1. Do điều kiện sử dụng

13374696_12102018.jpg
Điều kiện địa hình có ảnh hưởng ít nhiều đến độ mòn của lốp. Chẳng hạn, xe thường di chuyển trên đường gồ ghề, có "sống trâu" thì bề mặt tiếp xúc giữa các cạnh lốp xe với mặt đường cũng không đều; cạnh lốp xe chịu lực nhiều hơn sẽ bị mòn nhanh hơn.
Hoặc đơn giản như xe được gửi ở những khu nhà/ bãi trông giữ xe cao tầng có lối lên xuống hình xoáy trôn ốc. Mỗi khi phải di chuyển trên đường xoáy trôn ốc này, các bánh xe cũng không nằm trên một mặt phẳng, gây nên sự mài mòn khác nhau giữa các cạnh lốp hoặc giữa các lốp với nhau.

2. Do kết cấu truyền động và phân bố tải trọng

Trên các dòng xe truyền động một cầu (trước hoặc sau), lốp xe lắp ở trục dẫn động thường bị mài mòn nhanh hơn. Hơn nữa tải trọng phân bổ không đồng đều giữa trục trước và trục sau cũng khiến các lốp trên các trục khác nhau có độ mài mòn khác nhau.

Với các dòng xe dẫn động 4 bánh, các lốp xe vẫn có thể bị mài mòn không đều nhau do phân bổ tải trọng, do điều kiện địa hình hoặc phải chịu lực văng khi đánh lái vào cua.

Chính vì thế các chuyên gia cũng khuyến cáo sau một thời gian sử dụng (khoảng 10.000km) thì các chủ xe nên đảo lốp.

3. Do áp suất hơi không chuẩn

Nếu bơm lốp với áp suất quá cao, lốp căng trònthì phần giữa lốp sẽ bị mài mòn nhanh hơn. Hơn nữa, lốp căng sẽ làm cho bề mặt tiếp xúc giảm, giảm độ ma sát, đồng nghĩa với việc giảm hiệu quả phanh; lốp căng quá cũng khiến cho xe xóc hơn.

Lốp thiếu áp suất sẽ khiến bánh xe bị “nhũn” và bẹp. Lúc này, trọng lượng của xe sẽ đè nặng lên 2 bên thành lốp khiến thành lốp bị mòn nhanh hơn. Lốp thiếu áp suất còn làm tăng bề mặt tiếp xúc, tăng ma sát đồng nghĩa với việc tăng tiêu hao nhiên liệu.

Thành lốp bị mòn nhiều hơn cũng có thể do xe thường xuyên bị quá tải, dù áp suất chuẩn. 

4. Do góc đặt bánh xe lệch chuẩn

Mỗi chiếc xe mới xuất xưởng, nhà sản xuất đã thiết lập cho nó góc đặt bánh chuẩn. Tuy nhiên, sau một thời gian sử dụng, các góc có thể bị sai lệch do đường xóc, do va quệt, thường xuyên quá tải.

Biểu hiện thường thấy khi góc đặt bánh bị sai lệch là xe bị nhao lái. Hậu quả là lốp bị phá rất nhanh, còn lái xe thì luôn phải ghì vô- lăng dù chạy thẳng, gây mệt mỏi.

Các chuyên gia khuyến cáo, khoảng 20.000 km lái xe nên đưa xe đi kiểm tra lại độ chụm tại gara. Việc kiểm tra độ chụm phải được thực hiện bằng máy chuyên dụng... Với các cảm biến gắn vào từng bánh xe, máy sẽ kiểm tra độ sai lệch so với thông số mặc định của nhà sản xuất và hiển thị thống số lên màn hình để kỹ thuật viên chỉnh lại theo thông số chuẩn.