Giây phút trùng phùng của 7 thuyền viên sống sót với người thân sau vụ chìm tàu
Trao đổi về công tác tìm kiếm 9 ngư dân Nghệ An mất tích ở vùng biển Vịnh Bắc Bộ, ông Nguyễn Mạnh Dũng - thuyền trưởng tàu SAR 411, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cho biết, chiều 28/6, sau khi nhận thông tin thì đơn vị đã triển khai các phương án, tìm kiếm cứu nạn.
“Những ngày đầu do sóng cao, chúng tôi đã huy động nhiều phương tiện cả tàu vận tải, tàu ngư dân chạy qua, thậm chí nhờ các phương tiện của Trung Quốc cùng máy bay trực thăng tìm trên mặt biển nhưng không có kết quả gì”, ông Dũng kể.
Thời điểm tàu cứu nạn SAR 411 tiếp cận hiện trường, 10 ngư dân (trong đó có 1 người tử vong) đã được tàu hàng Pacific 01 vớt lên. Các ngư dân chỉ bị xây xát nhẹ nhưng lúc này rất hoang mang, lo lắng cho người thân của họ vẫn đang còn ở dưới biển. Sau khi cứu lên tàu, các thuyền viên sức khỏe cơ bản ổn định, chỉ có xây xát bên ngoài.
"Khó khăn đối với lực lượng cứu nạn là khu vực tàu chìm cách xa đất liền, điểm gần nhất là đảo Bạch Long Vĩ cũng cách 35 hải lý, bên kia đường phân định giữa Việt Nam với Trung Quốc. Vùng biển này có độ sâu rất lớn, 65m", ông Dũng nói.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam thuê nhóm thợ lặn gồm 5 người, có mặt tại hiện trường từ tối 1/7 và sáng 2/7, nhóm này bắt đầu xuống biển tìm kiếm các thuyền viên.
Theo thuyền trưởng tàu SAR 411, khoảng 8h sáng 2/7, nhóm thợ lặn đã tiếp cận tàu chìm theo 2 điểm, mỗi ca lặn dài 30 phút. Ở đường dây thứ nhất xuống được 20m thì vướng lưới, thợ lặn đã cố gắng lặn xuống tiếp đến 48m thì bình dưỡng khí không đủ phải quay trở lên.
Đường dây thứ hai không vướng lưới song các thợ lặn vẫn chưa tiếp cận được tàu do tàu nằm ở độ sâu khoảng 65m.
"Qua thông tin từ các thuyền viên được cứu sống, thời điểm tàu bị chìm có khoảng 13 người nổi lên mặt nước. Vì vậy, khả năng cao còn khoảng 6-7 người mắc kẹt ở trong tàu".
Về phương án cứu hộ, cứu nạn các thuyền viên còn mất tích, ông Dũng cho rằng, với độ sâu hiện tại thì giống như một số vụ tương tự trước, để mà lặn, vớt thì phải chuẩn bị phương tiện đầy đủ, thời tiết phù hợp thì mới đủ an toàn để thực hiện.
Do áp thấp mạnh lên thành bão số 2, thời tiết trên biển diễn biến xấu nên từ chiều 2/7, các lực lượng tham gia tìm kiếm phải rút vào bờ để đảm bảo an toàn.
Cùng đó, 9 thuyền viên được cứu sống nhiều ngày nay tham gia tìm kiếm người mất tích cùng lực lượng chức năng cũng đã được tàu SAR của Trung tâm Phối hợp tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam đưa vào bờ, trở về với gia đình.
Khoảng 13h00 phút ngày 28/6/2019, tàu Pacific 01 đã đâm, va vào tàu cá NA 95899 TS (trên tàu có 19 thuyền viên) tại vị trí có tọa độ 19032.334N; 107042.263E, cách đảo Bạch Long Vỹ khoảng 32 hải lý về hướng Nam và cách đường phân định Vịnh Bắc Bộ 14,5 hải lý phía Trung Quốc. Sau đó, tàu Pacific 01 đã hạ xuồng cứu sinh cứu 9 thuyền viên, 1 thuyền viên tử vong, 9 người mất tích.
Do vị trí tàu bị nạn chìm có độ sâu trên 65m, năng lực, phương tiện của lực lượng TKCN dân sự khó đáp ứng được yêu cầu lặn tìm kiếm các thuyền viên bị nạn. Trước thực tế đó, Bộ GTVT đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN cùng Bộ Quốc phòng hỗ trợ các biện pháp cần thiết để thực hiện tìm kiếm những thuyền viên có khả năng bị mắc kẹt trong tàu cá bị nạn.
Mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng vừa ký công điện yêu cầu các bộ, ngành, địa phương huy động lực lượng, phương tiện quyết liệt triển khai các biện pháp để tìm kiếm cứu nạn 9 ngư dân đang mất tích. Bộ Quốc phòng tiếp tục phối hợp với Bộ GTVT tổ chức tìm kiếm các ngư dân mất tích; kịp thời điều động lực lượng, phương tiện tham gia tìm kiếm, cứu nạn.