Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa công bố lấy ý kiến dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2014 về hướng dẫn về dịch vụ trung gian thanh toán. Dự thảo thông tư lần này bổ sung hàng loạt quy định liên quan tới việc sử dụng ví điện tử của các cá nhân và tổ chức.
Ví điện tử cá nhân được giao dịch tối đa 20 triệu/ngày
Theo đó, dự thảo bổ sung quy định về hạn mức giao dịch tối đa đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức mà thông tư cũ chưa quy định.
Cụ thể, dự thảo hướng dẫn việc nạp tiền vào ví chỉ được thực hiện thông qua tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ của chủ sở hữu ví điện tử tại ngân hàng hoặc thông qua nhận tiền từ ví điện tử khác có cùng tổ chức cung ứng.
Người sử dụng ví điện tử được phép chuyển tiền cho ví khác cùng tổ chức cung ứng dịch vụ; thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ hợp pháp; rút tiền từ ví điện tử về tài khoản ngân hàng hoặc thẻ ghi nợ đã liên kết.
Tuy nhiên, tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử cá nhân tối đa sẽ chỉ là 20 triệu đồng/ngày, và không quá 100 triệu/tháng. Các giao dịch được cho phép bao gồm chuyển tiền, thanh toán hàng hóa và dịch vụ hợp pháp trên ví…
Điều này đồng nghĩa với việc bất kể khách hàng sử dụng giao dịch gì liên quan tới số dư tiền trong ví điện tử sẽ không được thực hiện quá 20 triệu/ngày và 100 triệu/tháng.
Dự thảo cũng quy định tổng hạn mức giao dịch của một ví điện tử tổ chức bao gồm các giao dịch tương tự cũng không được vượt quá 100 triệu đồng/ngày và tối đa 500 triệu đồng/tháng.
Khách không nhận được tiền lãi từ số dư trên ví điện tử
Hiện tại, hầu hết khoản tiền gửi tại ngân hàng đều được áp dụng một mức lãi suất nhất định. Ngoài các khoản tiền gửi có kỳ hạn được áp dụng mức lãi tương ứng, số dư trên tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ đều được ngân hàng áp dụng lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (trung bình vào khoảng 0,1-0,5%/năm). Vì vậy, khách hàng vẫn nhận được một phần nhỏ tiền lãi từ số dư trên tài khoản thanh toán mở tại các ngân hàng thương mại.
Tuy nhiên, với số dư tiền trên ví điện tử, khách hàng sẽ không được áp dụng mức lãi suất này. Cụ thể, dự thảo của NHNN quy định đơn vị cung ứng dịch vụ ví điện tử sẽ không được phép trả lãi trên số dư của ví, và không được cấp tín dụng cho người sử dụng ví.
Ngoài ra, tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử cũng không được sử dụng bất kỳ hành động nào có thể làm tăng giá trị tiền tệ trên ví điện tử của khách hàng.
Giả sử, với khoản tiền 20 triệu đồng trên tài khoản thanh toán, nếu số dư này ở trong tài khoản ngân hàng, khách hàng sẽ nhận được số tiền lãi vào khoảng 20.000-100.000 đồng/năm. Tuy nhiên, nếu để 20 triệu trong ví điện tử, khách hàng sẽ không nhận được số tiền lãi trên.
Ngoài quy định trên, dự thảo cũng quy định tổ chức cung ứng ví điện tử phải áp dụng các biện pháp xác thực cần thiết (gồm gặp mặt trực tiếp hoặc các biện pháp phù hợp khác) nếu nghi ngờ khách hàng sử dụng các số điện thoại, tài khoản thanh toán hoặc thẻ ghi nợ khác nhau để mở nhiều hơn 1 ví điện tử tại 1 tổ chức cung ứng.
Dự thảo cũng yêu cầu tổ chức cung ứng dịch vụ ví điện tử phải có công cụ để NHNN giám sát hoạt động và tổng số ví được mở, số dư tiền trong ví điện tử của tất cả khách hàng vào đầu ngày giao dịch và tại thời điểm truy cập. Các đơn vị này cũng phải tổng hợp số liệu báo cáo tháng về số ví, số dư tiền trong ví, tổng số lượng, giá trị giao dịch nạp, rút tiền, thanh toán… của các ví điện tử mà mình cung ứng.
Theo giải thích của NHNN, quy định về hạn mức giao dịch đối với ví điện tử của cá nhân và tổ chức nhằm giảm thiểu rủi ro về lợi dụng ví điện tử để rửa tiền, thực hiện các hoạt động bất hợp pháp, phù hợp với mục đích sử dụng dịch vụ ví điện tử là phục vụ thanh toán các giao dịch nhỏ, lẻ.