Quảng cáo không như thực tế, nhà mạng nói thì hay, làm thì dở... là nhận xét chung của nhiều độc giả về thực trạng dịch vụ 3G hiện nay.

"Các nhà mạng quảng cáo thì như đúng rồi, đăng ký 70.000 đồng một tháng xem clip tẹt ga. Mình chạy xe nên cũng hay nghe đài nhưng đến đoạn quảng cáo đó thì mình lại tắt đi, nghe nó chối lắm", bạn Nguyễn Duy Nghĩa nói.

Theo độc giả Nguyễn Duy Sang, tốc độ 3G thực tế không phù hợp với quảng cáo được xem là một thất bại của nhà mạng. "Nhà mạng thường quảng cáo khi hết dung lượng tốc độ cao thì 3G sẽ ở khoảng 32/32 Kb, nhưng thực tế nó chỉ khoảng 30 Kb trở xuống, tùy vào gói cước. Với mức này thì người dùng muốn làm gì cũng không được".

Từ lâu, việc tính toán cước 3G giữa khách hàng và nhà mạng đã tồn tại nhiều mâu thuẫn. Nhà mạng khẳng định cước Việt Nam đang rất thấp, còn người dùng than vãn chất lượng không như kỳ vọng. 

Riêng độc giả Lê Quang Hùng đánh giá, người dùng có thể khó chịu về việc tăng giá cước, nhưng còn khó chịu hơn khi nhà mạng nói thì hay, làm thì dở. "Tôi có thể chấp nhận trả thêm tiền, nhưng nhà mạng phải cam kết tốc độ, chất lượng 3G như quảng cáo. Mọi so sánh giá cước của Việt Nam rẻ hơn quốc tế vốn chẳng có ý nghĩa gì, nếu chất lượng của chúng ta ở vị trí cuối cùng của thế giới", bạn Lê Quang Hùng nhận xét.

Theo đánh giá của Netindex, năm 2014, tốc độ 3G của Việt Nam xếp thứ 113/114 khu vực được khảo sát, thậm chí thua xa Lào và Campuchia. Độc giả của Zing.vn cho rằng, điều này là khó có thể chấp nhận được khi hai mạng di động lớn nhất của cả Lào và Campuchia thực ra là do doanh nghiệp Việt cung cấp. 

"Cùng một đơn vị, mà chất lượng ở nước ngoài tốt hơn trong nước, trong khi giá cả không chênh lệch là điều không thể hiểu nổi", độc giả Trần Ngọc Tú thắc mắc.

Phân tích về mặt kỹ thuật, bạn Nguyễn Tuấn cho rằng, về lý thuyết, ở mức tối đa, 3,5G có thể cho tốc độ tới 21 Mbps. Nhưng trong thực tế, dù 3G hay 4G đều bị giới hạn bởi truyền dẫn vô tuyến. Theo đó, mỗi Mhz sóng vô tuyến truyền tải được tối đa 2 Mbps, nhưng khi triển khai dịch vụ, mỗi nhà mạng chỉ được phân bố vài chục Mhz tần số. Do đó, mỗi trạm BTS sẽ phải gánh từ vài trăm đến hàng ngàn thuê bao, khiến tốc độ truyền dẫn data yếu.

"Để cải thiện tốc độ, nhà mạng có khái niệm re-use tần số. Nhưng cơ bản nhất vẫn là phải tăng trạm BTS, tăng dải tần... Nhưng việc này lại phụ thuộc vào nguồn phân bổ của Nhà nước", độc giả Nguyễn Tuấn chia sẻ.

Riêng với dịch vụ 3G trọn gói của các nhà mạng, bạn đọc này cho rằng, các doanh nghiệp có thể chạy theo xu hướng đẩy thuê bao dùng hết tốc độ cao càng nhanh càng tốt, để tối ưu truyền dẫn và tần số. "Có thể dù chưa dùng hết dung lượng tốc độ cao, nhưng do hạ tầng không đáp ứng nên thuê bao quay về tốc độ thấp và nhà mạng thông báo hết dung lượng tốc độ cao", anh nói. 

Trước đó, trong cuộc tọa đàm về tương lại 4G ở Việt Nam, đại diện của một nhà mạng quân đội ở Việt Nam từng thừa nhận đã thất bại khi triển khai 3G. Trên thực tế triển khai, mỗi nhà mạng chỉ được phân bố một vài dải tần số nhất định, trong đó có cả băng tần cao và thấp để phát triển dịch vụ.

Trong khi đó, theo Giám đốc Công nghệ Viettel Hồ Chí Dũng, với tần số 2.100 MHz hiện tại của mạng 3G thì có những chỗ sóng trong nhà (indoor) không tốt và khó có thể so sánh với chất lượng của các mạng 3G trên thế giới.

"Môi trường phủ sóng ở Hà Nội có thể coi là phức tạp nhất, bởi nhà bé ngõ hẹp, đi bộ vào còn vướng. Trong khi đó, việc lắp đặt trạm phát sóng thì có nhiều khu vực, nhà mạng mất 4-5 năm không xin được giấy phép", ông Dũng cho hay. 

Giấy phép xây trạm phát sóng cũng là khó khăn chung với cả VinaPhone khi ông Nguyễn Nam Long, Phó tổng giám đốc VNPT-Net thừa nhận rằng nếu một trạm phủ sóng một phường thì không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của cả phường do mật độ dân số sử dụng điện thoại lớn, không gian truyền dẫn không lý tưởng.

Theo Zing.vn

TIN LIÊN QUAN