Sau thời gian liên tục tập luyện và thi đấu ở Việt Nam, thủ thành Đặng Văn Lâm mới có thời gian trở về nhà thăm gia đình. Cầu thủ mang hai dòng máu Việt - Nga có kỳ nghỉ dài 10 ngày tạm xa trái bóng để ở cạnh người thân. Đặc biệt, sau 2 năm, Văn Lâm mới được gặp mẹ.
Để chào đón người con trai cả, bà Jukova Olga đã chuẩn bị nhiều món ăn bồi bổ, trong đó có một món mà bà đích thân mang ra tận sân bay dành cho Văn Lâm.
Người mẹ Nga mang theo một chiếc bánh mì lớn, có hình tròn, đặt trên một chiếc khăn trắng. Bên trên là một hũ muối nhỏ. Đây là một trong những đặc sản của xứ sở bạch dương, đặc biệt dành để chào đón những vị khách phương xa hoặc những người con xa nhà lâu ngày trở về. Mẹ của thủ thành còn muốn giúp con xua đuổi những điều không may mắn bên ngoài, giống như một nghi thức "tẩy trần".
Không chỉ là một món ăn, bánh mì và muối trở thành một nghi thức truyền thống trong văn hóa Nga mang tên Khleb-sol, trong đó khleb nghĩa là bánh mì còn sol là muối. Khi có khách quý tới nhà, chủ nhà sẽ chuẩn bị một chiếc bánh mì karavai thật lớn, hình tròn, phồng căng. Nhiều nơi còn làm thêm các hình dập nổi như bông hoa, cành cây, vặn thừng... cho thêm phần sinh động.
Ổ bánh mì nhất thiết phải đặt trên một chiếc khăn thêu kiểu rushnyk truyền thống chứ không được cầm trực tiếp bằng tay. Đặc biệt, không thể thiếu một hũ muối nhỏ. Vị khách sẽ dùng tay bẻ một mẩu bánh nhỏ, chấm muối và ăn trước khi vào nhà. Trong những dịp đặc biệt, gia chủ còn mặc trang phục cổ xưa như sarafan và đội mũ kokoshnik.
Trong văn hóa dân gian ở xứ sở bạch dương, bánh mì và muối chính là tượng trưng cho sự sung túc vật chất và khỏe mạnh về thể chất. Chủ nhà mang 2 món ăn này ra để đón khách ngay ở cửa với thịnh tình sâu sắc để chào đón vị khách quý tới nhà chơi.
Từ cổ chí kim, không có bữa ăn nào ở Nga mà thiếu đi bánh mì. Do đó, bánh mì là một thứ rất thiêng liêng. Còn muối lại là một thứ xa xỉ phẩm thời xưa kia.
Nga là một quốc gia vùng lạnh và không có nhiều tài nguyên muối. Bởi vậy, muối rất đắt đỏ và chỉ có người giàu có mới có đủ tiền mua. Ngày nay, muối không còn hiếm như trước nhưng nó vẫn được dùng để tiếp khách quý.
Người Nga còn có câu: "Đồng lòng ăn cả pút muối" (pút là đơn vị đo lường ở Nga, tương đương hơn 16 kg), ý ám chỉ nếu đồng lòng, có thể cùng nhau trải qua khó khăn.
Là một tập tục xa xưa nhưng truyền thống tiếp đón khách bằng bánh mì và muối ở Nga lại ngày càng trở nên nổi tiếng. Nhiều vị lãnh đạo cao cấp trên thế giới khi đến Nga đều được những cô gái mặc trang phục truyền thống mang bánh mì và muối ra đón tiếp. Tất cả các đoàn thể thao tham dự vòng chung kết World Cup 2018 tại Nga cũng được chào đón bằng món ăn độc đáo này.
Không chỉ dùng trong các nghi thức trang trọng, bánh mì và muối cũng được sử dụng trong các đám cưới hiện đại ở Nga. Cô dâu, chú rể bưng bánh đến mời cha mẹ hai bên và cùng nhau bẻ một miếng bánh, chấm vào muối, hàm ý đã sẵn sàng cùng nhau đi qua đắng cay ngọt bùi.