Trong quá khứ, Sông Lam Nghệ An là một trong những đội bóng có duyên trong công tác tuyển chọn ngoại binh, là mảnh đất vàng của các chân sút ngoại.
Kể từ những năm đầu V.League mới lên chuyên, Enock Kyembe, Iddi Batambuze hay Lulenti Kyeyune từng làm mưa làm gió trong màu áo đội bóng xứ Nghệ giai đoạn 2001-2002. Để rồi sau đó những cầu thủ này chuyển đến chơi cho những đội bóng lắm tiền, nhiều của hơn. Xa hơn, những chân sút như Valdinei, Toledo và Vidovic những năm cuối thập kỷ trước, cũng là những cầu thủ ghi nhiều dấu ấn trong lòng người hâm mộ.
Từ V.League 2011, SLNA đã sở hữu bộ tứ đẳng cấp là Ansah, Kavin, Derron, Fagan. Trong đó, Edmund Ansah từng là thủ quân ĐT Ghana năm 2010 cũng rời SLNA thi đấu cho Hải Phòng tại V.League 2012. Đến thời điểm này, Diego Fagan vẫn là sự lựa chọn hàng đầu, sát thủ nguy hiểm nhất của đội bóng đất cảng trên hàng công.
Sau đó lần lượt là những ngoại binh để lại dấu ấn khác như Hector, Abass Dieng, Gustave Bebbe và Nwakaeme Dickson vào năm 2012. Tất cả họ cũng chỉ cập bến SLNA duy nhất 1 năm và rời đội bóng xứ Nghệ vì đòi hỏi mức đãi ngộ cao hơn nhiều so với năm đầu tiên. Bến đỗ của chân sút Dickson sau Giải VĐQG Malaysia là Angers SCO tại Ligue 1 (Pháp). Một trường hợp khác khiến người hâm mộ tiếc nuối là tiền đạo Abass Dieng cũng chia tay SLNA sau khi V.League 2012 kết thúc.
Sau này, hàng loạt những ngoại binh mà SLNA chiêu mộ đa phần đều không đáp ứng được yêu cầu về chuyên môn như Willis Plaza, Adbul Haruna, Baba Salia, Koen Bosma và Aboubakar Mahadi và mới nhất là trường hợp của Danko Kovacevic.
Tiền đạo Montenegro cập bến V.League với bản lý lịch từng thi đấu tại châu Âu nhưng chỉ có 1 bàn thắng duy nhất cho SLNA tại V.League 2017.
Từng tìm kiếm được những ngoại binh chất lượng nhưng SLNA vẫn phải chia tay họ theo dạng tự do mà không kiếm được đồng lãi nào. Lý do cho những sự ra đi này không đơn thuần chỉ xuất phát từ yêu cầu ngày càng cao của họ mà vì chính sách “từng năm một” của đội bóng xứ Nghệ.
Chính sách ký hợp đồng ngắn hạn với ngoại binh (từ 6 tháng - 1 năm) của SLNA được cho là xuất phát từ 2 nguyên nhân.
Thứ nhất, ngân sách chi cho ngoại binh SLNA ngày càng bị cắt giảm vì không kiếm được thêm nguồn tài trợ để bớt gánh nặng cho Ngân hàng Bắc Á.
Thứ hai, kế hoạch chi tiêu mùa cả mùa giải được trình lên và duyệt theo từng năm, theo từng kế hoạch chứ không phải đầu năm nhận 30 tỷ hay 50 tỷ từ nhà tài trợ chính và “đi chợ”... Đó cũng là vấn đề khó trong khâu làm giá đối với các chân sút ngoại binh có chất lượng.
Hơn nữa nguồn tài trợ của toàn đội còn chưa được đảm bảo, không cho phép CLB SLNA chi cho ngoại binh với kế hoạch 2 năm.
Tuy nhiên, cũng phải nói thêm rằng việc tuyển chọn ngoại binh tại V.League đang phụ thuộc khá nhiều vào may mắn. V.League 2016, Odah Mashal đã chơi không tồi với 10 bàn thắng trong cả mùa giải, nhưng anh lại không thể tiếp tục gia hạn hợp đồng vì bệnh tim. Người đá cặp với anh là Baba Salia lại chỉ có được 4 pha lập công và cầu thủ này buộc phải khăn áo ra đi.
Hết giai đoạn 1 của V.League 2017, SLNA chia tay Shackiel Henry vì chỉ ký với cầu thủ này nửa mùa và không gia hạn hợp đồng.
Nhiều lần trả lời báo chí, HLV Nguyễn Đức Thắng trải lòng: “Việc tuyển chọn ngoại binh ở SLNA là rất bài bản, nhưng cái khó là phải phụ thuộc nhiều yếu tố, ví dụ yêu cầu của ngoại binh quá cao, hoặc bản thân ngoại binh đó có nhiều tiền sử bệnh tật, hay chưa bắt nhịp được với môi trường bóng đá Việt Nam”.
V.League 2018 đã là năm thứ 9 nhà tài trợ chính đồng hành cùng CLB Sông Lam Nghệ An và cũng là thời điểm sắp đáo hạn hợp đồng. Nhiều giả thiết đặt ra nếu sang năm sau, NH Bắc Á không cam kết đồng hành và SLNA không có nhà tài trợ mới thì chuyện chỉ dám ký ngoại binh theo từng năm một hoặc nửa năm là điều dễ hiểu.
Làm huấn luyện viên, ai cũng muốn có nguồn tài chính dồi dào để chiêu mộ cầu thủ chất lượng, hướng đến đỉnh vinh quang. Tuy nhiên, khi mà chuyện “cơm áo gạo tiền” vẫn trở thành nỗi ám ảnh của họ thì nỗi thất vọng đến từ ngoại binh tiếp tục là một vòng luẩn quẩn không có lối thoát. Thời gian tới, người hâm mộ xứ Nghệ tiếp tục chứng kiến Olaha gánh cả hàng công SLNA và giai đoạn 2 Ban huấn luyện lại mỏi mắt tìm ngoại binh hay, giá rẻ/.