(Baonghean) - Ngày 8/9/2015, tại Hà Nội, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đã tổ chức lễ công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW) và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN (ASW). Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tới dự và nhấn nút công bố chính thức thực hiện. 

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW).
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn nút công bố chính thức thực hiện cơ chế một cửa quốc gia (NSW).

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh - Trưởng Ban chỉ đạo Quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia; Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh; Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng; Tổng Thư ký Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á Lê Lương Minh cùng đại diện các bộ, ngành Trung ương, các ủy viên ban chỉ đạo quốc gia về cơ chế một cửa ASEAN và cơ chế một cửa quốc gia, các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền tại Việt Nam của Indonesia, Malayssia, Singapore, công sứ Nhật Bản tại Việt Nam, Giám đốc quốc gia cơ quan phát triển qQuốc tế Hoa Kỳ, đại diện Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam.

Phương thức nghiệp vụ chủ yếu

Theo Tổng cục Hải quan, trong thời gian gần đây, thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP ngày 12/3/2015 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Tổng cục Hải quan đã thực hiện quyết liệt, có hiệu quả công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Trong đó, Tổng cục rất chú trọng công tác ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) nhằm tạo thuận lợi cho doanh nghiệp (DN) trong việc thực hiện các thủ tục hải quan, và thủ tục hải quan điện tử đã trở thành phương thức chủ yếu để tiến hành thủ tục hải quan. Hệ thống thông quan điện tử VNACCS/VCIS vận hành ổn định tại 34/34 cục hải quan, 171/171 chi cục hải quan trong phạm vi toàn quốc đã cùng với việc áp dụng cơ chế một cửa quốc gia đã tạo nên điểm nhấn đẹp trong bức tranh cải cách TTHC ngành Tài chính.

Với cơ chế một cửa ASEAN, Việt Nam đã tham gia cùng với cộng đồng ASEAN hoàn thành dự án cơ chế một cửa ASEAN rút gọn, đang trong quá trình đàm phán ký Nghị định thư về khung pháp lý một cửa ASEAN và triển khai mở rộng dự án cơ chế một cửa ASEAN vào năm 2015, tiến tới hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN vào vào đầu năm 2016. Tới nay, Tổng cục Hải quan và các bộ, ngành liên quan đã quyết tâm và kết nối được 6 bộ vào NSW gồm: Bộ Tài chính, Giao thông vận tải, Công Thương, Y tế, Tài nguyên và Môi trường; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Với sự kiện kết nối kỹ thuật ASEAN này, Việt Nam là 1 trong 4 quốc gia đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á kết nối kỹ thuật ASW.

Thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Trong những giải pháp triển khai trong giai đoạn tới, Tổng cục Hải quan cho biết, sẽ tiếp tục củng cố các TTHC đã triển khai và lan tỏa trên phạm vi toàn quốc cho tất cả các đối tượng có liên quan. Thực hiện dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4 đối với các TTHC một cửa quốc gia đã kết nối chính thức. Tập trung kết nối đầy đủ cơ chế một cửa ASEAN, sẵn sàng kết nối trao đổi thông tin với các đối tác thương mại ngoài ASEAN để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam và tăng cường kiểm soát đối với hàng nhập khẩu… Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh khẳng định, việc triển khai cơ chế một cửa quốc gia và cơ chế một cửa ASEAN được coi là một nhiệm vụ trọng tâm, là công cụ chủ yếu để các cơ quan nhà nước và cộng đồng thực hiện các TTHC liên quan đến hoạt động thương mại và vận tải quốc tế trên nền tảng các thông lệ và chuẩn mực quốc tế nhằm tạo thuận lợi trong lĩnh vực thương mại. Vì vậy, ngành Tài chính không chỉ hoàn thành nhiệm vụ triển khai cơ chế một cửa quốc gia, kết nối cơ chế một cửa ASEAN mà còn phải thực hiện nhiệm vụ cải cách toàn diện TTHC, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới.

Để hoàn thành những nhiệm vụ này, bên cạnh những giải pháp đã đề ra, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh yêu cầu Ban chỉ đạo quốc gia đưa ra những kế hoạch cụ thể và phương án kiện toàn lại bộ máy triển khai, điều hành theo yêu cầu nhiệm vụ mới với quy mô, phạm vi và mức độ ngày càng lớn, phấn đấu để chính thức kết nối cơ chế một cửa ASEAN theo đúng kế hoạch đã thống nhất giữa các nước thành viên trong tháng 12/2015. Đồng thời, phải sớm trình Chính phủ kế hoạch cải cách toàn diện TTHC góp phần cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc gia trong lĩnh vực giao lưu hàng hóa qua biên giới và các giải pháp thực hiện giai đoạn 2016 - 2020.

Thực hiện cam kết giữa các nguyên thủ ASEAN

Theo Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng, với vai trò là cơ quan đại diện Chính phủ Việt Nam trong triển khai cơ chế một của ASEAN, Bộ Tài chính tiếp tục cần nhận được sự phối hợp tích cực và hiệu quả hơn nữa của các thành viên trong ASEAN trong việc thực hiện đầy đủ các cam kết triển khai cơ chế một cửa ASEAN nói riêng và cộng đồng ASEAN nói chung vì một ASEAN thịnh vượng và đoàn kết. 

Nhấn mạnh đây là một cơ hội lớn để các bộ, ngành đổi mới phương thức quản lý theo hướng hiện đại, minh bạch, hiệu lực, hiệu quả, đồng thời đảm bảo tạo thuận lợi tối đa cho DN và các tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực thương mại và vận tải quốc tế, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng yêu cầu Tổng cục Hải quan phải tiếp tục nỗ lực hơn nữa trong công tác này. Đây là sự thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong thực hiện các cam kết giữa nguyên thủ các nước ASEAN về triển khai cơ chế một cửa ASEAN, kết nối và thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN vào cuối năm 2015, tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại nội khối, đảm bảo phát triển bền vững và củng cố vị thế của ASEAN trong giao dịch thương mại với các đối tác ngoại khối - Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói.

Dưới góc độ hội nhập kinh tế quốc tế, cơ chế một cửa hải quan là một trong những công cụ tạo thuận lợi cho DN khi hội nhập, đảm bảo tính sẵn sàng của Việt Nam trong đàm phán, ký kết và gia nhập các điều ước song phương, đa phương liên quan đến hoạt động thương mại và vận tải quốc tế. Trên phương diện quốc gia, đây là bước đi cần thiết thể hiện cam kết của Chính phủ đối với cộng đồng DN về một nền hành chính cải cách, hiện đại, chuyên nghiệp, tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư; nâng cao tính cạnh tranh quốc gia; đảm bảo hội nhập bền vững.

Sông Hồng

NSW là một hệ thống cho phép xuất trình dữ liệu và thông tin một lần; xử lý thông tin và dữ liệu một lần và đồng thời; và ra quyết định một lần cho việc giải phóng và thông quan hàng hóa. ASW sẽ kết nối tất cả các hệ thống NSW của các nước thành viên. Bước đầu, NSW đã phát huy hiệu quả nhất định trong tạo thuận lợi cho cộng đồng DN, nhất là thủ tục đối với tàu biển xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, khi Việt Nam đã thực hiện chính thức NSW tại các cảng biển quốc tế - tuyến vận tải có lưu lượng hàng hóa XNK lớn nhất cả nước. Việc kết nối thông tin về C/O có vai trò, ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh Việt Nam và các nước đang tham gia mạnh mẽ vào các Hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương, cải thiện đáng kể tình trạng khi cần xác minh C/O cho những trường hợp cụ thể, cơ quan Hải quan phải mất đến 2 hoặc 3 tháng mới nhận được phản hồi từ cơ quan chức năng của quốc gia cần xác minh, bởi khi kết nối ASW, thông tin sẽ được trao đổi gần như tức thời.