Chợ đầu mối nông sảnlà khu chợ thuộc phía Tây chợ Vinh, là một chợ độc lập với chợ Vinh nhưng chưa được xếp hạng. Mặc dù đã được trưng biển và tính chất hoạt động của chợ này theo giống chợ đầu mối nhưng theo quy định chưa được công nhận.
Theo quy hoạch mạng lưới chợ được UBND tỉnh thông qua tại Quyết định số 5955/QĐ.UB năm 2013 và một số lần điều chỉnh bổ sung, Nghệ An chưa hề có chợ đầu mối tại khu vực chợ Vinh. Tại hội thảo về xây dựng mô hình quản lý và chuyển đổi một số chợtrên địa bàn thành phố Vinh năm 2019, cũng chưa hề có tên chợ đầu mối mà chỉ có chợ nông sản phía Tây chợ Vinh.
Chợ đầu mối hiện tại có mật độ và các mối giao thương buôn bán khá lớn, tiểu thương từ ngoại tỉnh ra, vào, các huyện, thị đến. Với gần 900 quầy ốt, trung bình mỗi ngày, chợ có trên 2.000 lượt người qua lại nhập hàng, lấy hàng sỉ. Thực tế cho thấy, khi dịch Covid-19 xảy ra, việc khoanh vùng, truy vết vô cùng khó khăn. Hiện nay, dù dịch đã được khống chế nhưng chợ đầu mối vẫn là khu vực phức tạp, có nguy cơ tái bùng dịch rất cao.
Bên cạnh đó, khu chợ này có diện tích chật hẹp, ẩm thấp, hạ tầng không đồng bộ. Mỗi khi mưa xuống, chợ đối diện với nguy cơ ngập úng. Khi nắng nóng thì lại đối mặt nguy cơ cháy nổ. Bên cạnh đó, do mật độ đi lại cao nên đây cũng là điểm nóng về an ninh, trật tự, khó quản lý thu phí, lệ phí cũng như vệ sinh môi trường.
Xây dựng chợ đầu mối phía Nam Vinh thế nào?
Mặc dù ý tưởng di dời chợ đầu mối ra ngoại thành về phía Nam thành phố Vinh mới được thành phố Vinh đề xuất và đang chờ các bộ phận, phòng, ban chức năng xây dựng kế hoạch chi tiết để xin chủ trương đầu tư nhưng có thể thấy đây là ý tưởng mới, đột phá và khá khả thi. Được biết, khu đất mà thành phố Vinh đề xuất hiện đã được UBND tỉnh giao Công ty CP Bến xe khách Bắc Vinh và đơn vị này san lấp, làm hàng rào bao để làm Bến xe vận tải phía Nam thành phố Vinh. Diện tích san lấp hiện tại khoảng 5 ha nhưng còn có khả năng mở rộng thêm lên tới 10 ha nên nếu được tỉnh đồng ý điều chỉnh quy hoạch và hoàn toàn đáp ứng tiêu chí chợ đầu mối.
Nhìn ra các tỉnh, hầu hết chợ đầu mối cấp tỉnh đều được quy hoạch cách xa trung tâm thành phố, đô thị lớn để vừa đảm bảo, giảm ách tắc giao thông; các hàng hóa từ mọi miền về chợ đầu mối trung tâm sau đó trung chuyển vào trung tâm thành phố chứ không như ở ngay trung tâm thành phố như lâu nay.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện Phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương cho biết: Mặc dù mới là ý tưởng ban đầu nhưng Sở rất đồng tình với phương án này. Tiếng là di dời chợ đầu mối nông sản Vinh nhưng thực chất là dự án mới vì theo quy hoạch hiện tại cũng như thực tế thì tỉnh ta cũng như thành phố Vinh chưa có chợ đầu mối nông sản riêng. Vị trí mà thành phố lựa chọn cũng khá thuận lợi khi gần đường tránh Vinh là tuyến giao thông Bắc - Nam của tỉnh; gần thành phố Vinh là trung tâm kinh tế của tỉnh và hàng hóa các huyện vào cũng thuận lợi. Để thúc đẩy thương mại và đảm bảo các yêu cầu về an toàn thực phẩm, phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh mới, việc xây dựng chợ trên là rất cần thiết.
Vấn đề khó nhất đối với xây dựng chợ đầu mối nông sản phía Nam thành phố Vinh lúc này là mặt bằng, quy hoạch và nguồn lực đầu tư. Theo Luật Đầu tư công và các Nghị định của Chính phủ thì hiện nay, Nhà nước không đầu tư ngân sách để làm hạ tầng chợ, trung tâm thương mại mà lĩnh vực này được xã hội hóa, theo đó Nhà nước chỉ xây dựng, quản lý quy hoạch và kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư kinh doanh và quản lý, vận hành chợ. Bên cạnh đó, khu đất mà thành phố nhắm đến đã giao cho Công ty CP Bến xe Bắc Vinh và quy hoạch là làm bến xe vận tải.
Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Minh Thành - Tổng Giám đốc Công ty CP Bến xe Bắc Vinh xác nhận: Vị trí khu đất được giao cho Công ty quy hoạch làm Bến xe vận tải, văn phòng cho thuê và nhà nghỉ phía Nam TP. Vinh. Công ty mới chỉ biết thông tin qua báo chí nên việc điều chỉnh, chuyển đổi sang xây dựng chợ đầu mối mới như thế nào phải chờ chủ trương chính thức của UBND tỉnh. Hiện tại, đây mới là ý tưởng và đề xuất của UBND thành phố Vinh./.