(Baonghean) -Đã gần 3 tuần trôi qua kể từ ngày tựu trường (12/8) và ngày khai giảng đang cận kề, nhưng 56/64 học sinh tiểu học điểm trường lẻ thuộc khối Toàn Thắng, xã Quang Sơn (Đô Lương) vẫn chưa được đến trường. Vậy nguyên nhân của sự việc bất thường này là do đâu?

Từ một chủ trương đúng

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Quang Sơn nhiệm kỳ 2010 – 2015 đã đề ra mục tiêu phấn đấu xây dựng Trường Tiểu học Quang Sơn đạt chuẩn mức độ II và trên cơ sở Thông báo số 87 của UBND huyện Đô Lương về việc giao chỉ tiêu cho Trường Tiểu học Quang Sơn trong năm học 2013 – 2014 được bố trí 14 lớp học (rút xuống 2 lớp so với năm học 2012 – 2013), nên năm học 2013 – 2014, Đảng ủy, HĐND, UBND xã Quang Sơn chủ trương sáp nhập 3 lớp học từ điểm trường lẻ tại khối Toàn Thắng về điểm trường trung tâm nhằm đảm bảo hợp lý về chủ trương, kế hoạch của huyện và địa phương.

Phải nói rằng, đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, vừa khắc phục các điểm trường, lớp lẻ, tăng cường công tác quản lý, giám sát trong hoạt động của nhà trường; vừa tạo cơ hội cho các em học sinh được bình đẳng học tập, vui chơi trong một môi trường chung, điều kiện cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng chức năng. Hiện tại, Trường Tiểu học Quang Sơn đã đạt chuẩn mức độ I và trong mấy năm gần đây địa phương cũng đã quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, đặc biệt vừa bàn giao và đưa vào sử dụng mới một nhà học 2 tầng trong tháng 8 này.

Theo khảo sát của chúng tôi (PV), ngoài việc đảm bảo đủ 14 phòng học, trường có đầy đủ các phòng chức năng như phòng truyền thống, phòng sinh hoạt tập thể, phòng học Mỹ thuật, Ngoại ngữ, Tin học, Âm nhạc. Trong khi đó, tại điểm trường lẻ, cơ sở vật chất chỉ là 1 dãy nhà cấp 4 gồm 4 phòng được xây dựng cách đây gần 30 năm nay đã xuống cấp; quy mô chỉ 3 lớp học (lớp 1 có 21 học sinh; lớp 2 có 25 học sinh và lớp 3 có 18 học sinh).

802301_small_104579.jpg

Ngôi trường chính 2 tầng với đầy đủ các phòng chức năng, khuôn viên xanh mát.



Một phòng học tại trường chính.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tất Tây – Trưởng phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Đô Lương cho biết: Chủ trương sáp nhập điểm lẻ về điểm chính là đúng. Bởi mục tiêu giáo dục nói chung và giáo dục bậc tiểu học nói riêng là tăng cường công tác quản lý, tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Mặt khác, trong đổi mới phương pháp dạy học, yêu cầu ở bậc tiểu học là vừa học, vừa chơi với các chuyên đề kể chuyện, các hoạt động ngoại khóa bổ ích. Muốn làm được điều này thì phải quy về một mối.

Xuất phát từ yêu cầu và mong muốn của giáo dục bậc tiểu học, liên tiếp trong mấy năm gần đây, huyện Đô Lương đã cố gắng đầu tư chuyển các điểm trường lẻ về các trường trung tâm, từ 21 điểm đến thời điểm này chỉ còn 2 điểm trường lẻ trong toàn huyện, 1 điểm nằm ở khối Toàn Thắng, xã Quang Sơn và 1 điểm ở làng Đại Thành, xã Đại Sơn. Cũng theo ông Nguyễn Tất Tây, rất nhiều điểm trường lẻ được sáp nhập về trường trung tâm ở các xã có điều kiện tương tự Quang Sơn là xã Thái Sơn, hoặc khó khăn hơn như ở Thượng Sơn đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ  và triển khai thuận lợi vì tương lai của chính con em mình.  Thế nhưng ở điểm lẻ khối Toàn Thắng (Quang Sơn) phụ huynh  ở 3 xóm 8, 9,19 đã phản đối quyết định này và đồng loạt không cho con em đến trường chính, mà vẫn bắt các cháu đến cụm trường cũ dù cơ sở này đã đóng cửa.



Điểm trường lẻ chỉ là 4 phòng học nhà cấp 4 xuống cấp, không có bóng cây xanh.

Đến phản ứng của phụ huynh

Thời điểm chúng tôi đến Trường Tiểu học Quang Sơn vào sáng ngày 28/8, trong danh sách 64 học sinh của 3 lớp học 1, 2 và 3 tại điểm trường lẻ thuộc khối Toàn Thắng gồm 3 xóm 8, 9, 10 mới chỉ có 7 học sinh tới trường học tập. Tại lớp 3C do cô giáo Nguyễn Thị Thanh lên lớp chỉ có 15 học sinh ngồi học thưa thớt. Cô Thanh cho biết: “Sỹ số lớp 27 em, hôm nay 1 em nghỉ ốm và 11 em điểm trường lẻ chưa lên học. Chúng tôi tha thiết mong phụ huynh đưa các cháu đến trường để ổn định lớp và duy trì học tập của các em”. Không chỉ ở lớp cô Thanh, ở một số lớp học khác cũng ở trong tình trạng tương tự.

Trên gương mặt của cô giáo Trần Thị Tuyết vừa được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Sơn (từ ngày 9/8/2013) không giấu nổi sự lo lắng khi tiếng trống khai giảng đang cận kề mà ở một số lớp học sĩ số vẫn chưa ổn định. Cô tâm sự: “Là nhà giáo, chúng tôi mong muốn đem lại cho các em một môi trường học tập tốt nhất, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa nhận được sự đồng tình ủng hộ từ phía phụ huynh học sinh để cho con em tới trường học tập”. Được biết, sau khi có Nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã về việc chuyển 3 lớp học ở điểm lẻ Toàn Thắng về học tại trung tâm Trường Tiểu học Quang Sơn, cấp ủy, chính quyền xã đã phối hợp với Ban Giám hiệu nhà trường đã nhiều lần ra thông báo, tổ chức đối thoại, thành lập các đoàn vào từng xóm để tuyên truyền, vận động nhưng các bậc phụ huynh ở xóm 8, 9, 10 thuộc khu vực Toàn Thắng vẫn nhất quyết không cho con tới trường.

Chúng tôi đã trực tiếp về tận các xóm 8, 9, 10 của khu vực Toàn Thắng để tìm hiểu nguyên nhân vì sao phụ huynh chưa đồng thuận cho con em tới trường học. Người dân bày tỏ rằng, do đường sá đi lại khó khăn, nhất là vào mùa mưa khu vực Toàn Thắng là vùng thường hay ngập lụt cục bộ nên các cháu không thể tự đến trường. Còn các phụ huynh hiện tại đang có con theo học lớp 1, lớp 2, lớp 3 đều là những lao động trẻ, lao động chính, mùa màng bận rộn phải lo làm ăn để kiếm sống nuôi gia đình, không có thời gian đưa đi đón về ngày hai buổi vì trường không có chế độ ở nội trú. “Mong muốn của phụ huynh là giữ lại mái trường để con em học tập ở đây, vừa đảm bảo sức khỏe cho các cháu, vừa tiện lợi cho người dân để phục vụ sản xuất, có thực mới  vực được đạo” – ông Lê Đăng Đại, phụ huynh có 2 con lớp 1 và lớp 3 vẫn chưa đến trường, bày tỏ. Cũng có ý kiến phụ huynh cho rằng, ngôi trường này có từ lâu đời gắn với truyền thống của làng, nên không đi mô khác…

Thế nhưng theo chúng tôi, thì những lí do này không mấy  thuyết phục, bởi một lẽ, thứ nhất cơ sở vật chất ở điểm lẻ xuống cấp không đảm bảo điều kiện học tập cho các em, nhất là trong việc tổ chức các hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống.  Thứ hai, quãng đường từ điểm lẻ  đến điểm trường chính chỉ có 2 cây số và mặc dù không phải là đường nhựa nhưng cũng được rải đá dăm nối thẳng lên trung tâm xã. Và trên thực tế có nhiều nơi điều kiện vất vả hơn, đường sá khó khăn hơn phải đi qua đồi mất 4 - 5 cây số nhưng phụ huynh họ vẫn quyết tâm đưa con em được học ở điểm trường chính để đảm bảo sự tốt đẹp hơn cho con em mình. Chẳng nói đâu xa như ở Lam Sơn - một xã miền núi, địa bàn rộng trước đây có tới 3 điểm trường lẻ, điểm xa nhất khoảng 3 cây số, nhưng năm nay cũng đã hoàn thành việc sáp nhập vào điểm trường chính.

Nhiều phụ huynh viện lý do bận làm ăn không có thời gian đưa, đón con em,  nhưng theo như chúng tôi tìm hiểu  được thì hiện tại có một số phụ huynh ở Toàn Thắng hàng ngày vẫn chở con lớn lên điểm trường chính để học lớp 4, lớp 5 nhưng lại vẫn để con học lớp 1, 2, 3 (lứa tuổi vừa có chủ trương sáp nhập lên điểm chính) ở nhà???. Bà Phan Thị Thúy, xóm 10 có con thứ hai đang học lớp 4 ở trường chính, con thứ ba học lớp 2 ở điểm lẻ biện hộ: “May chồng tôi đi xây ở trên đó (ý nói đi lên phía trên xã – PV) nên mới chở được đứa lớp 4 đi học, tui đây đang còn 1 đứa nhỏ ở nhà, lại bận đồng áng không có điều kiện để chở con đi học”. Thế nhưng, theo thông tin mà chúng tôi “thu lượm” được thì vấn đề cốt  lõi sâu xa  là do một số đối tượng trên địa bàn đã tung tin mục đích chính quyền xã sáp nhập điểm lẻ vào điểm chính là để bán đất trong khu vực trường làng nhằm kích động, xúi giục người dân phản đối chủ trương sáp nhập; thậm chí đe dọa, ngăn cản phụ huynh không được đưa con em đến trường chính khiến đội ngũ cấp ủy chi bộ, ban cán sự 3 xóm 8, 9, 10 gần như tê liệt. Xóm trưởng của một xóm trong khu vực, người có cháu ngoại cũng đang phải nghỉ học ở nhà đã xác nhận với chúng tôi điều này trong một tâm lý “lực bất tòng tâm”….

Và bài học trong công tác dân vận

Chủ trương xóa điểm trường lẻ tại khối Toàn Thắng của xã Quang Sơn là hoàn toàn đúng và rất cần thiết, tạo điều kiện để trường phấn đấu đạt chuẩn mức độ II, đồng thời đảm bảo giáo dục toàn diện, phát triển các “kỹ năng mềm” trong cuộc sống cho học sinh. Tuy nhiên, lại vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phía phụ huynh học sinh. Phải chăng vấn đề đặt ra ở đây là công tác vận động quần chúng chưa đến nơi đến chốn và nhuần nhuyễn?! Ông Nguyễn Xuân Sơn - Bí thư Chi bộ xóm 10 cho rằng: “Mặc dù trên cơ sở Nghị quyết của Đảng ủy, UBND xã đã xây dựng tờ trình gửi cho các đại biểu HĐND tiếp xúc cử tri trước kỳ họp để thông báo cho nhân dân biết trước chủ trương này cùng tham gia ý kiến.

Tuy nhiên, tại cuộc tiếp xúc cử tri trước kỳ họp hội đồng, có nhiều ý kiến của người dân không đồng tình với chủ trương nhưng xã vẫn chưa làm thêm một bước nữa là thăm dò ý kiến rộng rãi của nhân dân, nhất là những người có con em đang theo học tại điểm trường lẻ. Nếu làm được khâu này thì sẽ nắm bắt tình hình tư tưởng tốt hơn, từ đó có biện pháp chủ động hơn.

Qua trao đổi trực tiếp với một số bí thư, xóm trưởng ở 3 xóm 8, 9, 10 chúng tôi cũng nhận thấy, gần như vai trò của chi ủy, ban cán sự các xóm đã thực sự bị vô hiệu hóa, các chi hội đoàn thể tại thôn xóm chưa chủ động vào cuộc thể hiện trách nhiệm trong việc giải quyết công việc liên quan đến địa bàn dân cư, chưa tổ chức họp dân trong từng xóm một để tuyên truyền, giải thích, vận động mà chỉ mới thông qua hội nghị tiếp xúc cử tri. Công tác tuyên tuyền vận động chủ yếu vẫn do các giáo viên của Trường Tiểu học Quang Sơn đảm nhận nhưng không mang lại hiệu quả cao.

Chính ông Lê Văn Vĩnh – Chủ tịch UBND xã cũng thừa nhận: “Chúng tôi nghĩ vì sự học của con em, trước sau gì người dân cũng sẽ đồng thuận, chứ không lường trước được sự việc diễn biến phức tạp như thế này”. Tuy nhiên, đảng ủy, chính quyền xã cũng đã cố gắng hết sức. Sau khi Nghị quyết của Đảng ủy xã và HĐND xã thông qua tại kỳ họp thứ 6 có chủ trương sáp nhập 3 lớp học tại điểm lẻ khối Toàn Thắng về trường trung tâm, cấp ủy, chính quyền xã đã có công văn gửi các chi ủy 8, 9,10 và Trường Tiểu học Quang Sơn thông báo với các phụ huynh thực hiện. Đồng thời phối hợp với nhà trường cử 3 đoàn về trực tiếp làm việc, tuyên truyền, vận động bà con; tổ chức đối thoại giữa cán bộ cấp xã với phụ huynh.

Mới đây (sáng 24/8), theo yêu cầu của bà con, lãnh đạo UBND huyện, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện, chính quyền và Trường Tiểu học xã Quang Sơn cũng đã có một cuộc đối thoại với phụ huynh để làm rõ những băn khoăn, vướng mắc của người dân. Các lý do mà người dân đưa ra tại các cuộc đối thoại, về  phía trách nhiệm của huyện và xã đã giải đáp trực tiếp. Ví dụ như về vấn đề đường sá đi lại khó khăn,  năm 2013 ngân sách nhà nước rót về 4,5 tỷ đồng để sửa sang hai đầu cầu, vừa rồi xã cũng đã trích ngân sách đầu tư 25 triệu đồng để san lấp, khắc phục.

Ý kiến phụ huynh băn khoăn về mùa mưa lụt, con em không thể đến trường, về phía chính quyền xã và ngành giáo dục đã giải thích là hàng năm nếu có ngập lụt, nhà trường đều có thông báo nghỉ, sau đó tổ chức cho các cháu học bù đầy đủ. “Chúng tôi cũng đã giải thích rõ với người dân về kế hoạch sử dụng khuôn viên điểm trường lẻ sau khi sáp nhập được quyết định trong Nghị quyết HĐND xã là sẽ chuyển sang làm một điểm cụm mầm non của xã, vì hiện nay các cháu ở độ tuổi mầm non đang phải học tập trong một môi trường chật chội, xuống cấp vốn trước đây là nhà làm việc của HTX xây dựng từ năm 1975”.

Đến thời điểm chúng tôi viết bài này, các phụ huynh vẫn nhất quyết không cho con em mình đến trường (trừ 7 học sinh là con của cán bộ, giáo viên đã ra học tại điểm trường chính; 1 em phải gửi học ở Thành phố Vinh). Ông Nguyễn Minh Hạnh – Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương, khẳng định: Quan điểm, thái độ của huyện là kiên quyết thực hiện đúng theo chủ trương, lấy kiên trì vận động, thuyết phục là chính. Về phía các phụ huynh phải nghĩ đến quyền lợi lâu dài của con em mình. Bởi chăm lo giáo dục trước hết phải có sự chung tay của cả gia đình, nhà trường và xã hội. Việc không cho con em quyền đến trường học tập, vô hình trung, các bậc phu huynh đang vi phạm pháp luật, vi phạm quyền trẻ em, cao hơn cả là lương tâm, trách nhiệm của bậc làm cha mẹ đối với tương lai con trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cần có thái độ dứt khoát, nghiêm khắc đối với các hành vi xúi giục, kích động, gây mất ổn định trật tự của một số đối tượng bất mãn, có động cơ không lành mạnh.

Việt Nam là nước đầu tiên ở Châu Á và thứ hai trên thế giới phê chuẩn Công ước về Quyền trẻ em vào ngày 20/2/1990. Từ đó đến nay, Việt Nam đã đạt nhiều tiến bộ trong việc đưa tinh thần và nội dung của Công ước vào luật pháp quốc gia đã được ban hành hay sửa đổi, bổ sung đều quan tâm đến quyền lợi của trẻ em. Trong đó quyền được học tập là một quyền có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Hiến pháp 1992 đã quy định: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân”. Cùng với Hiến pháp, quyền này còn được cụ thể hóa trong nhiều văn bản khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam. Luật Bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em năm 2004 khẳng định tại Điều 16: “Trẻ em có quyền được học tập”, “Trẻ em học bậc tiểu học trong các cơ sở giáo dục công lập không phải trả học phí”.

Theo quy định của pháp luật Việt Nam, bậc tiểu học là bậc giáo dục bắt buộc đối với mọi trẻ em. Mọi trẻ em không phân biệt điều kiện, hoàn cảnh đều được bình đẳng về cơ hội học tập và được nhà nước tạo điều kiện cho học tập. Luật Giáo dục năm 2005 cũng khẳng định mục tiêu của giáo dục Việt Nam là “đào tạo con người Việt Nam phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Với mục tiêu đó, trẻ em có quyền và được tạo điều kiện tiếp cận một nền giáo dục cơ bản, toàn diện và có chất lượng để trở thành một thế hệ công dân mới có đức, có tài tiếp bước truyền thống cha anh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.


Bài, ảnh: Mai Hoa - Khánh Ly