Bắt quả tang nhiều cán bộ, công chức tham gia đánh bạc
Tỉnh Thanh Hóa khép lại tháng 5/2020 với tin đáng buồn về hai trường hợp cán bộ bị bắt khi đang tham gia đánh bạc.
Theo đó, ngày 31/5, ông Bùi Quốc Toàn, 60 tuổi, Trưởng phòng Công chức, Viên chức, Sở Nội vụ tỉnh Thanh Hóa đã bị cơ quan chức năng bắt khi đang cùng 3 đối tượng khác đánh phỏm tại nhà riêng ở khu Đô thị Bắc Đại lộ Lê Lợi (khu Bình Minh).
Cũng trong ngày 31/5, vào khoảng 23h, tại huyện Hậu Lộc, Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Văn Long và Trưởng phòng Tài chính – Kế hoạch Lê Duy Hưng cũng bị bắt quả tang đang đánh bạc cùng 2 đối tượng khác. Ông Long 51 tuổi, còn ông Hưng 53 tuổi, cả hai đều là những cán bộ cốt cán, là nguồn quy hoạch cán bộ chủ chốt của địa phương.
Trước đó, ngày 21/5/2020 Công an huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi đã bắt 10 đối tượng đang đánh bạc hình thức xóc đĩa tại nhà của Phan Ngọc Quý (1998) ở thôn Tan Via, xã Sơn Dung. Trong số tham gia đánh bạc có 4 vị là công - viên chức, đang công tác tại Liên đoàn Lao động huyện, Kho bạc huyện; Trường PTDT bán trú của xã Sơn Tân và xã Sơn Long.
Còn tại Hà Nội, ông Lê Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai và ông Vũ Hồng Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai cũng đã bị xử lý do tham gia đánh bạc.
Có thể nói, với việc tham gia đánh bạc, những cán bộ, công chức nói trên đã tự đặt dấu chấm hết cho sự nghiệp chính trị của bản thân. Đồng thời, họ cũng sẽ phải đối mặt với những hình thức xử lý của kỷ luật Đảng và các mức phạt do pháp luật quy định. Điển hình là trường hợp ông Lê Văn Ngọc, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã Cao Viên, huyện Thanh Oai và ông Vũ Hồng Toàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đồng Quang, huyện Quốc Oai đều đã bị đưa ra khỏi quy hoạch nhân sự lãnh đạo nhiệm kỳ mới của địa phương.
Liên quan đến tình trạng cán bộ, công chức tham gia đánh bạc, mới đây ngày 01/6, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, Đỗ Minh Tuấn đã ký ban hành công văn số 1707-CV/TU. Nội dung công văn nêu rõ: “Một số cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức tham gia đánh bạc, tham gia vào các tệ nạn xã hội…”; “Những hạn chế đó đã làm ảnh hưởng đến uy tín của cấp ủy, tổ chức đảng…”. Vì vậy, Tỉnh ủy Thanh Hóa yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các ban, ngành, đoàn thể tăng cường kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng; xử lý nghiêm những trường hợp cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức vi phạm pháp luật.
Cần xử lý nghiêm theo đúng quy định
Dư luận xã hội đặt câu hỏi, vì sao những cán bộ, công chức vốn am hiểu pháp luật nhưng lại tham gia đánh bạc, lại vi phạm pháp luật? Hầu hết các cán bộ, công chức khi bị bắt về hành vi đánh bạc đều chỉ coi đó như việc vui chơi giải trí chứ không phải là sát phạt, đỏ đen. Chính cách nghĩ giản đơn, thiển cận này đã dẫn đến việc một số cán bộ tại nhiều địa phương vô tư tham gia đánh bạc bất chấp các quy định của pháp luật. Với cán bộ, đảng viên thì đây còn là hành vi vi phạm nghiêm trọng Điều lệ Đảng, vi phạm về đạo đức cán bộ, đạo đức công vụ. Bởi vậy, những hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc của cán bộ sẽ phải chịu những chế tài nghiêm khắc.
Nhiều ý kiến cho rằng, việc cán bộ, công chức biết đánh bạc là hành vi vi phạm pháp luật nhưng vẫn cố tình tham gia là sự biểu hiện của thái độ coi thường pháp luật, biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống. Những vụ việc trên là một hồi chuông cảnh báo về thực trạng đáng lo ngại, biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức. Bất cứ một công dân nào, đặc biệt là công chức nhà nước phải sống và làm việc theo pháp luật. Có thể, những cán bộ, công chức tham gia đánh bạc là những người có chuyên môn, trình độ nhưng do thiếu tu dưỡng, ham vui; bị người khác rủ rê, lôi kéo, vì nể nang mà tham gia hoặc vì thói quen xấu của khu vực, địa phương trong mỗi dịp lễ, tết, tụ họp… Dù là lý do gì thì hành vi tham gia đánh bạc, tổ chức đánh bạc cũng là hành vi vi phạm pháp luật; những cán bộ, công chức tham gia thực hiện hành vi này khó có thể biện minh cho vi phạm của mình. Và khi đã bị bắt, xử lý vì tham gia đánh bạc, các cán bộ tham gia đánh bạc không chỉ “thân bại danh liệt” mà còn ảnh hưởng tới uy tín của cơ quan, danh dự của gia đình; và nhất là làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức ở cơ sở.
Theo Luật sư Nguyễn An Bình, Điều 321 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, hành vi đánh bạc với số tiền từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng thì người phạm tội sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm. Trong trường hợp tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc trị giá từ 50.000.000 đồng trở lên thì hình phạt là phạt tù từ 03 năm đến 07 năm tù.
Ngoài ra, theo quy định của Điều lệ Đảng, Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức thì những cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên tham gia đánh bạc xử lý hình sự thì có thể sẽ bị cách chức, buộc thôi việc và kỷ luật với mức cao nhất là khai trừ ra khỏi Đảng.
Ở góc nhìn khác, việc phát hiện và xử lý nghiêm khắc những cán bộ, đảng viên thiếu rèn luyện, thoái hóa, biến chất, sống sa đọa, sa đà vào những tệ nạn xã hội như đánh bạc là việc làm hết sức cần thiết. Nhất là trong thời điểm các tổ chức đảng đang chuẩn bị nhân sự cho các kỳ đại hội thì việc phát hiện xử lý này còn là cơ sở để chúng ta loại khỏi bộ máy công quyền những người không đủ phẩm chất đạo đức; qua đó giúp làm trong sạch đội ngũ cán bộ, công chức.
Thiết nghĩ, để ngăn chặn tình trạng cán bộ, công chức đánh bạc, ngoài công tác điều tra, bắt giữ của lực lượng Công an, các cơ quan, đơn vị cũng cần có biện pháp kiên quyết xử lý nghiêm để quản lý cán bộ, công chức không tham gia đánh bạc, kiên quyết xử lý, không bao che, bỏ qua. Đồng thời, cần phát huy vai trò, trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong “nói không với hành vi đánh bạc”./.