42 năm sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt qua hơn 30 năm đổi mới, kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, đối ngoại…, tất cả các “mặt trận” đều phát triển với những triển vọng tốt đẹp, vị thế Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao.

Đó là điều nhiều người tự hào khi nhìn lại quá khứ, phấn đấu cho hiện tại để hướng đến tương lai.
Đổi thay mạnh mẽ

Năm 1975 đánh dấu một mốc son trong lịch sử dân tộc, khi đất nước được thống nhất. 42 năm đã trôi qua, sự phát triển không ngừng trên các lĩnh vực đã tạo cho đất nước một vị thế vững chắc. Cả nước đã vượt qua các cuộc khủng hoảng trong những năm đầu sau thống nhất, đã chuyển từ một nền kinh tế khủng hoảng, thiếu hụt lớn sang một nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước, và đạt được nhiều thành tựu quan trọng đáng ghi nhận.

Có thể nói rằng, sức mạnh tổng hợp của quốc gia đã tăng lên, tạo ra thế và lực mới cho đất nước tiếp tục phát triển với những triển vọng tốt đẹp. Những kết quả này đã trở thành hành trang cho dân tộc vững bước trên con đường hội nhập và phát triển hơn nữa.

resize_images1890736_123.jpgThủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham quan dây chuyền sản xuất tại nhà máy ô tô của Tập đoàn Hyundai Thành Công ngày 7/4/2017.

Điểm lại những thành quả của đất nước, nhiều nhà nghiên cứu đã chỉ rõ, nếu tính chung từ năm 1976 đến 1985 tổng sản phẩm xã hội tăng 50,5%, bình quân hàng năm chỉ tăng ở mức 4,6%; thu nhập quốc dân tăng 38,8% bình quân hàng năm chỉ tăng 3,7%, trong khi tỷ lệ dân số tăng trung bình hàng năm 2,3%, đời sống người dân hết sức khó khăn, thiếu thốn.

Đại hội VI của Đảng tháng 12/1986 đã mở ra một giai đoạn mới trong lịch sử phát triển đất nước theo kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Như Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã nhận định: “Sau đổi mới, tăng trưởng kinh tế luôn ở mức rất cao, 30 năm qua bình quân tăng trưởng 6,6% một năm, có năm đạt trên 8,4%... Thu nhập bình quân đầu người từ chỗ chỉ 100 USD trước đổi mới, giờ đã tăng lên trên 2.109 USD. Cùng với đó là tháo gỡ rào cản về pháp lý, tạo mọi điều kiện cho các tầng lớp dân cư, thành phần kinh tế tham gia sản xuất, kinh doanh. Bộ mặt nền kinh tế, đời sống người dân thay đổi rõ rệt”.

Những con số thống kê cũng đã nói rất rõ thành tựu của công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, làm cho tiềm lực kinh tế của đất nước tăng lên gấp nhiều lần. Hiện cả nước đã có trên 650.000 DN trong nước, hơn 20.000 DN FDI, đã xuất hiện những DN được xếp hạng trong khu vực với một đội ngũ lao động được đào tạo và rèn luyện trong môi trường cạnh tranh.

Chỉ tính riêng năm 2016, lần đầu tiên có trên 110.000 DN thành lập mới, cao nhất từ trước đến nay. Sản phẩm công nghiệp vừa nhiều gấp bội về số loại, vừa gấp nhiều lần về sản lượng. Lĩnh vực thương mại từ chỗ nhỏ bé và phân tán đến nay hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành. Nếu như năm 1986, Việt Nam mới chỉ có quan hệ buôn bán với 43 nước thì đến nay đã có quan hệ thương mại đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Việc tăng trưởng kinh tế đã cơ bản gắn kết hài hòa với phát triển văn hóa, xây dựng con người, tiến bộ và công bằng xã hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển khá nhanh với nhiều công trình hiện đại, tạo diện mạo mới cho đất nước. Những người đã từng đi qua 30 năm của công cuộc đổi mới đã không thể tưởng tượng được tốc độ phát triển của những công trình hiện đại hiện nay.

Chỉ riêng tại Hà Nội, giờ khó có thể đếm hết những công trình tầm cỡ, các tuyến đường lớn… đã mang đến cho đất nước một diện mạo mới. Cùng với đó, tiến bộ, công bằng xã hội, phát triển văn hóa và công cuộc xây dựng nông thôn mới đã thực sự đạt được nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, còn dưới 6%. Đã có gần 100% số hộ gia đình được sử dụng điện lưới quốc gia…, đó là điều không dễ dàng gì.

Vững vàng hội nhập

42 năm sau chiến tranh, hơn 30 năm sau đổi mới, Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu, có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với khoảng trên 20.000 dự án.

Nhìn nhận về thành công trong công cuộc đổi mới tại Việt Nam, nhiều nhà phân tích có chung nhận định: Vị thế trên trường quốc tế ngày càng cao và Việt Nam đang tạo ra những thế mạnh mới để một lần nữa cất cánh. Và năm 2017, tiếp tục là năm đánh dấu một giai đoạn quan trọng của tiến trình phát triển, năm đầu của chặng đường sau 30 năm đổi mới, có ý nghĩa rất quan trọng trong thực hiện các Hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương một cách đồng bộ, hội nhập sâu rộng. Đồng thời cũng tiếp tục đánh dấu những chuyển động mạnh mẽ với quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, phục vụ, hành động.

Nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam được đánh giá là một nền kinh tế mở và là một trong những quốc gia có mức độ hội nhập tương đối cao trên thế giới. Điều này phản ánh xu hướng chung trên thế giới là xu hướng hội nhập và toàn cầu hóa; đồng thời cũng thể hiện chủ trương của Việt Nam chủ động hội nhập kinh tế quốc tế và khu vực, trên tinh thần phát huy tối đa nội lực, nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế…

Có thể nói rằng, tâm thế hội nhập đang có ở tất cả các lĩnh vực, ngành nghề, không chỉ hội nhập trong kinh tế mà cả giáo dục, y tế, nông nghiệp… Các bộ, ngành đã tích cực và chủ động vào cuộc theo đúng tinh thần nghị quyết của Bộ Chính trị.

Các hội nghị xúc tiến đầu tư được tổ chức liên tục tại các địa phương đã mở ra nhiều bước tiến mới. Ngay tại Hà Nội, với quyết tâm đi đầu trong tiến trình hội nhập, Hà Nội đã rà soát, sửa đổi và ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, nhằm tạo môi trường thuận lợi cho các DN thực hiện các hoạt động kinh doanh và đầu tư.

Tự hào bởi những thành quả, nhưng khó khăn thách thức không phải đã hết. Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng so sánh với trình độ phát triển của thế giới thì Việt Nam vẫn ở mức khiêm tốn. Như Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã từng nhận định: Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 14 trên thế giới về dân số nhưng quy mô nền kinh tế chỉ đứng thứ 48 và GDP đầu người xếp thứ 133. Chúng ta phải cố gắng rất nhiều để rút ngắn khoảng cách với thế giới là yêu cầu đặt ra.

Với cương vị là người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước cao nhất giai đoạn này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhiều lần nhấn mạnh quan điểm kế thừa và phát huy những thành tựu 30 năm đổi mới; tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi; khắc phục hạn chế, yếu kém; vượt qua khó khăn thách thức; nỗ lực xây dựng Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ Nhân dân; cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2021 đã đặt ra và tạo điều kiện để tiếp tục phát triển bền vững trong một tương lai xa hơn.

Đón chào ngày kỷ niệm 42 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, nhiều người dân cũng hy vọng rằng, thành tựu đạt được trên các lĩnh vực trong 42 năm qua sẽ tạo cơ sở và tiền đề quan trọng, quý báu để nước ta tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa trong giai đoạn mới. Như Trung tướng Nguyễn Quốc Thước (nguyên Tư lệnh Quân khu IV) đã chia sẻ: Chưa bao giờ vị thế của đất nước lại lên cao như hiện nay.

Chúng ta hút được những lực tích cực về phía mình để giữ vững, bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Sự tự tin của các nhà lãnh đạo đất nước thể hiện rõ khi được bạn bè, nguyên thủ các nước kính nể, không chỉ ở Đông Nam Á, châu Á mà còn cả thế giới nữa. Chúng ta hài lòng với kết quả, nhưng không thỏa mãn, không ru ngủ trong thành tích. Nếu công tác quản lý điều hành tốt hơn, những tồn tại, hạn chế được khắc phục hiệu quả thì vị thế Việt Nam chắc chắn sẽ còn cao hơn rất nhiều.

Theo Kinhtedothi.vn

TIN LIÊN QUAN