(Baonghean) - Trong tuần qua thông tin nhà tài trợ chính rút lui khỏi V.League đã được tân Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) Trần Anh Tú xác nhận.

Lấy lý do khó khăn về tài chính, Toyota chính thức chia tay V.League, nhưng điều đáng ngạc nhiên là Toyota lại gia hạn và tăng tiền tài trợ cho Thai League lên đến đến 19,76 triệu USD (hơn 6,5 triệu USD/mùa) đến năm 2020. Trước đó Toyota là nhà tài trợ chính cho V.League với giá trị khoảng 1,76 triệu USD/năm (40 tỷ đồng). 

Việc nhà tài trợ chính đột ngột rút lui khiến cho Ban tổ chức V.League lúng túng vì chưa biết tìm ai thay thế vào lúc này và kế hoạch chuẩn bị cho mùa giải mới 2018 cũng vì thế chưa thể triển khai.

1514538863510.jpgNhà tài trợ chính Toyota sẽ rút khỏi V.League kể từ mùa giải 2018. Ảnh: Đức Dũng


Đây là dấu hiệu cho thấy V.League đang ngày càng một “mất giá” trầm trọng và thậm chí còn bị nhà tài trợ bỏ rơi một cách không thương tiếc. Và cũng từ việc Toyota bỏ rơi mà chúng ta mới biết Thai League lâu nay đã “có giá” hơn V.League gấp 4-5 lần. Lý do Toyota đoạn tuyệt với V.league là để tăng số tiền tài trợ cho Thai League.  

Theo các chuyên gia, đây là hệ quả của việc V.League ngày càng giảm sút về chất lượng chuyên môn. Một trong những nguyên nhân chính là V.League không còn là “miền đất hứa” cho các ngoại binh có chất lượng. Như HLV Đức Thắng của Sài Gòn FC và quyền chủ tịch CLB TP HCM  Công Vinh từng cảnh báo rằng việc áp dụng "hạn ngạch" đăng ký ngoại binh của Ban tổ chức V.League vô tình làm giảm chất lượng của giải đấu này.

Theo HLV Đức Thắng thì: “Khi Ban tổ chức giảm số lượng ngoại binh thì lập tức chất lượng V.League hoàn toàn đi xuống. Với khán giả, họ cần những trận đấu đẹp, có chất lượng chuyên môn tốt hơn. Nhưng nay, chúng ta lại hạn chế ngoại binh, đồng nghĩa bóp nghẹt chuyện đó”. Còn Công Vinh cho rằng: "Cầu thủ ngoại bị hạn chế suất chơi, đồng thời cơ chế tài chính không có phép khiến nhiều đội bóng chỉ có được chữ ký của “hàng dạt”, làm chất lượng đội hình đi xuống. Nó kéo theo chất lượng chuyên môn của các trận đấu và giải đấu cũng xuống theo".

SLNA không có được thứ hạng tốt tại V- League 2017. Ảnh: Internet

Cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam cũng kêu gọi: "Các CLB sẽ phải lên tiếng, đấu tranh đòi lại quyền đăng ký các suất ngoại binh. Về mặt đối ngoại, nó còn giúp các CLB đại diện Việt Nam có thể chơi sòng phẳng với các đối thủ ở AFC Cup và AFC Champions League".

Cùng quan điểm đó, HLV Nguyễn Thành Vinh cho biết: Việc có quá ít ngoại binh chất lượng trên sân khiến V.League mấy năm nay không còn hấp dẫn nữa. Nên chăng Ban tổ chức nên nâng số lượng ngoại binh được vào sân cùng lúc từ 3 đến 4 suất. Khi đó, khả năng cạnh tranh sẽ cao hơn, tốc độ trận đấu diễn ra nhanh hơn, dẫn đến giải đấu sẽ hấp dẫn hơn. 

Trên thực tế, mấy năm nay chúng ta hạn chế ngoại binh với mục đích tạo điều kiện cho các cầu thủ trẻ của các CLB được ra sân nhiều hơn, nhưng chất lượng chuyên môn nội binh cũng không mấy tiến bộ, còn ngoại binh thì toàn “hàng dạt” dẫn đến chất lượng giải đấu từ từ đi xuống. Cùng với đó là những câu chuyện “bên lề” như công tác trọng tài, các đội bóng “bắt tay” nhau hoặc bị một vài ông bầu thao túng, khiến cho V.Leauge càng thêm “rớt giá”.

Theo như chia sẻ của tân Chủ tịch Hội đồng quản trị VPF thì V.League đương nhiên là có giá trị nhất định và nó được các doanh nghiệp định giá nếu như họ có mong muốn được quảng bá hình ảnh, thương hiệu của doanh nghiệp mình qua "mặt hàng" này. Nhưng con số cụ thể bao nhiêu và ai sẽ ký tiếp sẽ là câu chuyện đau đầu cho tân Chủ tịch VPF và Ban tổ chức V.League!

Đức Dũng

TIN LIÊN QUAN