(Baonghean) - Tình trạng một số cá nhân, đơn vị, doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động (XKLĐ) nhưng vẫn tổ chức tuyển lao động đi làm việc tại một số thị trường không được cấp phép gây thiệt hại cho người lao động, ảnh hưởng đến công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh. Đây là vấn đề được nhiều người quan tâm tại hội nghị tổng kết công tác xuất khẩu lao động do UBND tỉnh tổ chức mới đây. Thực trạng này đã và đang đặt ra thách thức không nhỏ trong công tác quản lý xuất khẩu lao động…

Vi phạm tràn lan
 
Ông Nguyễn Văn Hợp,khối Tân Hợp, phường Nghi Hoà, Cửa Lò cho biết: Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên khi nghe ông Nguyễn Minh Thìn - người cùng phường vốn là chỗ quen biết hứa hẹn đặt cọc 6.500 USD sẽ lo trọn gói sang lao động ở Anggola với mức lương 1.000 - 1.200 USD/tháng, con trai ông Hợp là anh Nguyễn Công Nguyên, sinh năm 1984, đã vay mượn khắp nơi để có đủ số tiền đặt cọc với giấc mơ đổi đời ở xứ người. Thế nhưng sang đó, mức lương được trả không đúng với hợp đồng nên anh Nguyên phải bỏ sang làm ở một công ty khác. Được 6 tháng anh Nguyên bị bệnh sốt rét ác tính và qua đời. Vì đi theo con đường không chính thống nên anh Nguyên không được hưởng bất cứ chế độ gì và phải nhờ tới sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam ở Angola cũng như sự quyên góp ủng hộ của các nhà hảo tâm, bà con ở quê nhà thi hài anh Nguyên mới được đưa về Việt Nam. Hiện nay, vụ án đưa người đi Angola trái pháp luật do Nguyễn Minh Thìn cầm đầu trải qua hai lần xét xử nhưng vẫn chưa có phán xét cuối cùng vì vắng mặt một số bị cáo. Còn những người lao động như gia đình ông Hợp, ngoài nỗi đau mất con, còn phải gánh thêm một khoản nợ không nhỏ từ số tiền vay mượn cho con xuất cảnh, gửi sang để con chữa bệnh và đưa thi hài về quê sau khi qua đời. Ông Nguyễn Quang Tiêu, Chủ tịch UBND phường Nghi Hoà cho biết: Trước đây hầu hết lao động đi Anggola ở trên địa bàn phường đều thông qua môi giới là ông Thìn. Sau khi vụ việc của anh Nguyên xảy ra, công an vào điều tra, mới vỡ lở đường dây đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài trái pháp luật. Đó cũng là bài học kinh nghiệm cho địa phương trong công tác tuyên truyền, định hướng XKLĐ theo con đường chính thống.
 
images1159308_img_1581.jpgMặc dù không có chức năng nhưng Công ty cổ phần xuất khẩu đầu tư xây dựng thương mại Intercoop.vn vẫn tuyển lao động đi xuất khẩu trái pháp luật.
Thực tế, những trường hợp lao động đi làm việc theo con đường bất hợp pháp do “cò” hoặc các công ty không có chức năng XKLĐ môi giới như con trai ông Hợp không phải là hiếm. Thông qua sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và phản ánh của người dân, thời gian qua, Công an Nghệ An cũng đã phát hiện, điều tra, xử lý một số đường dây lừa đảo xuất khẩu lao động. Điển hình như việc khởi tố 3 đối tượng Ngô Thu Lý, Giáp Văn Trung, trú tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang và Chu Ngọc Lâm, trú tại huyện Yên Thành do hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của công dân có nhu cầu đi xuất khẩu lao động với số tiền lớn; điều tra, làm rõ vụ việc bà Nguyễn Thị Lan, sinh năm 1984, trú tại Yên Dũng, Bắc Giang và Hà Thị Mai Hương, trú tại Thành phố Vinh có hoạt động mượn danh nghĩa Công ty TNHH MTV Phong Vân - trụ sở đóng tại Thành phố Bắc Giang (vốn chỉ được cấp phép hoạt động trên lĩnh vực du lịch) để tư vấn, tuyển chọn, đào tạo, thu tiền… đưa người đi XKLĐ nhưng thực tế không đưa đi được...
 
Ông Đặng Cao Thắng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết: Tình trạng một số đơn vị, doanh nghiệp không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn lợi dụng, tổ chức tuyển lao động xuất khẩu đi làm việc ở một số thị trường trái pháp luật như Angola, Australia, Canada, Na Uy...  không chỉ gây thiệt hại nhiều mặt cho người lao động, gây bức xúc trong nhân dân mà còn ảnh hưởng xấu đến công tác xuất khẩu lao động chung của tỉnh. 
 
Siết chặt quản lý
 
Đề cập đến nguyên nhân dẫn đến những vấn đề phức tạp, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trong hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh ta trong thời gian qua, Thượng tá Nguyễn Bá Trì, Phó phòng PA83 (Công an tỉnh) cho rằng:  “Khởi nguồn là do công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về lĩnh vực XKLĐ cho nhân dân chưa được quan tâm đúng mức, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số. Một số lao động do nhận thức, hiểu biết kém nên bị lừa, nhưng cũng có người dù biết đi theo con đường không chính thống, qua “cò”, “môi giới” dẫn dắt nhưng vẫn chấp nhận rủi ro. Mặt khác, việc có hàng loạt đơn vị, doanh nghiệp trên lĩnh vực xuất khẩu lao động gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực này. Chỉ tính riêng trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có trên 40 doanh nghiệp, trung tâm, tổ chức đăng ký hoạt động xuất khẩu lao động; 14 trung tâm, tổ chức được cấp phép hoạt động giới thiệu việc làm”. Trong khi đó, các ngành chức năng, các địa phương, nhất là cấp cơ sở, chưa phát hiện kịp thời và xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cò mồi, dụ dỗ, hứa hẹn gian dối để lừa gạt đưa người đi lao động làm việc ở nước ngoài trái phép. Cán bộ phụ trách công tác xuất khẩu lao động của chính quyền địa phương cấp huyện, xã chủ yếu còn kiêm nhiệm do đó hạn chế trong quá trình quản lý, theo dõi lĩnh vực này.
 
Bị cáo Nguyễn Minh Thìn và đồng bọn tại phiên toà ngày 15/4. Ảnh: Hoàng Lam
Ông Nguyễn Tư An, Phó phòng LĐ-TB&XH huyện Nam Đàn cho rằng: Việc có quá nhiều các công ty XKLĐ được giới thiệu về địa bàn nhưng không biết năng lực, chất lượng hoạt động thực tế ra sao sẽ gây khó khăn cho địa phương và người dân trong việc chọn lựa. Bởi vậy, ngoài việc dựa trên hồ sơ tư cách pháp nhân và giới thiệu từ trên xuống, chúng tôi còn dựa trên kinh nghiệm và sự hiểu biết, cập nhật thông tin của mình. Công ty nào có uy tín, lâu năm thì giới thiệu về nhiều địa bàn, công ty nào còn ít biết tiếng thì chỉ giới thiệu về 1,2 địa bàn thôi.
 
Về góc độ quản lý, Sở LĐ-TB&XH là  đơn vị thẩm định và cấp giấy giới thiệu cho các doanh nghiệp xuống các địa phương để tuyển dụng. Nhưng, sau đó, các đơn vị hoạt động như thế nào, hiệu quả hay không thì cũng rất khó kiểm soát. Ông Lê Văn Thuý, Trưởng phòng Việc làm - Lao động - Tiền lương (Sở LĐ-TB&XH) cho biết: Thông thường, việc giới thiệu các đơn vị xuất khẩu lao động về các địa phương tuyển dụng dựa trên cơ sở phiếu thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước, giấy giới thiệu của Bộ LĐ-TB&XH, hồ sơ tư cách pháp nhân...  Còn hoạt động của họ ở cơ sở như thế nào chủ yếu dựa vào các nguồn tin phản hồi từ người lao động và các địa phương. Bên cạnh đó, theo quy định, sau 3 tháng về tuyển dụng tại các địa phương, các công ty phải báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhưng một số công ty, đơn vị XKLĐ, chế độ thông tin, báo cáo chưa nghiêm túc, đầy đủ. Điều này cũng gây khó khăn cho công tác quản lý hoạt động xuất khẩu lao động của tỉnh.
 
Cũng theo ông Thuý thì một cái khó nữa là tuy trên địa bàn có hàng chục công ty, doanh nghiệp đăng ký hoạt động XKLĐ nhưng chỉ một số ít có văn phòng đóng trên địa bàn Thành phố Vinh, còn đa phần là các công ty đóng tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố khác. Việc xử lý khi phát hiện vi phạm nghiêm trọng như rút giấy phép cũng chỉ có thể làm đối với các đơn vị do tỉnh quản lý, cấp phép, còn các đơn vị thuộc bộ LĐ-TB&XH cấp phép thì ngoài việc thông tin kịp thời đến tổ chức, cá nhân có liên quan và tiến hành nhắc nhở, xử phạt vi phạm hành chính. Phía Sở chỉ có thể chuyển cơ quan điều tra hoặc phản ánh thực trạng kiến nghị lên trên xem xét, giải quyết chứ không có thẩm quyền rút giấy phép hoạt động. Và từ trước đến nay, cũng chỉ mới kiến nghị thu hồi giấy phép của 2 đơn vị.

Thực trạng đó đòi hỏi các ngành chức năng cần tiếp tục phối hợp đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm chỉ đạo của các ngành, các cấp, nhất là cấp xã, phường đối với công tác XKLĐ. Tăng cường phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước trên các phương tiện thông tin đại chúng cho người lao động biết nhằm tránh những thông tin thất thiệt từ các cá nhân, tổ chức lợi dụng hoạt động xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người lao động. Mặt khác các cơ quan, đơn vị liên quan cần đẩy mạnh công tác thanh, kiểm tra, rà soát các đơn vị xuất khẩu lao động trên địa bàn về tư cách pháp nhân, năng lực và thái độ trách nhiệm trong hoạt động. Qua đó, kịp thời phát hiện những sơ hở, sai phạm để chấn chỉnh, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật nhằm đảm bảo lợi ích cho nhân dân và ANTT trên lĩnh vực xuất khẩu lao động. Kiên quyết xử lý đối với các tổ chức, cá nhân lợi dụng, lừa đảo chiếm đoạt tiền của người lao động. Về phía người dân cần nâng cao cảnh giác, khi có nhu cầu XKLĐ nên đến phòng Lao động các huyện, thành, thị và ủy ban nhân dân nơi cư trú để thẩm định độ tin cậy. Không nên đến các công ty kiêm chức năng giới thiệu việc làm, xuất khẩu để tránh bị môi giới, lợi dụng, lừa đảo. Khi thấy nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu sai phạm của các công ty XKLĐ, các đường dây tiêu cực trên lĩnh vực này, cần cung cấp thông tin kịp thời cho cơ quan chức năng để điều tra làm rõ, tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra.
 
Gia Huy