Thậm chí, cầu thủ đá chính là người gốc Nghệ cũng chỉ có Văn Đạt vào sân liên tiếp trong 2 trận nhưng chơi chưa thật… đạt, còn Văn Công chỉ được vào sân từ giữa hiệp 2 trận gặp U23 Đài Bắc Trung Hoa và chưa thể nói là thành… công!
Ngược dòng thời gian, tại VCK U23 Châu Á 2018 tại Thường Châu, U23 Việt Nam với nòng cốt là lứa U23 của HAGL và Hà Nội FC nhưng SLNA vẫn góp mặt với 2 cái tên “cứng cựa” là Văn Đức và Xuân Mạnh. Đội quân gốc Nghệ còn sáng chói hơn với Công Phượng và Văn Hoàng. Sau đó, tại SEA Games 2019, đáng nói là số cầu thủ SLNA trong độ tuổi được tham dự trở về con số không, chỉ có Trọng Hoàng gốc SLNA tham dự trong đội hình U23 + 2. Và đến vòng loại nói trên, dù SLNA có 2 cái tên góp mặt là Văn Việt và Sỹ Hoàng nhưng cả hai đều “yên ổn” ở ghế dự bị.
Để thấy rằng, có vẻ thời hoàng kim của đào tạo trẻ SLNA đang gặp vấn đề không chỉ ở một vài lứa mà còn hơn thế? Đấy mới là điều đáng suy nghĩ?
Ai cũng biết, lâu nay nguồn lực cho công tác đào tạo trẻ của SLNA luôn ổn định từ ngân sách, lực lượng HLV, cơ sở vật chất, chế độ khen thưởng. Câu hỏi đặt ra là tại sao nhiều năm lò SLNA luôn “xuất xưởng” nhiều tài năng trẻ, chiếm chỗ hầu hết trong các đội tuyển quốc gia, kể cả U23 hay cao hơn là ĐT Việt Nam, vậy sao những năm gần đây, thành tích đó ngày càng giảm sút, thậm chí bị các lò khác vượt xa?
Thực ra, câu trả lời đã có từ nhiều năm trước khi các lò đào tạo của HAGL, VPF, Viettel, Hà Nội FC…với nguồn lực dồi dào và cách làm mới từ các ông bầu đã làm thay đổi hẳn chất lượng đào tạo trẻ của bóng đá Việt. Trong khi đó, lò SLNA hay Đồng Tháp bị tụt hậu từ “đầu vào” kém chất lượng (các lò lớn thu hút mạnh mẽ hơn, tuyển chọn trên địa bàn rộng hơn), năng lực đào tạo lạc hậu (không thể so bì với đội ngũ HLV ngoại và những người giỏi nhất trong nước được mời gọi, giáo trình, giáo án hiện đại, tiên tiến). Tất nhiên, lò SLNA với bề dày truyền thống không dễ dàng chịu trận, vẫn có những lứa U chất lượng cao như U17 đoạt ngôi vô địch “trước mũi” PVF hay NutiFood của thầy Graechen nhưng đó như là chuyện “tốt lỏi”, còn lại vẫn là tình trạng “xấu đều” nhiều năm nay.
Và trong các lò đào tạo mới nổi trên, cùng với Công Phượng rời SLNA đến với HAGL là các đàn em gốc Nghệ trưởng thành từ lò VST, ra lò Hà Nội với các sản phẩm chất lượng cao đang có mặt tại U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam như Văn Kiên, Văn Đại, Văn Hoàng và tiếp theo là Văn Công, Văn Đạt. Ở V. League hay ở hạng Nhất, rõ ràng Văn Công, Văn Đạt thi đấu tốt hơn, đá chính nhiều hơn Văn Việt, Sỹ Hoàng. Trong quá trình tập huấn, điều đó càng thể hiện rõ, nên ở đây, có thể tin tưởng ở sự khách quan, chính xác của BHL U23 đối với từng tuyển thủ để “mang chuông đi xứ người”.
Có một thực tế đáng nói hơn là khi đào tạo trẻ không còn giữ được như xưa, nhân tài tiếp tục bị bòn rút, SLNA đương nhiên mất “quyền ăn, quyền nói” ở V. League và rơi đáy bảng xếp hạng, may mắn không phải chạy trối chết ở cuộc đua chống xuống hạng mất mặt vừa qua.
Khi nhà tài trợ mới vào cuộc, rõ ràng SLNA đang được quan tâm xử lý một cách đồng bộ từ cơ sở, vật chất đến lực lượng, đội ngũ theo hướng chuyên nghiệp, tiên tiến, cố gắng theo kịp các đội bóng hàng đầu khác.
Nỗi chạnh lòng đáng yêu của người hâm mộ xứ Nghệ là có cơ sở và hiện nay đã có cơ sở để giải quyết triệt để. Chấp thuận với thực tế lò SLNA nhiều năm thất bát khi lên U23 Việt Nam, nhưng điều đó sẽ được bù đắp, khỏa lấp trong thời gian tới. Bằng những việc làm căn cơ như chăm lo nơi ăn chốn ở, chữa trị bài bản cho những cầu thủ bị chấn thương, nâng cao chế độ dinh dưỡng, chế độ đào tạo bằng giáo trình tiên tiến…để lấy lại uy thế đào tạo trẻ, lấy lại uy thế SLNA, việc những Xuân Tiến, Văn Quỳ…lên tuyển và trụ vững ở đó là điều ở trong tầm tay trong một ngày không xa.
Càng yêu SLNA, người hâm mộ xứ Nghệ càng yêu mến U23 Việt Nam và ĐT Việt Nam. Và nếu trong các đội tuyển của các chiến binh sao vàng, nếu xuất hiện nhiều gương mặt sáng giá từ lò SLNA, từ người gốc Nghệ trưởng thành, niềm tự hào trong mỗi người càng dâng lên, ngân lên nhiều hơn nữa. Ấy là “cá tính” người Nghệ, “cực đoan” đáng yêu của người Nghệ góp vào muôn mặt, muôn vẻ tình yêu bóng đá không bao giờ vơi cạn của người dân Việt./.