Câu chuyện về scandal của Facebook và Cambridge Analytica đang chuyển biến theo hướng rất lạ.
Một nhà nghiên cứu người Anh viết ứng dụng cho Facebook, cung cấp cho hơn 200.000 người chơi, thu thập được thông tin người chơi, cùng với bạn bè của họ.
Nhà nghiên cứu này sau đó cung cấp thông tin trái phép cho một công ty có tên Cambridge Analytica, vốn là đơn vị trợ giúp ông Donald Trump về dữ liệu trong chiến dịch bầu cử 2016.
Sự việc kéo dài trong 2 năm. Cambridge Analytica, từ dữ liệu này, cố gắng tác động đến tâm lý của cử tri. Số lượng thông tin bị cung cấp lên đến 50 triệu.
Cuối tuần trước, hàng loạt trang như New York Times hay The Guardian lôi vụ việc ra ánh sáng. Một nhóm nghị sĩ Mỹ gọi Giám đốc điều hành Mark Zuckerberg đến để hỏi về cách Cambridge Analytica nắm giữ nhiều dữ liệu người dùng đến vậy.
Chính quyền Anh cũng hứa vào cuộc điều tra. Hôm 19/3, cổ phiếu của Facebook giảm hơn 10 %. Sáng 20/3, Ủy ban Thương mai Liên bang công bố sẽ điều tra vụ việc.
Người ta không quan tâm Cambridge Analytica gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử ra sao. Cái cách họ thu thập được dữ liệu (dù Facebook công bố đã xóa nó) mới khiến giới phân tích lo ngại về khả năng bảo mật dữ liệu của mạng xã hội lớn nhất thế giới.
“Đây là điều ngạc nhiên nhất tôi từng gặp”, Christopher Wylie, cựu nhân viên Facebook nói với The Guardian.“Trong 2 năm, họ hoàn toàn không kiểm tra xem dữ liệu có bị xóa hay không. Tất cả việc cần làm chỉ là tick vào một ô trống và gửi nó đi”.
Cơ chế hoạt động thiếu hiệu quả của Facebook đang gây phẫn nộ trên toàn thế giới. Vụ việc của Cambridge Analytica chỉ là một phần trong số đó. Chỉ riêng tháng 3 này, người ta có thể kể tên hàng loạt scandal của Facebook như cho phép gửi thông tin kích động bạo lực tại Sri Lanka, thanh tìm kiếm tự động gợi ý nội dung khiêu dâm cùng khá nhiều động thái liên quan đến chính trị và bạo lực khác.
Cộng hưởng lại, những sự cố này vẽ ra bức tranh về một nền tảng mà khủng hoảng đang phát triển nhanh hơn so với tốc độ giải quyết.
Trước đó, Facebook phải vật lộn với cuộc chiến chống tin tức giả mạo, xóa bỏ nội dung tuyên truyền khủng bố. Tuy nhiên, những kết quả đáng khích lệ ban đầu gần như bị xóa sạch sau hàng loạt scandal mới, chủ yếu đến từ việc Facebook bị sử dụng sai mục đích.
Thông thường, Facebook sẽ rất nhanh chóng xin lỗi người dùng trước thông tin bị sử dụng sai mục đích, hứa làm tốt hơn trong tương lai.
Tuy nhiên, trong vụ Cambridge Analytica, họ lại tự đứng ra bảo vệ mình, khẳng định vấn đề đã được giải quyết cả năm trước. Nó khiến các nhà làm luật, giới chức tại nhiều nước tức giận và mở cuộc điều tra. Scandal lần này, do đó, rẽ theo một hướng khác.
Hôm 19/3, Facebook nói sẽ thuê một đội ngũ nước ngoài để điều tra vụ việc. Tuy nhiên, trước khi họ kịp làm điều đó, Văn phòng Ủy ban Thông tin Anh đã yêu cầu họ dừng lại và xin giấy phép để tự mình điều tra.
Nói cách khác, Facebook, trong một nỗ lực muốn tự sửa sai, đã bị rơi vào tầm ngắm của chính phủ. Cho đến ngày 20/3, cả CEO Zuckerberg lẫn COO Sheryl Sandberg chưa đưa ra phát ngôn chính thức nào.
Những vụ việc trước, Facebook xin lỗi rất nhanh chóng. Tuy nhiên, sau hàng loạt scandal dồn dập trong tháng 3, có vẻ như các lãnh đạo cao nhất của họ cũng đã “cạn lời”.