(Baonghean.vn)- Sau nhiều vụ việc riêng tư của hàng loạt người nổi tiếng bị lộ đã dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư của người dân trong khi những quy định pháp luật cụ thể còn thiếu ở Việt Nam. Có thể kể đến một số trường hợp vi phạm đang xảy ra như:

Đăng hồ sơ cá nhân của người khác lên mạng

Cuốn hồi ký “Thương Tín - một đời dông bão” vừa phát hành đã trở thành chủ đề cho nhiều cuộc đàm tiếu về những câu chuyện tình ái của ngôi sao “vang bóng một thời” với nhiều người phụ nữ. Chưa xét đến khía cạnh văn hóa cũng như mục đích của người công bố, mà xét về góc độ pháp luật thì chắc chắn không thể nói là "không có vấn đề”.

Nhưng cơ quan nào xử lý, cơ sở nào để xử lý, e rằng còn nhiều chuyện phải bàn, điều dễ thấy nhất là có “lổ hổng pháp luật” ở đây.  Đó là chưa nói đến, đã từng có rất nhiều người nổi tiếng, thậm chí người có trách nhiệm, bị đăng tải những bức ảnh từ thời tấm bé hay các hình chụp chứng minh nhân dân kèm theo những bình luận về nhan sắc, về đời tư, những “bình phẩm” vô tư thoải mái về họ.

Vô hình trung, không những thông tin riêng tư của một người được đăng tải công khai, mà còn trở thành đề tài truyền thông có thể xúc phạm đến người khác.

Có khá nhiều thông tin khác trong hồ sơ của các cá nhân cũng đang được (bị) chia sẻ công khai trên báo chí, và nhất là trên mạng xã hội.

Dán bảng điểm công khai ở trường học

Một ví dụ điển hình cho dấu hiệu vi phạm quyền riêng tư nữa là rất nhiều trường học hiện nay đều dán công bố bảng điểm công khai ở nơi công cộng. Không chỉ vậy, các trường học còn đăng tải chúng trên Internet hay đọc điểm của từng người ngay tại lớp học. Tệ hơn nữa, để phân biệt các HSSV trùng họ, tên, các trường học thường đăng kèm các thông tin cá nhân của họ, như ngày sinh, quê quán, số thẻ sinh viên hay lớp học.

Với những HSSV đạt điểm cao, có thể điều đó không ảnh hưởng nhiều nhưng với những HSSV điểm thấp hay thi trượt môn thì sẽ có rắc rối tâm lý xảy ra. Nhưng bất luận hậu quả đó là tốt hay xấu với HSSV, việc đăng tải thông tin cá nhân là có dấu hiệu vi phạm quyền nhân thân của họ. Ở nhiều quốc gia trên thế giới, điểm số được phát riêng cho từng người, không ai biết điểm của ai.

Điển hình là một nước có nền luật pháp phát triển như Mỹ, gần như tất cả các trường học ở đây đều phải áp dụng Đạo luật Quyền giáo dục gia đình và Quyền riêng tư năm 1974 (FERPA) - nghiêm cấm tất cả các hành vi để lộ bất cứ thông tin nào về điểm số hay thành tích và những thông tin riêng tư khác của HSSV với bất cứ ai ngoại trừ HSSV đó và chính cha mẹ của họ (nếu HSSV dưới 18 tuổi).

Đăng ảnh của con cái lên mạng

Bố mẹ theo lẽ tự nhiên thường vô cùng tự hào về con mình và luôn muốn lưu giữ những khoảnh khắc bé lớn lên. Nhưng có khi nào chúng ta tự hỏi rằng: Liệu khi con cái lớn lên, chúng có thoải mái với việc những bức ảnh khỏa thân, hay ảnh mặc bỉm, mặc đồ tắm của chúng lan truyền trên mạng và tất cả bạn bè của chúng đều xem được hay không.

Nếu như chúng ta không được phép đăng ảnh riêng tư của một người trưởng thành lên mạng thì tại sao chúng ta lại có quyền làm như thế với con mình?. Phải chăng trẻ con chưa có khả năng nhận thức và tự vệ trước sự vi phạm quyền riêng tư, nên chúng ta có thể làm bất cứ điều gì chúng ta muốn?

Sau cùng, vấn đề không chỉ đơn giản là đăng ảnh con cái lên mạng mà hơn thế nữa là sự an toàn và sự riêng tư của chúng được bảo vệ như thế nào. Các chuyên gia cho rằng rất nhiều bậc cha mẹ đang khoe ảnh con lên mạng xã hội mà không kiểm tra đầy đủ các thiết lập riêng tư, có nghĩa là cơ hội những tấm ảnh này rơi vào tay kẻ xấu và hậu quả sẽ rất khó lường

Công bố chuyện riêng tư của người khác

Khai thác các câu chuyện riêng tư, đặc biệt là chuyện tình yêu, tình dục và tài chính của người khác, là một trong những “chiêu” tìm kiếm sự chú ý của nhiều tờ báo mạng, trang mạng xã hội hiện nay. 

Vì những bài báo đó, việc một người chồng bị bất lực, một người vợ ngoại tình có thể bị công khai cho cả xã hội biết và hậu quả là gây ra những gánh nặng tâm lý vô cùng nguy hiểm. Uy tín, danh dự của họ bị tổn thương nghiêm trọng và rất khó để họ thoát ra được khỏi những áp lực xã hội rất có thể đây là nguyên nhân dẫn tới những hành vi tiêu cực trong xã hội.

Việt Nam đã hội nhập sâu rộng và toàn diện, vì vậy đã đến lúc cần có hành lang pháp lý để công dân được bảo vệ đầy đủ những quyền riêng tư trong thời đại thông tin bùng nổ. Qua một số ví dụ nói trên cho thấy thực tiễn cuộc sống đang đặt ra cần phải có những quy định pháp luật cụ thể về quyền riêng tư để đảm bảo sự an toàn cho người dân và cho xã hội.

Việt Anh

(K55 Luật học, ĐH Vinh)

TIN LIÊN QUAN