(Baonghean.vn) - Quyết định xử phạt của UBND tỉnh đã có hơn 8 tháng nhưng những vi phạm của doanh nghiệp tại mỏ đá Lèn Chùa (TX. Hoàng Mai) vẫn chưa được xử lý.

1.Vi phạm trong hoạt động khai thác khoáng sản tại mỏ đá Lèn Chùa (P.Quỳnh Xuân, TX.Hoàng Mai) được các cơ quan chức năng phát hiện, lập biên bản từ cuối năm 2016, xử phạt đầu tháng 2/20117.

Tuy nhiên, cho đến nay các doanh nghiệp có vi phạm vẫn chưa chấp hành nghiêm quyết định xử phạt, và chưa khắc phục hậu quả do họ gây ra. Thậm chí, đã liên tục tái diễn vi phạm và có những vi phạm mới!.

Việc tái diễn liên tục các vi phạm của các doanh nghiệp (Công ty TNHH Thanh Xuân, Công ty TNHH Xuân Hùng) tại mỏ đá Lèn Chùa là vẫn tổ chức khai thác ngoài phạm vi được cấp phép, khai thác dưới cots 0; nổ mìn gây ảnh hưởng xấu nhà dân; gây ô nhiễm môi trường…

Lỗi phạm mới, là việc xây dựng hệ thống trạm trộn bê tông trong khu vực mỏ (Công ty TNHH Xuân Hùng, Công ty TNHH Xuân Chung) khi chưa được các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

images2025045_images1996683_img_3606_copy.jpgTòn bộ khu vực mỏ đá Lèn Chùa nay bị khoét sâu xuống lòng đất, có nơi lên đến hàng chục mét. Ảnh Phạm Bằng

Những hành vi tái diễn vi phạm và thực hiện lỗi phạm mới của các doanh nghiệp đã khiến người dân sống xung quanh mỏ đá Lèn Chùa bức xúc. Và, các cơ quan chức năng lại tiếp tục phải kiểm tra. Lần kiểm tra mới nhất, là theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Công văn số 243/UBND-NC, được thực hiện ngày 26/9/2017.

Qua kiểm tra, tiếp tục xác định các doanh nghiệp tại mỏ đá Lèn Chùa chưa thực hiện Quyết định số 491/QĐ-UBND và Quyết định số 492/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND tỉnh được ban hành từ đầu tháng 2/2017.

Cụ thể, Công ty TNHH Xuân Hùng và Công ty TNHH Thanh Xuân chưa thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả (san lấp, phục hồi môi trường đối với khu vực đã khai thác vượt quá độ sâu được phép khai thác).

Công ty TNHH Xuân Hùng đã đầu tư xây dựng, đưa vào sử dụng và vận hành 1 trạm trộn bê tông (vị trí xây dựng trạm trộn bê tông một phần nằm trong khu vực mỏ được UBND tỉnh cấp phép cho Công ty TNHH Xuân Hùng).

Ngoài ra về phía Nam khu vực mỏ Lèn Chùa, Công ty TNHH Xuân Chung (nay là Công ty TNHH Trung Sơn) đã và đang đầu tư xây dựng một số hạng mục công trình phục vụ cho việc xây dựng trạm trộn bê tông (gồm: nhà cấp 4, tường bao, lắp đặt 03 tháp trộn bê tông,...).

2. Việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản, được quy định tại Nghị định số 33/NĐ-CP của Chính phủ. Theo Nghị định số 33, nếu vi phạm nghiêm trọng, khai thác ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép khai thác với diện tích và khối lượng lớn, tổ chức, cá nhân vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng.

Đó là ngoài bị phạt tiền; còn bị tước quyền sử dụng giấy phép có thời hạn; buộc cải tạo, san lấp, phục hồi môi trường diện tích đã khai thác trái phép; tịch thu toàn bộ khoáng sản đã khai thác trái phép, và, buộc nộp lại số lợi thu được do hành vi vi phạm có được.

Song song với các chế tài xử lý vi phạm, pháp luật cũng quy định rất rõ về quyền hạn, trách nhiệm của các cấp, ngành chức năng có liên quan trong việc quản lý, bảo vệ tài nguyên khoáng sản.

Một trạm trộn bê tông do doanh nghiệp dựng lên khi chưa được cấp thẩm quyền cho phép trên khu vực mỏ đá Lèn Chùa. Ảnh Phạm Bằng

Để phân định trách nhiệm cụ thể hơn, vào tháng 6/2017, UBND tỉnh từng đã ban hành quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên khoáng sản trên địa bàn. Tại quy chế này, ngoài tiếp tục làm rõ chức năng quyền hạn của các cấp, các ngành theo quy định của pháp luật, còn đặc biệt nhấn mạnh về trách nhiệm trước UBND tỉnh và trước pháp luật nếu để xảy ra tình trạng vi phạm.

3. Theo xác định của đoàn kiểm tra dịp cuối năm 2016, diện tích khai thác khoáng sản ngoài phạm vi cấp phép của hai doanh nghiệp tại mỏ đá Lèn Chùa khoảng trên 1 ha; có độ sâu từ 5 – 18m. Quy chiếu những hành vi vi phạm này với những quy định tại Nghị định 33, khẳng định là rất nghiêm trọng.

Vậy nhưng từ tháng 2/2017, thời điểm UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đến nay đã 8 tháng trời nhưng các doanh nghiệp không chấp hành; không những vậy còn tái diễn vi phạm và có những vi phạm mới. Và các cấp ngành liên quan, thì hết lần này lượt khác, lại thực hiện quy trình kiểm tra, ra văn bản đôn đốc, nhắc nhở như đèn cù.

Hành vi tái diễn vi phạm của các doanh nghiệp, như báo cáo của đoàn công tác thực hiện nhiệm vụ UBND tỉnh giao tại Công văn số 243/UBND-NC đã phải dùng đến là “thậm chí doanh nghiệp có biểu biện coi thường pháp luật”.

Điều này khiến người ta băn khoăn, kỳ lạ, không hiểu tại sao?

Nhật Lân

TIN LIÊN QUAN