(Baonghean) - Qua tìm hiểu, không chỉ riêng ở huyện Quỳ Châu xảy ra vấn nạn mua bán, chuyển nhượng “chui”, chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng, mà tại nhiều huyện trong tỉnh, từ vùng núi đến miền biển cũng có tình trạng này.
“Nóng” phía núi…
Ngược lên Đôn Phục, xã vùng cao 135 của huyện Con Cuông, người dân và cán bộ nơi này không ngần ngại nói rõ về nạn mua bán, chuyển nhượng “chui” và những vụ việc chuyển đổi trái phép mục đích sử dụng đất rừng. Đôn Phục có 8786,2 ha đất lâm nghiệp và đất rừng, trong đó có 3969,9 ha đã được giao cho dân (đã cấp Giấy chứng nhận QSD đất).
Qua rà soát, xác định được có 36 hộ dân chuyển nhượng “chui” đất rừng cho 8 đối tượng trong và ngoài địa bàn huyện với diện tích lên đến trên 300 ha. Phó Chủ tịch UBND xã Đôn Phục Vi Văn Đức cho hay: Trong những người nhận chuyển nhượng “chui”, có các ông Phan Xuân Thủy và Lê Văn Cự đã thực hiện phát lộng rừng có trạng thái cây hỗn giao và một ít cây gỗ nhưng chưa thực hiện thiết kế làm giàu rừng, tái sinh rừng. Khi phát hiện sự việc này, xã đã đình chỉ và phối hợp Hạt Kiểm lâm xử phạt...
Ở huyện Con Cuông, qua rà soát vào tháng 4/2016, xã Bình Chuẩn có đến 85 hộ đã chuyển nhượng “chui” 1.100,5 ha đất rừng, xã Thạch Ngàn có 629,9 ha/59 hộ, xã Môn Sơn có 133,5 ha/25 hộ, xã Lục Dạ có 148,9 ha/32 hộ… Trong số này đáng quan ngại nhất là ở địa bàn xã Thạch Ngàn. Bởi đối tượng nhận chuyển nhượng “chui” đất rừng là người ngoài địa bàn huyện. Sau khi nhận chuyển nhượng, để thực hiện mục tiêu trồng rừng nguyên liệu, có dấu hiệu cho thấy một số đối tượng nhận chuyển nhượng đã tổ chức thuê người bản địa làm nghèo rừng bằng cách chặt tỉa cây gỗ, thực hiện hành vi đốt rừng.
Một số cán bộ từng tham gia chữa cháy rừng ở Thạch Ngàn cho biết: thời gian qua, ở Thạch Ngàn xuất hiện những vụ cháy rừng nhưng hầu như người dân không ai quan tâm vì “có phải rừng của chúng tôi nữa đâu…”. Thế nên, chỉ có cán bộ huyện, xã phối hợp với các lực lượng chức năng vào rừng dập lửa.
Ở huyện Quế Phong, nhắc về chuyện “gom” đất rừng trái phép, người dân thường kể về vụ việc 29 hộ dân Nậm Giải “bán bìa đỏ” cho doanh nghiệp Phong Vân. Đây là câu chuyện mà một số cơ quan báo chí đã thông tin, cho rằng “người dân mất cần câu vì hiện tượng đầu cơ, trục lợi”, hay “cơ quan tỉnh Nghệ An không nghe, không thấy những chiêu trò cướp rừng”… Huyện Quế Phong đã vào cuộc khá quyết liệt để xác minh vụ việc này, khẳng định việc chuyển nhượng chưa được thực hiện theo quy định của pháp luật, và trái với quy định của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Cũng từ vụ việc ở Nậm Giải, bên cạnh có sự chỉ đạo của UBND huyện, Hạt Kiểm lâm Quế Phong cũng nhận được yêu cầu của Chi cục Kiểm lâm nắm bắt thông tin mua bán đất rừng trái phép. Sau khi rà soát, phát hiện có tất cả 151 hộ gia đình thực hiện hành vi này. Trong đó, nhiều hộ gia đình bán đất rừng với diện tích lớn, lên đến hàng chục ha. Những tổ chức, cá nhân thực hiện hành vi “gom” đất rừng trái phép nổi lên ngoài doanh nghiệp Phong Vân có cả ông Phan Bá Giang ở xã Châu Bình (Quỳ Châu) (thực hiện “gom” đất rừng tại xã Đồng Văn và xã biên giới Thông Thụ).
Theo một cán bộ ở UBND huyện Quế Phong, về hiện trạng rừng, qua kiểm tra hầu như không có tình trạng chuyển đổi mục đích sử dụng trái phép. Nguyên nhân xác minh được là vì những người nhận chuyển nhượng đa phần “đi tắt, đón đầu”; nắm bắt thông tin các chương trình, dự án hy vọng được hưởng đền bù giải phóng mặt bằng…
.... “nóng” cả phía biển
Thời điểm này, tại vùng rừng đầu nguồn hồ Vực Mấu thuộc địa bàn xã Quỳnh Tân (Quỳnh Lưu) lại xảy ra vụ việc một số hộ dân thực hiện hành vi phá rừng. Theo báo cáo của lực lượng chức năng tham gia xử lý vụ việc, rừng phòng hộ bị xẻ phát tại 4 khu vực rộng 5,83 ha thuộc khoảnh 3 và 4 của tiểu khu 343A. Trạng thái của rừng, theo bản đồ quy hoạch ba loại rừng năm 2014 thì khu vực này là rừng IIA và thông, keo. Và với việc xẻ phát rừng phòng hộ để trồng keo với diện tích như vậy đã vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, vượt mức xử phạt vi phạm hành chính nên hồ sơ đã được chuyển cơ quan điều tra…
Về vùng rừng phòng hộ đầu nguồn hồ Vực Mấu xã Quỳnh Tân, hiện trạng chung dễ thấy là rất hiếm rừng tự nhiên. Ở đây, có vài khu rừng dẻ tái sinh, rừng thông và loại rừng nghèo gồm cây leo bụi rậm cùng cây gỗ tạp nhỏ; còn lại cơ bản là rừng keo (keo của dân và keo xen cây sao đen trồng theo Dự án Jica của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu).
Tại vùng Rú Cấm - khu vực xảy ra vụ việc, rừng phòng hộ cũng thực trạng này, bên cạnh đó, đan xen nhiều khoảng đất đồi trống. Những người đã xẻ phát rừng là các ông Hồ Trọng Lực, Nguyễn Đình Thái, Hồ Trọng Hoàng, Nguyễn Đình Duyên... đều được Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng. Đến nay, họ đều nhận thức là đã vi phạm pháp luật. Nhưng họ cũng nêu một nguyên nhân chính yếu đáng suy nghĩ là thực trạng chung trong vùng rừng phòng hộ hồ Vực Mấu đều trồng keo; trong khi nơi họ nhận bảo vệ, cơ bản là rừng nghèo kiệt cây leo bụi rậm và đất trống nên đã xẻ phát để trồng keo… cho đẹp rừng!
Tìm hiểu tại Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, được biết đơn vị này được thành lập năm 2007, quản lý toàn bộ trên 5.000 ha rừng phòng hộ trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai. Tiếng là vậy, nhưng trong đó, rừng và đất rừng phòng hộ theo quy hoạch có đến phân nửa do người dân quản lý và đã được Nhà nước cấp giấy chứng nhận QSD đất, hoặc các loại giấy tờ khác. Có 331,1ha được giao cho hộ gia đình theo Nghị định 163 CP; 442,1812 ha được giao hộ gia đình theo Nghị định 02 CP; 651,4 ha được giao hộ gia đình theo Quyết định 184-HĐBT; 22,7 ha được cấp khế ước giao đất có rừng cho hộ gia đình theo Nghị định 01 CP; 1.167,6 ha được Hạt Kiểm lâm Quỳnh Lưu giao khoán khế ước cho hộ gia đình (tạm giao); và, có 220 ha bị các hộ gia đình Nghĩa Đàn xâm canh.
Do trong tương lai gần, Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu sẽ sáp nhập với Công ty MTV lâm nghiệp Quỳnh Lưu, nên đơn vị này đã tiến hành rà soát lại toàn bộ hiện trạng đất rừng phòng hộ. Kết quả trong tổng diện tích hơn 5060 ha thuộc quyền “quản lý” có 3111,67 ha có rừng (trong đó, chỉ có 873,76 ha rừng tự nhiên, còn lại là rừng trồng gồm các loại cây thông, sao đen và… keo). Phần diện tích còn lại 1744,56 ha không có rừng, có 704,9 ha đã trồng rừng; 635,1ha đất trống; 404,56 ha đất nông nghiệp; và 220,2 ha đất khác. Và tổng diện tích đất và rừng phòng hộ do dân nắm giữ cần phải thu hồi là 2.183 ha.
Vậy vụ việc xẻ phát rừng và trồng keo trái phép trên đất rừng phòng hộ sẽ được xử lý như thế nào? Theo ông Trần Huy Đạt - Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu, khi nhận được tin báo, Ban đã phối hợp chính quyền địa phương lập biên bản đình chỉ và báo cáo sự việc lên cấp trên, còn “Kiểm lâm và Công an Quỳnh Lưu cũng đang điều tra, gọi hỏi những người có liên quan. Xử lý như thế nào còn chờ kết quả điều tra…”.
Đất rừng phòng hộ do đơn vị quản lý, có giao khoán bảo vệ rừng còn xảy ra tình trạng tự ý phá rừng, vậy với những diện tích người dân nắm giữ sẽ quản lý ra sao? “Đây là vấn đề hết sức phức tạp của Ban Quản lý rừng phòng hộ Quỳnh Lưu. Từ vài năm qua, chúng tôi đã rà soát hiện trạng sử dụng đất và báo cáo lên cấp trên nhưng không được giải quyết. Một thực tế là đất rừng phòng hộ nhưng có nhiều diện tích người dân hiện đang canh tác cây nông nghiệp như: dứa, sắn, mía hoặc cây nguyên liệu…” - ông Đạt trao đổi.
Vậy ở Quỳnh Lưu và TX. Hoàng Mai có tình trạng người dân mua bán, chuyển nhượng “chui” đất rừng phòng hộ hay không? Trưởng phòng Kế hoạch kỹ thuật Trần Huy Đạt trả lời: “Chúng tôi cũng đã nhận được công văn của UBND TX. Hoàng Mai về nội dung này. Nhưng để rà soát việc mua bán, chuyển nhượng “chui” là rất khó, vì vậy cần phải có thời gian. Cá nhân tôi nghĩ thì có nhiều. Vì thực tế có những hộ gia đình đã xẻ đất rừng được nhà nước giao để chuyển nhượng “chui” cho nhiều người…”.
Năm 2012 - 2013, vùng rừng phòng hộ hồ Vực Mấu từng xảy ra vụ việc một số hộ dân xóm 12, 13 xã Quỳnh Trang kéo lên khu vực đồi đuôi Thằn Lằn chặt cây, phát, đốt thực bì với diện tích lên đến gần 15 ha để trồng cây keo. Ngày 18/9/2013, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Lưu đã phê bình công tác quản lý đất rừng của các đơn vị liên quan để xảy ra tình trạng các hộ dân lấn chiếm đất rừng phòng hộ, trồng cây trái phép. Ngoài ra, có một số vụ việc phá rừng đơn lẻ như năm 2014, tại Quỳnh Trang xảy ra vụ việc ông Lê Sỹ Khang, công dân xóm 10, là người nhận khoán bảo vệ 15,2 ha rừng phòng hộ thuộc tiểu khu 342 nhưng chặt phá rừng, đốt thực bì trái phép… |
Nhật Lân
(còn nữa)
TIN LIÊN QUAN |
---|