(Baonghean) - Mùa mưa bão đã đến, việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện đang là vấn đề cấp bách. Tuy nhiên, hiện nay ở TP. Vinh có nhiều điểm vi phạm nghiêm trọng, nguy cơ cao ảnh hưởng đến tài sản, tính mạng của người dân, hoặc gây mất điện cục bộ tại một số nơi, nếu xảy ra sự cố…Nhiều năm nay, nhà ở của nhiều hộ dân ở khối 8, phường Quán Bàu, TP Vinh nằm dưới tuyến đường 10KV thuộc đường dây 977E 15.1 Hưng Đông, trong đó có những cột điện nằm trên diện tích đất đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho dân. Đường dây điện chạy qua nhà ở của dân, với khoảng cách chỉ từ 1,5-2m, các cột điện đã bị nứt, nghiêng, rất dễ bị gãy đổ, dây điện có thể bị đứt, sà xuống nhà dân bất cứ lúc nào. Ông Nguyễn Hữu Sửu - khối 8, phường Quán Bàu cho biết: “Những năm trước, đường dây này đã từng bị đứt ảnh hưởng đến sinh hoạt và đi lại của nhiều gia đình. Người dân chúng tôi lúc nào cũng sống trong cảnh lo nơm nớp, nhất là vào mùa mưa bão. Qua nhiều cuộc họp tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp, chúng tôi đã kiến nghị chính quyền và ngành Điện có biện pháp giải quyết nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện”.Theo thống kê của Điện lực TP Vinh hiện hơn 50 khu dân cư, nhà dân xây dựng ngay trong hành lang an toàn lưới điện (HLATLĐ). Nguyên nhân là do các hộ dân này xây dựng nhà ngay dưới HLATLĐ cao thế như các hộ: ông Nguyễn Văn Thông ở khối 18, phường Quán Bàu xây dựng nhà ở, cách đường dây DZ 979 E 15.1 chỉ có 1,2m, hộ ông Lê Hồng Quang khối 13, phường Trung Đô, xây dựng nhà ở cách đường dây DZ 373E 15.7 là 1,5m, một số gia đình ở đường Nguyễn Sỹ Sách xây dựng nhà ở chỉ cách đường dây điện 0,2m; hay hàng loạt hộ dân đường Hồ Quý Ly - phường Trung Đô đều xây dựng nhà ở vi phạm quy định theo Nghị định 106 của Chính phủ “về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp”. Không chỉ các công trình nhà ở vi phạm, mà có nơi ngay dưới chân cột điện cao thế người dân còn tổ chức họp chợ. Đơn cử chợ Dũng Quyết, nằm trên đường Trần Bình Cảnh thuộc khối 1, phường Trung Đô. Sau khi giải tỏa khu vực chợ cũ trên đường tàu, năm 2010, người dân tự phát hình thành một khu chợ mới tại đây. Điều nguy hiểm đó là 60 hộ dân họp chợ ngay trong khu vực HLATLĐ vì phía trên chợ có tới 3 tuyến đường dây điện cao thế 35KV chạy qua. Sau khi có thông báo của Điện lực Vinh TP Vinh, phường Trung Đô đã phối hợp tiến hành các giải pháp di dời chợ theo kế hoạch trước ngày 1/7/2013, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết dứt điểm.Do sự chủ quan, không lường trước được tai nạn nghiêm trọng có thể xảy ra khi xây dựng các công trình trong HLATLĐ  nên trong thời gian qua đã có nhiều tai nạn đáng tiếc xảy. Điển hình vào ngày 23/2/2011, ông Đậu Ngọc Ánh ở khối 6, phường Hà Huy Tập trong lúc cho người xây dựng nhà ngay dưới đường dây điện 35KV, sự cố phóng chập điện làm một người bị chết và một người bị thương nặng.Để xảy ra tình trạng vi phạm HLATLĐ nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương nơi có các tuyến đường điện chạy qua còn buông lỏng vấn đề quản lý, tệ hơn  một số nơi còn cấp bìa đỏ, giấy phép xây dựng nhà, công trình cho người dân ngay trong HLATLĐ. Theo quy định, trước khi cấp phép cho tổ chức, cá nhân xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo công trình trong HLATLĐ, cơ quan cấp phép phải yêu cầu chủ đầu tư thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện về biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trong quá trình xây dựng.Tuy nhiên, công tác phối hợp giữa chính quyền các cấp và ngành Điện trong việc phát hiện, xử lý vi phạm còn thiếu chặt chẽ. Nhiều công trình khi xây dựng xong mới phát hiện vi phạm, khiến việc xử lý gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, một số trường hợp thiếu đồng bộ, chồng chéo, trong quá trình thi công không có sự bàn bạc thống nhất nên dẫn đến tình trạng “mạnh ai nấy đào”, ngành này khi thi công lại phá hỏng công trình của ngành kia, có trường hợp xâm phạm cáp ngầm, xây dựng trong HLATLĐ cao áp... Một nguyên nhân nữa là do nhiều hộ dân được cấp đất từ những năm 1975 - 1980, thời gian mà việc quản lý đất đai chưa chặt chẽ và việc quy hoạch của ngành Điện cũng chưa đồng bộ, dẫn tới tình trạng hiện nay, nhiều hộ dân ở ngay dưới đường dây điện cao thế. Ông Nguyễn Minh Loan - Phó Giám đốc Điện lực TP Vinh cho biết: “Điện lực TP Vinh đã phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến đến từng hộ dân về đảm bảo HLATLĐ. Chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm chính trong việc xử lý những vi phạm, bởi theo quy định, khi phát hiện vi phạm, ngành Điện sẽ lập biên bản bàn giao cho địa phương giải quyết. Vì vậy, nếu không có sự phối hợp của người dân, chính quyền nơi đường dây điện đi qua thì việc xử lý các công trình xây dựng vi phạm HLATLĐ chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, trước mắt ngành điện đang tiến hành cải tạo hệ thống đường điện, nâng cao cột điện, hạ ngầm hệ thống điện, tuy nhiên với số lượng điểm vi phạm nhiều, kinh phí cho việc đầu tư, nâng cấp hệ thống điện còn thiếu nên việc xử lý vẫn còn hạn chế”.