẽ có nhiều vấn đề, nhưng tôi không thể tưởng tượng ra những thứ mà tôi sẽ đối mặt. Tôi khá là ngây thơ”, Valeriya tâm sự với Washington Post.

Thống đốc Ngân hàng Quốc gia Ukraine có nhiệm kỳ 7 năm, thế nhưng Valeriya Gontareva quả quyết bà có thể hoàn thành các cải cách trong vòng 1 năm. Nhưng rủi ro lớn nhất chính là cuộc khủng hoảng chính trị mà bà mới bước chân vào.

Khi Valeriya mới lên nhậm chức, Nga vừa mới sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ của mình và Ukraine đánh mất 3,6% GDP. Hai tháng sau khi bà bắt đầu công việc, lực lượng đòi ly khai ở miền Đông gây nên những bất ổn mới.

Những biến động về tỷ giá xuất hiện nhiều trong nhiệm kỳ của thổng thống Valeriya Gontareva (Bloomberg)

Tại thời điểm đó, Ukraine mất khoảng 15% GDP, bao gồm 30% sản lượng xuất khẩu. Thâm hụt ngân sách lên tới hơn 10%, có nghĩa đất nước này đang bị cạn kiệt các nguồn tài chính. Đồng nội tệ gắn chặt với USD nhưng thống đốc tiền nhiệm của Valeria đã chi ra tới 23 tỷ USD dự trữ ngoại hối để chống đỡ cho đồng tiền quốc gia.

“Tôi hứa sẽ viết nên một chương đặc biệt cho IMF về những việc phải làm khi đất nước của bạn đang có một cuộc chiến thực sự”, bà nói.

Tại ngân hàng Trung ương nơi mà Valeriya gọi là “quái vật thời Trung cổ”, bà tuyển mới 500 chuyên gia và sa thải một loạt nhân viên cũ. Valeriya thực hiện bước đi táo bạo khi thả nổi đồng nội tệ hryvnia và đưa nó về với giá trị thực.

Nhưng việc tách sự liên kết giữa đồng hryvnia với đồ USD cũng gây ra sự tăng giá của hàng hóa nhập khẩu và lạm phát cao. Chính điều này gây nên sự suy giảm thu nhập và ảnh hưởng chất lượng cuộc sống của người dân.

“Đến cả hộ gia đình cũng chỉ trích chúng tôi, giới doanh nghiệp cũng chỉ trích. Nhưng đó là cách duy nhất để chúng ta có thể ổn định tình hình vĩ mô.”, Valeria nói.

Phan Tùng

TIN LIÊN QUAN