Cựu giám đốc FBI không phạm pháp vì ông không chia sẻ thông tin mật, tuy nhiên, ông cũng hứng chịu chỉ trích vì hành động này.
Tổng thống Mỹ Trump ngày 8/6 chỉ trích cựu giám đốc FBI James Comey là một "kẻ rò rỉ thông tin" khi đã công bố nội dung cuộc trò chuyện của họ với một phóng viên.
Comey thừa nhận với quốc hội rằng ông đã nhờ một người bạn cho phóng viên thông tin mà ông đã ghi chép về việc Trump yêu cầu ông từ bỏ cuộc điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.
Tuy nhiên, các nhà phân tích pháp lý nhận xét điều đó không khiến Comey trở thành tội phạm, theo Washington Post.
"Ông ấy có thể bị chỉ trích rằng đó không phải là cách tốt nhất để thể hiện sự khó chịu của mình. Nhưng mối quan hệ của ông ấy với Tổng thống không phải là vấn đề pháp lý", Barry J. Pollack, một luật sư bào chữa từng làm việc trong nhiều vụ án rò rỉ thông tin, nói.
Các công tố viên chỉ có thể cáo buộc những người chia sẻ thông tin mật hoặc tài liệu an ninh quốc gia với công chúng. Các tài liệu không thể được gắn mác "mật" để che giấu các vi phạm pháp luật hoặc nhằm tránh bẽ mặt, theo một sắc lệnh được ký dưới thời Obama. Cho phóng viên biết thông tin không bí mật để thỏa mãn sự quan tâm của công chúng là hợp pháp.
Comey nói với Ủy ban Tình báo Thượng viện rằng ông không chia sẻ tài liệu mật. Theo lời kể của Comey, ông Trump, sau một cuộc họp ở Phòng Bầu dục, đã gặp riêng Comey và nói về Flynn: "Ông ấy là một người tốt. Tôi hy vọng anh có thể để cho vụ này qua đi".
Chân dung Michael Flynn
Vào thời điểm đó, FBI đang điều tra Flynn về các mối liên lạc của ông với Nga và khả năng ông nói dối các nhà điều tra chính phủ về chúng. Comey nói rằng ông đã tỉ mỉ ghi lại các tương tác của ông với Tổng thống Mỹ và yêu cầu một người bạn chia sẻ nội dung với một phóng viên.
Tôi làm vậy "bởi vì tôi nghĩ rằng nó có thể thúc đẩy việc bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt" trong cuộc điều tra về cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ năm 2016. Ông nói ông không tự tiết lộ thông tin vì "truyền thông khi đó luôn chầu chực ở đường nhà tôi. Tôi lo lắng nếu tôi tự công bố với truyền thông, nó sẽ giống như cho hải âu ăn ở bãi biển".
"Ông Comey vốn luôn thể hiện mình là người quy củ. Nhưng việc rò rỉ thông tin với New York Times thông qua một người trung gian khó có thể coi là quy củ", Pollack nói.
Tuy nhiên, việc đó đã giúp Comey đạt được mục tiêu. Một ngày sau khi New York Times công bố bài báo, Thứ trưởng Tư pháp Rod J. Rosenstein bổ nhiệm cựu giám đốc FBI Robert S. Mueller III làm cố vấn đặc biệt giám sát cuộc điều tra cáo buộc Nga.
Luật sư của Trump, những người ủng hộ ông và thậm chí chính Tổng thống Mỹ đã chỉ trích Comey. Luật sư Marc E. Kasowitz nói rằng cuộc nói chuyện của Comey với Trump là "những thông tin liên lạc đặc biệt với Tổng thống" và đề cập đến việc công bố chúng là "tiết lộ trái phép".
Một người thân cận với nhóm luật sư của Tổng thống Mỹ cho biết họ đang chuẩn bị nộp đơn khiếu nại vào đầu tuần tới lên Ủy ban Tư pháp Thượng viện và Văn phòng Tư pháp của Tổng Thanh tra, cơ quan có thể điều tra vấn đề hình sự và chuẩn bị báo cáo công khai về quan chức hoặc cựu quan chức bị nghi ngờ có hành vi sai trái. Phát ngôn viên của văn phòng từ chối bình luận.
"Tôi không cho rằng rò rỉ thông tin là một điều tốt. Tôi nghĩ đó là hành vi đáng ghét", Shannen W. Coffin, cựu cố vấn Bộ Tư pháp nhận xét. "Nhưng tôi không cho rằng nó là tội hình sự", ông nói thêm.
Dù Comey nói rằng ông không hề chia sẻ thông tin mật nào, các nhà phân tích pháp lý chỉ ra những người rò rỉ thông tin thường tuyên bố họ có động cơ trong sạch và các công tố viên thường bác bỏ điều đó.
"Người từng giám sát cuộc điều tra vụ rò rỉ lớn nhất trong lịch sử Mỹ lại quyết định trở thành người rò rỉ thông tin khi nó phục vụ cho lợi ích của ông ta", luật sư Edward B. MacMahon Jr. nói. "Thật mỉa mai thay".
Theo VNE