Tuyên bố ngày 15-1 của Điện Kremlin khẳng định chưa có cuộc trao đổi nào giữa Nga và Mỹ về vấn đề này. Phía Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump cũng khẳng định đó là "tin vịt".

resize_images1801659_trump_putin_1484526067.jpgTổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) chưa có kế hoạch gặp nhau. Ảnh: Reuters

Trước đó, thông tin hai nhà lãnh đạo Nga và Mỹ sẽ gặp nhau tại Iceland được đưa trên tờ Sunday Times ngày 15/1. Bài báo cho biết ông Trump và các cộng sự đã thông báo với giới chức Anh rằng họ muốn sắp xếp cuộc gặp với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình.

Việc chọn Reykjavik - thủ đô của Iceland khiến người ta có phần tin tưởng hai người này sẽ gặp thật, bởi đây là một địa điểm lịch sử chứng kiến nhiều cuộc gặp quan trọng của lãnh đạo Liên Xô (tiền thân của nước Nga) và Mỹ cách đây ba thập kỷ. Để "chiếm trọn niềm tin", tờ này thậm chí còn dẫn lời của Sean Spicer - thư ký báo chí tương lai được ông Trump chỉ định, để xác nhận.

Ngay lập tức, ông Spicer đã lên tiếng phủ nhận trên Twitter cá nhân và khẳng định thông tin đó là "sai 100%". Từ Điện Kremlin, người phát ngôn của Tổng thống Putin, ông Dmitry Peskov khẳng định với hãng thông tấn RIA Novosti hai bên chưa hề trao đổi về ý định này.

Cũng theo RT, nguyên nhân được cho là do một nguồn tin thân cận với Đại sứ quán Nga tại Anh tiết lộ với tờ báo Anh rằng Matxcơva sẽ đồng ý một cuộc gặp thượng đỉnh với Washington, song không khẳng định cả hai đã lên kế hoạch cho việc này.

Một nhà ngoại giao Nga giấu tên làm việc tại Đại sứ quán Nga ở Anh nhấn mạnh, đây rõ ràng là "một nỗ lực của người Anh để tác động lên nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump. Họ sẽ còn tiếp tục làm chuyện này tới cùng".

Ngoại trưởng Iceland Gudlaugur Thor Thordarson xác nhận nước này chưa nhận được bất kỳ đề nghị hỗ trợ nào từ phía Nga và Mỹ song nhấn mạnh, Reykjavik sẵn sàng hỗ trợ một tay cho cuộc gặp giữa Trump và Putin nếu được đánh tiếng. Phía Iceland cũng bày tỏ hi vọng những nỗ lực này sẽ góp phần tích cực trong việc cải thiện quan hệ Nga - Mỹ như đã từng chứng kiến giữa Liên Xô và Mỹ năm 1986.

Theo Tuổi trẻ

TIN LIÊN QUAN