Phản ứng sau tiêm cao và "phản ứng" từ dư luận nhiều nhưng ngành y tế vẫn cho rằng vaccine Quinvaxem đủ độ tin cậy.

Một trong những lý do quan trọng, theo PGS-TS Phan Trọng Lân (ảnh), Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM, bởi vì vaccine Quinvaxem đã thành lập nên hàng rào miễn dịch cộng đồng vững chắc so với các loại vaccine công nghệ vô bào khác.

Mô hình bệnh tật mỗi nước khác nhau

- Thưa ông, nhiều người dân đặt câu hỏi: Vì sao cứ phải là Quinvaxem trong khi nước sản xuất không sử dụng nó?

+ PGS-TS Phan Trọng Lân: Vào thời điểm được cấp phép (2006), Quinvaxem là vaccine 5 trong 1, trong đó có thành phần ho gà công nghệ toàn tế bào dạng lỏng, dễ sử dụng; là vaccine đa giá trị giúp giảm mũi tiêm, giảm hao phí, giảm dung tích bảo quản, giảm nguy cơ nhiễm trùng do tiêm nhiều mũi; là lựa chọn tốt nhất cho lịch tiêm chủng tại các quốc gia đang sử dụng các loại vaccine với công nghệ toàn tế bào.

Để đánh giá vấn đề sử dụng vaccine của mỗi quốc gia, người ta dựa trên bốn tiêu chí. Thứ nhất là gánh nặng bệnh tật; thứ hai là tính sinh miễn dịch - khả năng bảo vệ trước bệnh tật; thứ ba là tính an toàn và cuối cùng là tính sẵn có cũng như tích hợp trong hệ thống y tế, kinh tế xã hội của mỗi quốc gia. Dựa trên bốn tiêu chí này, mỗi quốc gia đưa ra chiến lược sử dụng vaccine cho mình.

Khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho phép sử dụng, Quinvaxem đã hoàn tất các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng và được WHO tiền thẩm định, được cơ quan quản lý Hàn Quốc cấp phép cho xuất khẩu.

Thành phần ho gà dễ gây phản ứng

- Có phải chúng ta thấy rẻ lỡ mua rồi nên phải sử dụng?

+ Khác nhau cơ bản trong Quinvaxem với các vaccine 5 trong 1 hoặc 6 trong 1 khác, chủ yếu là thành phần ho gà toàn tế bào gây nhiều phản ứng hơn vô bào, tuy nhiên chỉ ở mức độ nhẹ và trung bình còn mức độ nặng thì hiếm gặp và cả hai đều như nhau. Các thành phần khác gần như là tương đồng. Thành phần ho gà khác nhau là công nghệ vô bào (chọn lọc các kháng nguyên của vi khuẩn) và toàn tế bào (vẫn còn giữ nguyên cấu trúc vi khuẩn). Đây là vấn đề vẫn còn đang tranh cãi và thậm chí hoàn toàn mâu thuẫn nhau.

images1424068_vacxin_bb_baaabamg7e.jpgNgười dân đưa trẻ đi tiêm vaccine Quinvaxem (ảnh minh họa).

Đặt giả dụ vì sao không đưa công nghệ vô bào cho thành phần ho gà vào Quinvaxem để giảm phản ứng? Để phòng ho gà, mỗi quốc gia chọn công nghệ mang tính phòng bệnh hiệu quả cho một số nước có gánh nặng bệnh tật lớn, tạo miễn dịch bền hơn, miễn dịch cộng đồng tốt hơn, phù hợp với lịch tiêm chủng cũng như hệ thống tiêm chủng đang có.

-  Nhưng tại sao vaccinetoàn tế bào có nhiều rủi ro hơn vaccinevô bào nhưng chúng ta vẫn chọn?

+ Mỗi quốc gia người ta chọn vaccine dựa trên khuyến cáo của WHO: Đối với đất nước đã sử dụng vaccine toàn tế bào thì cân nhắc khi chuyển sang vô bào vì phải lường trước khả năng bùng phát dịch bệnh, phải đảm bảo nguồn lực tiêm nhắc lại (4-6 tuổi, 11-12 tuổi, kể cả tiêm cho phụ nữ mang thai) và phải tính sự chấp nhận của cộng đồng khi tiêm nhắc lại. Theo báo cáo của WHO, đối với đất nước có lịch tiêm chủng quốc gia bốn mũi trở xuống thì nên tiêm tiếp tục vaccine ho gà toàn tế bào, không nên chuyển đổi. Như vậy, Việt Nam đang tiêm vaccine toàn tế bào hơn 30 năm qua và có hiệu quả. Trước năm 1980, hằng năm có hơn 96.000 trường hợp mắc bệnh ho gà nhưng hơn 30 năm triển khai tiêm chủng bệnh ho gà bằng vaccine theo công nghệ toàn tế bào và Quinvaxem, từ năm 2010, số mắc ho gà mỗi năm luôn ở mức dưới ba con số, giảm trên 1.000 lần.

. Các nước sử dụng vaccine như thế nào, thưa ông?

+ Từng quốc gia chọn vaccine với chủng virus khác nhau, công nghệ sản xuất khác nhau, lịch tiêm cũng khác nhau nên việc đánh giá không phải dễ dàng. Cái chính là mỗi quốc gia khi sử dụng mang tính hiệu quả cao thì nên tiếp tục sử dụng. Theo đánh giá của WHO qua khảo sát 19 nước (bốn nước thu nhập trung bình khá và 15 nước thu nhập cao) cho thấy dù không có sự bùng phát dịch ho gà trên toàn cầu nhưng lại gia tăng tại một số nước.

Thí dụ, có bốn nước có dịch ho gà xảy ra và gia tăng gồm Úc, Anh, Bồ Đào Nha, Mỹ dù tỉ lệ tiêm chủng cao, tiêm nhắc nhiều lần bằng vaccine vô bào. Mỹ hằng năm vẫn ghi nhận từ 10.000 đến 40.000 người mắc ho gà, 10-20 trường hợp tử vong. Trong khi đó tại Úc có 11.000-23.000 người mắc/năm... Riêng Chile sử dụng vaccine toàn tế bào vẫn xảy ra dịch là do tỉ lệ tiêm chủng ở nước này quá thấp.

Tại sao không bỏ Quinvaxem?

- Như ông nói thì một số lượng trẻ em Việt Nam đang tiêm ho gà bằng vaccinevô bào, liệu có lo lắng?

+ Chúng ta đang sử dụng vaccine toàn tế bào và đã tạo ra được nền miễn dịch cộng đồng vững chắc, tác nhân gây bệnh không lây lan. Hiện nay có 8% dân số tiêm vaccine vô bào. Theo hướng dẫn của WHO vào tháng 7-2014, các nghiên cứu tại Úc, Anh, xứ Wales và Mỹ cùng các thực nghiệm trên khỉ đầu chó tiêm vaccine công nghệ vô bào cho thấy khả năng bảo vệ từ đối tượng được tiêm vaccine sang đối tượng chưa tiêm thông qua cơ chế lây nhiễm thụ động là rất hạn chế. Do vậy miễn dịch cho cộng đồng là không đảm bảo so với vaccine công nghệ toàn tế bào. Điều này cho thấy việc chuyển đổi từ vaccine toàn tế bào sang vaccine vô bào có thể liên quan với sự tái bùng phát của bệnh ho gà tại một số nước phát triển.

- Nhưng tại sao người ta vẫn chuộng vaccinevô bào?

+ Khi chương trình tiêm chủng mở rộng đạt hiệu quả cao thì người ta không còn phân biệt giữa lợi ích tiêm chủng và bệnh tật. Nghĩa là người ta không mường tượng bệnh tật có thể diễn ra. Lúc đó phụ huynh quan tâm nhiều đến sưng, đau, đỏ, sốt… Chính những phản ứng của vaccine toàn tế bào nhiều hơn vaccine vô bào tác động trực tiếp đến phụ huynh khiến họ chọn tính an toàn sao cho giảm sưng đau, đỏ, sốt và thế là vaccine vô bào được "ưa chuộng".

Tiêm vaccine công nghệ toàn tế bào có thể tạo miễn dịch cộng đồng tốt hơn, phòng lây lan sau tiêm tốt hơn. Ngoài ra còn mang tính nhân văn là bảo vệ cho những trẻ chưa đến tuổi tiêm chủng (dưới hai tháng tuổi) và những người có chống chỉ định hoặc hoãn tiêm.

- Xin cám ơn ông.

Theo tintuc.vn