Quy hoạch đi trước một bước

Có thể khẳng định, chưa khi nào công tác quy hoạch lại được dư luận quan tâm như hiện nay. Kể từ khiLuật Quy hoạch số 21/2017ngày 24/11/2017 ra đời, công tác quy hoạch được luật hóa, nên tác động ngày càng rộng đến đời sống xã hội. Đối với lĩnh vực quản lý tài nguyên môi trường, thu hút đầu tư, xây dựng, quản lý đô thị, công tác quy hoạch ngày càng quan trọng và quy hoạch phải đi trước một bước nên rất cần thiết.

Riêng với lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, quy hoạch được xây dựng trước 5-10 năm, thậm chí 20-30 năm, được thể hiện dưới 3 cấp độ: quy hoạch chung tổng thể, tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500. Trên cơ sở các bản quy hoạch này, chủ đầu tư trình cơ quan Nhà nước thông qua dự án đầu tư. Mỗi thời kỳ, cơ quan chức năng lập và trình cấp có thẩm quyền thông qua quy hoạch nhưng do mỗi thời kỳ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nên cơ quan có thẩm quyền thường xem xét để thay đổi, bổ sung. Bên cạnh đó, nếu như các vùng nông thôn, quy hoạch chưa phủ kín, chủ yếu mới ở mức tổng thể và nhiều khu vực chưa được quy hoạch về mục đích sử dụng, thì ở khu vực đô thị và sắp lên đô thị, công tác quy hoạch càng cần phải chặt chẽ, quy củ hơn.

Vì sao không nên lạm dụng 'tài trợ quy hoạch' ? ảnh 1

Phối cảnh tổng thể Đại lộ Vinh - Cửa Lò. Ảnh Tư liệu: Báo Nghệ An

Trên thực tế, có tình trạng dù cố gắng nhưng do trước đây công tác quy hoạch làm chưa tốt và mỗi ngành, địa phương có một bản quy hoạch riêng, chưa tích hợp vào tổng thể chung nên xảy ra hiện tượng chồng lấn.

Theo kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng: Nếu xây dựng quy hoạch theo Luật Quy hoạch mới sẽ không còn tình trạng trên nữa vì quá trình xây dựng, các ngành và địa phương gửi về sẽ được tỉnh so sánh, đối chiếu và tích hợp vào một bản chung của tỉnh. Quy hoạch không chỉ tính đến phạm vi từng huyện, xã mà phải hướng tới liên vùng miền và quốc gia. Vì lẽ trên, quy hoạch của các tỉnh sẽ được các bộ, ngành cho ý kiến, thẩm định; số liệu nào mâu thuẫn sẽ được gửi lại để giải trình, chỉnh sửa.

Trước đây, khi chưa có Luật Quy hoạch, chủ đầu tư hoặc chủ đất mới làm quy hoạch, dự án nhưng nay phải làm chặt chẽ hơn, để được chấp thuận chủ trương đầu tư vào vị trí đó, chủ đầu tư và cơ quan xét duyệt phải xem đầu tiên, vị trí ấy được cơ quan chức năng trước đó quy hoạch làm gì, xung quanh đã có những dự án, công trình nào? Với việc một công trình, dự án cụ thể ra đời có phù hợp với cụm công trình và quy hoạch tổng thể không?

Đại diện Sở Xây dựng cũng cho biết.

Đại lộ Vinh - Cửa Lò đoạn bắt đầu từ thị xã Cửa Lò nhìn từ phía biển. Ảnh Tư liệu

Theo một chuyên gia xây dựng, vấn đề quy hoạch không mới, nhưng do trước đây không làm bài bản và cơ sở pháp lý thấp, chưa được công khai minh bạch nên rất dễ bị điều chỉnh, thay đổi. Chuyển sang giai đoạn mới, do yêu cầu nhiệm vụ khác nên phải cập nhật, bổ sung; đồng thời quy hoạch được xây dựng bài bản theo hướng từ dưới lên và trên xuống nên khi đã duyệt thì ít thay đổi theo hướng tiêu cực, vì tác động bởi một lợi ích nhóm nào đó.

Tương tự, lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội, từng địa phương phải có kế hoạch, quy hoạch cụ thể, giai đoạn 5 năm, 10 năm, tầm nhìn 20-30 năm để bố trí nguồn lực triển khai. Nhờ Luật Đầu tư công và nhất là Luật Quy hoạch, công tác quy hoạch được chuẩn bị và đi trước một bước nên tình trạng bị động trong triển khai đã giảm đi nhiều.

Tài trợ quy hoạch: Khuyến khích nhưng không lạm dụng

Chia sẻ về vấn đề tài trợ quy hoạch, kỹ sư Nguyễn Hồng Sơn - Trưởng phòng Quy hoạch, Sở Xây dựng thắng thắn: Đây là cơ chế được Luật Quy hoạch cho phép và khuyến khích. Đối với các địa phương chưa cân đối được ngân sách như Nghệ An thì việc tài trợ quy hoạch là vô cùng cần thiết để đảm bảo tiến độ xây dựng quy hoạch được phủ kín. Hiện nay, theo quy định, quy hoạch phải làm trước, đi trước nhưng ngân sách nhà nước không cấp đủ nên không thể có nguồn để thông qua quy hoạch, làm cơ sở triển khai các dự án đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội.

Điều này rất khác với các địa phương như Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang, có số thu vượt chi nên độc lập và tự chủ trong việc xây dựng quy hoạch, thậm chí sau khi quy hoạch xong còn bố trí ngân sách để đền bù, giải phóng tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Về phía doanh nghiệp muốn tài trợ, do muốn được “ghi điểm” nên dù tài trợ nhưng phải trình bày bản quy hoạch tốt nhất để địa phương chấm và nếu được chấp thuận thì họ vừa có dự án lại góp phần phát triển kinh tế - xã hội và chỉnh trang đô thị.

Bị động và lúng túng trong quy hoạch hệ thống thoát nước cho đô thị là một trong những nguyên nhân gây ngập úng tại TP. Vinh mỗi khi có mưa lớn. Trong ảnh mưa lớn gây ngập lụt ở khu vực Cửa Tiền - chợ Vinh tháng 10 năm 2020. Ảnh: Nguyễn Hải

Đại diện Sở Xây dựng chia sẻ thêm, trên địa bàn Nghệ An thời gian qua một số bản quy hoạch lớn được doanh nghiệp tài trợ. Điển hình là Đại lộ Vinh – Cửa Lò do Tập đoàn BRG tài trợ. Doanh nghiệp này không tham gia đầu tư nên đảm bảo tính độc lập, khách quan. Ngoài trường hợp trên, một số bản quy hoạch cũng được tài trợ nhưng nhìn chung chưa gây tác động, ảnh hưởng lớn khiến người dân phản ứng.

Qua tìm hiểu nhận thấy, nếu như ở cấp tỉnh vẫn giữ được tính khách quan khi thẩm định thông qua các bản quy hoạch, thì việc này ở cấp huyện, xã lại rất khó. Một đại diện địa phương đang xây dựng quy hoạch Nông thôn mới nâng cao tại huyện Quỳnh Lưu (xin giấu tên) chia sẻ: Do huyện không hỗ trợ và xã không có nguồn làm quy hoạch nên rất khó khăn. Thời gian qua, cũng có một số doanh nghiệp bất động sản vận động xin tài trợ làm quy hoạch nhưng đổi lại, các doanh nghiệp lại muốn những vị trí đất đẹp nhất trong bản quy hoạch làm dự án khai thác quỹ đất và khu đô thị mới. Nhận thấy “lợi bất cập hại” nên lãnh đạo địa phương đã từ chối.

Tỉnh đã quy hoạch KCN Thọ Lộc (Diễn Châu) và làm hạ tầng đường N2 vào nhưng đang do thiếu nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng vào đầu tư nên tiến độ đầu tư quá chậm. Ảnh: Nguyễn Hải

Thế nhưng, tình huống trên đưa địa phương vào thế khó là không có quy hoạch để kịp thời bổ sung vào đăng ký xây dựng nông thôn mới nâng cao. Không những thế, vị trí đẹp, sinh lợi thì doanh nghiệp muốn nắm giữ còn vị trí xa đường mới để lại cho địa phương nên rất khó khai thác quỹ đất tạo nguồn phát triển kinh tế.

Nhận thấy hiện tượng này trong tài trợ quy hoạch tại nhiều địa phương nên gần đây, tại các diễn đàn, các đại biểu Quốc hội đã đề nghị nếu có doanh nghiệp tài trợ quy hoạch thì phải trên tinh thần tự nguyện và công khai, minh bạch quy hoạch để không có lợi ích nhóm; các cơ quan thẩm định, thông qua quy hoạch phải đảm bảo tính khách quan độc lập; các doanh nghiệp tài trợ quy hoạch nếu triển khai dự án đầu tư phải đảm bảo các quy định về tỷ lệ cây xanh, tỷ lệ xây dựng và các điều kiện về hạ tầng xã hội… theo quy định Luật Quy hoạch, không vì doanh nghiệp tài trợ mà tự ý hay lạm dụng trong việc cho phép điều chỉnh.

Quy hoạch cao tốc Bắc - Nam đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt có nền khá cao nên quá trình thi công phải tính đến các hạ tầng hiện tại. Ảnh minh hoạ

Tại buổi làm việc với Bộ Xây dựng vào tháng 5 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết số 19, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về đổi mới chính sách đất đai, rằng “công tác quy hoạch phải do Nhà nước nắm”, ngân sách nhà nước đảm bảo nguồn để làm việc này, tăng cường giám sát để tiến tới giảm dần và hạn chế tình trạng tài trợ quy hoạch tràn lan.

Nói riêng đối với lĩnh vực xây dựng và quản lý đô thị, quy hoạch được xây dựng trước 5-10 năm hoặc thậm chí 20-30 năm được thể hiện dưới 3 cấp độ là quy hoạch chung tổng thể, tiếp đó là tỷ lệ 1/2000 và tỷ lệ 1/500. Trên cơ sở các bản quy hoạch này, các chủ đầu tư mới căn cứ để trình cơ quan Nhà nước thông qua dự án đầu tư.

Mỗi thời kỳ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội khác nhau nên cơ quan có thẩm quyền thường xem xét để thay đổi bổ sung. Bên cạnh đó, theo thừa nhận của lãnh đạo Sở Xây dựng, trong khi khu vực đô thị hoặc sắp lên đô thị công tác quy hoạch được làm chặt chẽ thì nhiều vùng nông thôn, miền núi Nghệ An dù cố gắng nhưng nhiều khu vực quy hoạch vẫn chưa phủ kín và định hình rõ.