(Baonghean.vn) - Cuộc sống nghèo khó thiếu thốn nơi núi rừng buộc nhiều người dân ở miền núi phải bươn chải để nuôi sống cả gia đình, nhiều đứa trẻ bị “bỏ rơi” ngay cả khi có cha, có mẹ. Bởi vậy, những đứa trẻ miền núi đã trở thành "miếng mồi" béo bở cho nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em.
Dư luận vẫn chưa lắng xuống sau vụ việc cháu Moong Thị Tân Mão (SN 2011, bản Na Bè, Xá Lượng, Tương Dương) bị nhóm đối tượng Xên Văn Long và đồng bọn bắt cóc và bán sang Trung Quốc vào hồi tháng 4 vừa qua. May mắn, sau 20 ngày lưu lạc ở Trung Quốc, cháu Mão được Công an huyện Tương Dương giải cứu và trao trả cho gia đình. Nhìn lại toàn bộ diễn biến sự việc, không khó để lý giải vì sao Moong Thị Tân Mão cũng như nhiều đứa trẻ miền núi khác lại trở thành “con mồi” của bọn buôn bán người.
Mẹ bỏ đi khi Moong Thị Tân Mão còn bé xíu, bố của Mão là ông Moong Văn Nghệ gá nghĩa với một người phụ nữ khác. Nhà bé Mão cũng như phần đông các hộ dân ở bản Na Bè này đều là hộ nghèo, mỗi năm thiếu ăn 4-6 tháng. Thiếu ăn, thiếu mặc, đương nhiên họ cũng chẳng thể quan tâm con cái được nhiều. Không có việc làm, hết mùa rẫy là hết lúa, hết gạo nên bố của Mão theo người vào làm việc ở bãi vàng ở Quảng Nam.
Theo lời khai của Quang Thị Lân – một trong mắt xích của đường dây bắt cóc, bán cháu Mão sangTrung Quốc thì sau nhiều ngày quan sát, thấy cháu thơ thẩn hết nhà này đến nhà khác trong bản chơi, gặp nhà nào thì ăn ở nhà ấy, biết không có người trông coi nên nảy sinh ý định bắt cóc để bán sang Trung Quốc lấy tiền tiêu.
Cũng theo lời khai của các đối tượng thì bé Mão được “định giá” 50 triệu đồng, cộng thêm 20 triệu đồng tiền công nhờ người đưa sang bên kia bên giới, tính ra mỗi người chỉ được khoảng hơn 10 triệu đồng! 10 triệu đồng để đẩy một đứa trẻ vào cảnh xa cha mẹ, quê hương, bản quán, thậm chí còn phải đối mặt với bao nhiêu giông gió cuộc đời! |
Không phải chỉ có Moong Thị Tân Mão bị “bỏ rơi” ngay chính trong ngôi nhà của mình mà nhiều trẻ em miền núi đang ở trong tình cảnh này. Do tập quán canh tác, sản xuất nên đất trồng lúa ngày càng bị thu hẹp, bạc màu, năng suất kém. Bởi vậy, người dân phải vào sâu trong rừng để phát rẫy mới. Những lần đi phát rẫy có khi ở biền biệt trong đó cả tuần lễ. Con cái đành gửi lại ông bà, hàng xóm, thầy cô giáo, thậm chí là để chúng tự lo cho bản thân mình.
Bản Huồi Máy, bản xa nhất của xã Cắm Muộn (Quế Phong) nghèo lắm, có lẽ là nghèo nhất trong các bản làng mà tôi đã từng đi qua. Bản có 39 hộ dân với 177 nhân khẩu, chủ yếu là người Khơ –mú. 100% số hộ trong bản là hộ nghèo. Cái nghèo, cái đói cứ bám riết lấy dân bản trong khi không có lấy một nghề phụ khả dĩ kiếm ra tiền ở mảnh đất “thâm sơn cùng cốc” này. Bao đời nay, người Khơ – Mú ở Huồi Máy đều sống dựa vào rừng, có khi lập hẳn lán trong rừng để tiện canh lúa khỏi sự phá hoại của thú rừng.
Bố mẹ ở riết trong rừng, cậu bé Ốc Văn Uy (SN 2008) được gửi cho một hộ dân trong bản. Không phải chỉ mình Uy mà nhiều em nhỏ khác cũng được gửi lại cho người quen hoặc phải tự lo cho bản thân mình trong thời gian bố mẹ vào rừng làm rẫy. Nếu số gạo bố mẹ gửi lại đủ thì Uy có cơm ăn, nếu hết gạo thì phải chịu vì nhà hàng xóm cũng không có gạo để ăn, con mình phải nhịn đói, huống hồ là nấu cơm cho con hàng xóm.
Câu chuyện của thầy giáo cắm bản Huồi Máy Lô Văn Thanh (Trường Tiểu học Cắm Muộn) khiến tôi không khỏi xót xa: “Có những hôm đang giảng bài, thấy học sinh của mình cứ lả dần đi rồi nằm xẹp xuống bàn. Hỏi ra thì mới biết, đã ba ngày các em không được ăn cơm, chỉ ăn quả ổi rừng lót dạ, đói quá suýt ngất xỉu. Đưa vào lán, lấy mì tôm pha cho ăn, thấy các em cứ vục mặt vào tô mì ăn ngấu nghiến mà thương quá”. Không đủ ăn, không có người chăm sóc, không người bảo vệ, các em đang đứng trước nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm mua bán người.
Vừa rồi, TAND tỉnh Nghệ An đã xử phạt Vi Thị Ngọc (SN 1973, trú tại xã Yên Na, Tương Dương) 10 năm tù và Ngân Thị Oanh (SN 1984, trú cùng địa chỉ với Ngọc) 5 năm tù về tội mua bán trẻ em. Hai đối tượng này đã lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của cháu Lương Thị M. (SN 2001, trú cùng xã, mẹ mất sớm, bố lấy vợ mới, bị mẹ kế đánh đập) nên Ngân Thị Oanh đã dụ dỗ cháu sang Trung Quốc làm việc.
Sau đó, Oanh bàn giao cháu M. cho Vi Thị Ngọc, Ngọc đưa cháu bé sang Trung Quốc, bán cho một người đàn ông nước này làm vợ với giá 150 triệu đồng. Sau 4 tháng làm vợ người đàn ông Trung Quốc, cháu M. được giải thoát và đưa về Việt Nam.
Đây không phải là lần đầu tiên TAND tỉnh đưa vụ án mua bán trẻ em ra xét xử và tuyên phạt tù. Tuy nhiên, với lợi nhuận khổng lồ từ các phi vụ mua bán trẻ em mang lại, dường như các bản án này chưa đủ làm cho những kẻ buôn bán người run sợ. Và tất nhiên, không phải ai cũng may mắn như bé Moong Thị Tân Mão hay còn có cơ hội trở về nhà như bé Lương Thị M.
Trung tá Trần Phúc Tú – Trưởng Công an huyện Tương Dương khuyến cáo: “Những cháu bé có cảnh khó khăn, thiếu sự quản lý, chăm sóc của bố mẹ sẽ trở thành “con mồi” của nạn buôn người. Bởi vậy các bậc cha mẹ cần phải quan tâm, quản lý con em mình sâu sát hơn nữa để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng bắt và bán sang Trung Quốc”.
Khuyến cáo thì là vậy nhưng trước thực trạng đời sống còn nhiều khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số các huyện miền Tây, khi cái đói, cái nghèo còn bủa vây, việc chăm sóc, quản lý con em mình có lẽ sẽ luôn là một câu chuyện rất dài chưa có hồi kết.
Như Bình