Nhưng thực ra, không phải sân lớn hay nhỏ, mà vấn đề quan tâm là sân có thường xuyên được lấp đầy khi đội chủ sân thi đấu hay không? Câu trả lời với sân Vinh hẳn là không khó đối với đông đảo khán giả hâm mộ bóng đá?
Điều dễ thấy, dễ nhớ là sân Vinh từng có thời điểm tràn ngập khán giả, hẳn không phải là con số 18.000 mà sẽ nhiều hơn bởi nhiều khán đài chưa có ghế mà là sàn xi-măng, người ngồi, người đứng không thể tính hết, chưa kể số khán giả tràn xuống đường pit, khán giả trèo trên mái tôn bên Nhà thi đấu, vé thang… Tóm lại đó là những con số trong mơ, những năm tháng trong mơ khi SLNA thi đấu tốt với 3 danh hiệu VĐQG, 3 cúp QG, 4 siêu cup QG… vào các năm 1999, 2000, 2011…
Cũng là điều đáng nhớ, đáng băn khoăn khi sân Vinh nhiều lúc không còn cảnh đông đặc khán giả tới cổ vũ đội nhà, mặc dù tuyệt đối không ai nghi ngờ gì về tình yêu bóng đá của người hâm mộ? Trong khi có những thời điểm, các sân Hàng Đẫy, Thống Nhất, Thủ Dầu Một… khán đài dành cho khán giả đội khách được phủ đầy một màu áo vàng truyền thống mỗi khi SLNA tới thi đấu? Phải chăng, do điều kiện kinh tế - xã hội thay đổi nên sân Vinh vơi dần số khán giả, được/bị san sẻ ra nhiều nơi khác như vừa nói ở trên?
Có một điều khẳng định là thời SLNA thi đấu thăng hoa mọi mặt gắn liền với việc đội bóng luôn bất bại trên sân Vinh. Bất kỳ đội bóng mạnh nào cũng rất ngán ngại mỗi khi đến sân Vinh, không muốn gặp SLNA trên sân Vinh bao giờ? Tiếc thay, “thời hoàng kim” đó của SLNA không kéo dài, nhất là từ khi bóng đá chuyển sang xu thế xã hội hóa. Bóng đá Việt gắn liền với những “ông bầu” nhiều tiềm lực, hút hết nhân tài, trong đó có nhiều ngôi sao từ sân Vinh? SLNA từ đó cứ liên tục rơi vào thảm cảnh “chảy máu nhân tài”, thi đấu không ổn định, trận được, trận mất, khán giả vào sân thở dài rồi buông bỏ…
Nói điều này ra, có vẻ khán giả hâm mộ SLNA ở một góc độ nào đó nên một lần “xem lại mình” khi vẫn phải ngạc nhiên, thán phục khán giả Nam Định gần đây luôn lấp đầy sân Thiên Trường, làm chỗ dựa tích cực để đội bóng vượt qua khó khăn, thi đấu thăng hoa trên sân nhà như những trận đấu mùa giải 2020 - 2021 mới đây? Hay một phần nào đó khán giả Hải Phòng, dù đội bóng này hầu như mất hết bản sắc địa phương và luôn trầy trật?
Lâu nay, chúng ta thường tự hào lò đào tạo trẻ Sông Lam và câu chuyện “nước sông Lam biết khi mô cho cạn”. Có thêm điều này nữa cũng cần được khẳng định, tình yêu với SLNA của khán giả hâm mộ cũng không bao giờ vơi cạn! Sau những thăng trầm, gian khó, vơi đầy, hy vọng SLNA bước sang trang mới sẽ thực sự chuyên nghiệp và phát triển trên tất cả mọi mặt, trong đó có việc xây dựng lực lượng cổ động viên, phần không thể thiếu của bóng đá đỉnh cao.
SLNA hiện đang củng cố cơ sở vật chất, trong đó có sân Vinh. Liệu một ngày nào đó, sân Vinh có thể tiến tới đáp ứng yêu cầu của một sân vận động quốc gia, đủ điều kiện thi đấu quốc tế, như cách ông chủ đội bóng Hải Phòng mới đây “thể hiện”? Để có được điều kiện đó, chắc chắn phải đi kèm với điều kiện hoạt động chuyên nghiệp của lực lượng cổ động viên, không chỉ lấp đầy các khán đài mà phải tuyệt đối chấp hành quy định, quy tắc, cổ vũ bài bản, có màu sắc, bản sắc, văn minh…
“Đã yêu thì yêu cho chắc” là câu nói, câu hát được truyền lại từ bao đời, có lẽ không chỉ “ứng” với cuộc sống, tình yêu nói chung mà phải là câu chuyện thường ngày của …bóng đá! SLNA có thể lúc thăng, lúc trầm nhưng lòng người hâm mộ thì không bao giờ thay đổi, nghĩa là sân Vinh luôn đầy ắp khán giả cổ vũ. Cổ cũ đội bóng đi tới ngôi vô địch. Thậm chí cổ vũ đội bóng vượt thoát đận khó, chống xuống hạng như vừa mới đây.
Khi và chỉ khi đó, sân Vinh mới thực sự “đầy”, không bao giờ có chuyện “vơi” đáng tiếc và đáng nói như những ngày chưa xa...