(Baonghean) - Từ năm 2013, chợ Hưng Dũng, TP. Vinh có khá nhiều điều tiếng không hay trong việc xét duyệt phân bổ vị trí kinh doanh phía trong đình chợ. Tháng 3/2014 này, qua đường dây nóng Báo Nghệ An, một số công dân tiếp tục thông tin những vấn đề “nhặm nhọt” ở chợ Hưng Dũng mà nổi cộm nhất là việc xét duyệt đối tượng nhận ki - ốt kinh doanh có vị trí sinh lợi...
Thông tin từ nhiều người dân phản ánh: Chợ Hưng Dũng đầu tư hàng tỷ đồng cho 27 ki - ốt từ cuối năm 2012 nhưng cho đến nay chưa đưa vào sử dụng. Việc chậm trễ này đã gây lãng phí lớn. Nguyên nhân là do việc xét duyệt không minh bạch. Những người được xét duyệt nhận ki - ốt hầu hết là người nhà của cán bộ phường, trong khi đó, hàng trăm đối tượng chính sách, cựu chiến binh, nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp thì bị loại.
27 ki - ốt bám mặt tiền ở chợ Hưng Dũng đóng cửa. Ảnh: Nhật Lân
Qua xác minh, những thông tin trên có cơ sở, bởi cho đến thời điểm hiện tại, 27 ki - ốt ở chợ Hưng Dũng bám mặt đường, có vị trí kinh doanh thuận lợi vẫn chưa được sử dụng. Theo tìm hiểu, từ cuối tháng 3/2012, UBND phường Hưng Dũng có Quyết định số 52/QĐ-UBND phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình xây dựng nâng cấp chợ Hưng Dũng; tổng kinh phí gần 5 tỷ đồng; nguồn vốn từ ngân sách phường và huy động nhân dân đóng góp. Với khoản tiền đầu tư này, ngoài xây dựng các hạng mục: hệ thống đường, mương thoát nước, ga ra xe, bể chứa nước, cải tạo nhà vệ sinh thì xây dựng mới 3 dãy 39 ki - ốt diện tích bình quân 14,72 m2/1 ki ốt bám mặt tiền; 214 ki - ốt bán cá, thịt, hàng rau, hàng khô có kích thước 1,25m + 1,68m2/ki - ốt bên trong chợ. Đầu năm 2013, công trình nâng cấp chợ được hoàn thành nhưng số lượng các ki - ốt có thay đổi, với 27 ki - ốt bám mặt tiền và 253 ki - ốt bên trong chợ. 
Tháng 10/2012, UBND phường thông báo việc quy hoạch đầu tư xây dựng ki - ốt và mặt bằng kinh doanh cho những người có nhu cầu đăng ký với nội dung: Đăng ký sử dụng mặt bằng hàng cá, thịt, hàng rau, hàng khô; Đăng ký đấu giá sử dụng ki - ốt; Đăng ký xét duyệt đối tượng sử dụng ki - ốt theo các đối tượng ưu tiên có nhu cầu nhưng không có mặt bằng kinh doanh. Một cán bộ có trách nhiệm của phường Hưng Dũng (xin được giấu tên) khẳng định: Ban đầu UBND phường quyết định sẽ tổ chức xét duyệt 14 ki - ốt và đấu giá 13 ki - ốt trong số 27 ki - ốt bám mặt tiền. Các đối tượng được ưu tiên xét duyệt giao ki - ốt được quy định theo thứ tự: Đối tượng chính sách có nhu cầu và phải trực tiếp kinh doanh; Cựu chiến binh đang trực tiếp kinh doanh tại các ki - ốt trước đây khi phường thu hồi khu vực phía Tây chợ; Xã viên nông nghiệp bị thu hồi đất nông nghiệp; Cán bộ đang làm việc thường xuyên tại cơ quan (vợ, chồng chưa có việc làm). Thời điểm nhận hồ sơ từ ngày 5/10/2012, đến ngày 15/10/2012 kết thúc nhận hồ sơ.
Có khoảng 130 đơn đăng ký và dù đối tượng được ưu tiên đã được quy định rõ nhưng việc xét duyệt rất khó khăn, kéo dài đến cuối năm 2013 mới gút lại được 30 đối tượng để Hội đồng xét duyệt bỏ phiếu lựa chọn ra 14 người. Đầu năm 2014, khi tiến hành bỏ phiếu, Hội đồng xét duyệt đã không thực hiện nổi vì có sự cạnh tranh gay gắt. Vậy nên, UBND phường đã tăng số ki ốt xét duyệt lên con số 21, chỉ để lại 6 ki - ốt đem ra đấu giá. Cũng từ thời điểm này, số đối tượng được Hội đồng xét duyệt đem ra bỏ phiếu cũng tăng thêm do một số cán bộ chủ chốt bổ sung đơn đăng ký xin xét duyệt nhận ki - ốt kinh doanh cho người thân. Kết quả sau khi bỏ phiếu, đối tượng được nhận ki - ốt phần lớn là người thân của cán bộ phường, trong đó có cả người thân của lãnh đạo Đảng ủy, MTTQ, công an phường... 
Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh - Phó Chủ tịch UBND phường, kiêm Chủ tịch Hội đồng xét duyệt mặt bằng, ki - ốt chợ Hưng Dũng thì đến đầu năm 2013 việc xây dựng nâng cấp chợ mới được hoàn thành. Nguyên nhân chậm đưa 27 ki - ốt vào sử dụng là bởi quá trình bố trí mặt bằng kinh doanh trong chợ đã gặp nhiều vấn đề phức tạp, phát sinh nhiều đơn thư khiếu nại, tố cáo. Phường phải mất một thời gian khá dài để giải quyết nên dẫn tới chuyện chậm trễ trong xét duyệt, đấu giá 27 ki - ốt. Về việc xét duyệt giao ki - ốt, ông Khánh cho hay, để tiến hành sắp xếp khu vực kinh doanh, UBND phường đã thành lập Hội đồng xét duyệt gồm 21 thành viên là đại diện các phòng, ban, trưởng các ban, ngành của phường; đã thông báo rộng rãi, công khai để những người có nhu cầu nộp đơn đăng ký; tổ chức xét duyệt theo đúng trình tự, khách quan và đã lựa chọn những người đúng quy định sau đó tổ chức bỏ phiếu. Hiện việc bỏ phiếu đã thành công và đã tổ chức niêm yết công khai.
Khi được hỏi: Tại sao các ki - ốt đều có vị trí sinh lợi phường lại không tổ chức đấu giá? Tại sao số ki - ốt xét duyệt lại được nâng từ 14 lên 21 ki - ốt? Theo ông Khánh là bởi nhu cầu sử dụng ki - ốt kinh doanh của nhân dân và những con em chưa có việc làm của cán bộ phường quá lớn. Với câu hỏi: Theo thứ tự ưu tiên được nêu tại thông báo đăng ký ki - ốt thì liệu có thật sự đảm bảo công bằng, liệu người dân đã bị loại ra có bị thiệt thòi? Không trả lời thẳng vào câu hỏi, theo ông Khánh, những cán bộ có người thân trong danh sách được xét duyệt đều công tác lâu năm, có cống hiến nên được Hội đồng bỏ phiếu...
Ngày 21/3/2014, UBND phường Hưng Dũng tổ chức niêm yết công khai danh sách 21 đối tượng được nhận ki - ốt kinh doanh tại chợ Hưng Dũng tại nhà văn hóa các khối, xóm trên địa bàn. Nhiều người dân, cán bộ khối xóm khi xem danh sách niêm yết nhận biết khá rõ đâu là người thân của các vị lãnh đạo phường được giao ki - ốt và bày tỏ quan điểm không đồng tình. Theo ông Nguyễn Khắc Liên - Khối trưởng khối Tân Lâm, tại danh sách niêm yết có những người không có nhu cầu sử dụng kinh doanh, trong khi đó những hộ nộp đơn có nhu cầu thực sự thì lại bị loại. Ông Liên nói: "Từ năm 2013, việc chậm trễ đưa 27 ki - ốt vào sử dụng đã được đề cập tại một số cuộc họp giao ban. Nhìn lại cả quá trình tôi thấy đúng ra UBND phường nên tổ chức đấu thầu cho cả 27 ki - ốt. Trường hợp tổ chức xét duyệt như thế này lẽ ra với con em cán bộ, nhất là đối với những người không có hộ khẩu ở Hưng Dũng thì không nên đưa vào diện ưu tiên, chứ chưa nói đến việc xét giao ki - ốt cho họ...".
Khối trưởng khối Trung Tiến, ông Trần Quốc Sơn cũng băn khoăn bởi đã có những lời đàm tiếu không hay với bản danh sách các đối tượng được giao ki - ốt mà phường niêm yết. Với ông Sơn, lẽ ra phường Hưng Dũng không nên đặt vấn đề xét giao ki - ốt cho con em cán bộ đang làm việc tại phường, bởi như vậy sinh ra sự cả nể, xin cho, không minh bạch, trong khi nhu cầu người dân rất lớn và cần thiết hơn. "Không là người gốc Hưng Dũng nhưng tôi đã sống gắn bó với nơi đây vài chục năm nên hiểu rõ sự khó khăn vất vả của những người dân bị thu hồi đất nông nghiệp. Đáng lẽ, phường không nên đặt ra vấn đề tổ chức xét duyệt cho các đối tượng ưu tiên, vì như vậy dẫn đến việc không công bằng mà thay vào đó là tổ chức đấu thầu toàn bộ 27 ki - ốt cho những người dân bị thu hồi đất nông nghiệp..." - ông Sơn bày tỏ. 
Còn rất nhiều ý kiến tương tự như ông Nguyễn Khắc Liên, Trần Quốc Sơn. Với chúng tôi, việc xét duyệt đối tượng ưu tiên giao ki - ốt bám mặt tiền ở chợ Hưng Dũng là không minh bạch. Lẽ ra các ki - ốt bám mặt tiền cần phải được đưa ra đấu giá để tăng nguồn thu cho ngân sách. Nếu ưu tiên con em trên địa bàn, phường Hưng Dũng cần tổ chức đấu thầu hạn chế để giới hạn người tham gia. Chính vì bày ra việc xét duyệt đối tượng ưu tiên nên đã dẫn đến tình trạng xin cho, cả nể... để rồi nhiều ki - ốt đã rơi vào người thân cán bộ phường, trong đó có cả những cán bộ không sống trên địa bàn. Và hệ quả là có những điều tiếng không hay, cán bộ cơ sở, người dân bất phục. Trong quá trình tìm hiểu về vấn đề 27 ki - ốt còn đóng cửa, chúng tôi còn được nghe nhiều những bất cập ở chợ Hưng Dũng. Đó là việc xét giao mặt bằng phía trong đình chợ, việc xét giao nhận thầu khu đất trông giữ ô tô, xe máy phía Bắc chợ... Để giải quyết những vấn đề này, chính quyền Thành phố Vinh cần quan tâm, chỉ đạo phường Hưng Dũng có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Nhóm PV