(Baonghean) - Trước khi viết đơn gửi đến Báo Nghệ An, ông Nguyễn Văn Hồng và con trai là Nguyễn Thành Văn (xóm 9, xã Hưng Xuân, Hưng Nguyên) đã 5 năm liền có đơn thư khiếu nại đến chính quyền các cấp. Nội dung đơn cho rằng, gia đình họ bị oan sai trong thu hồi đất giải phóng mặt bằng thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam. Qua xác minh, việc đòi quyền lợi của bố con ông Văn là trái quy định, tuy nhiên, công tác giải phóng mặt bằng dự án này có những vấn đề cần làm sáng tỏ...
Ông Nguyễn Văn Hồng và con là Nguyễn Thành Văn đang sử dụng thửa đất thổ cư do cụ Nguyễn Trung (cha ông Hồng) để lại tại xóm 9, xã Hưng Xuân. Năm 1996, ông Hồng đã được cấp Giấy chứng nhận QSDĐ cho thửa đất này với diện tích 276 m2 (theo số liệu đo đạc của năm 2010, diện tích thửa đất này là 776,6 m2).
Cuối năm 2004, khi thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam một phần đất và nhà của ông Nguyễn Thành Văn bị ảnh hưởng. Đúng ra UBND huyện Hưng Nguyên phải ra quyết định thu hồi đất và Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng (GPMB) lập phương án bồi thường hỗ trợ cho ông Nguyễn Thành Văn. Tuy nhiên, vì có sự nhầm lẫn trong ranh giới các khu đất nên việc bồi thường hỗ trợ cho ông Nguyễn Thành Văn lại được ghép vào hộ ông Nguyễn Hồng Sơn (chú ruột ông Văn) với số tiền 2.300.000 đồng. Khi được ông Sơn đưa số tiền trên, ông Văn đã không nhận. Số tiền này sau đó được trả lại ngân sách Nhà nước.
Hội đồng đền bù giải phóng mặt bằng huyện Hưng Nguyên sau đó đã thực hiện lại quy trình đền bù giải phóng mặt bằng, tuy nhiên đã không có sự thống nhất của các bên (ông Văn muốn được giao đất tái định cư còn Hội đồng chỉ thực hiện đền bù bằng tiền phần đất thu hồi và tài sản trên đất) nên việc lập biên bản kiểm kê hiện trạng và hồ sơ bồi thường giải phóng mặt bằng phải đình lại. Ngày 17/4/2008, UBND xã Hưng Xuân đã ra Thông báo số 11/TB-UBND gửi ông Hồng và ông Sơn với nội dung: "Gia đình ông Hồng và ông Sơn tiến hành tháo dỡ tài sản, cây cối, hoa màu trên phần đất bị thu hồi để bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công chậm nhất vào hồi 12 giờ ngày 20 tháng 4 năm 2008. Nếu gia đình hai ông không thực hiện việc bàn giao mặt bằng thì UBND huyện, Hội đồng bồi thường GPMB đường ven sông Lam cùng UBND xã Hưng Xuân sẽ có biện pháp cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật".
Nhận được thông báo này, ông Hồng không thực hiện và sau đó cũng không có cuộc cưỡng chế nào xảy ra. Cho đến nay, đất và nhà của ông Nguyễn Thành Văn vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, với lý do một số hộ dân ở lân cận khi bị Nhà nước thu hồi đất thì được giao đất tái định cư, trong khi đó gia đình ông Hồng không được cấp đất tái định cư nên từ năm 2008 đến nay, ông Hồng và con đã gửi rất nhiều đơn đến các cấp (từ địa phương đến Trung ương) để khiếu nại. Vụ việc này, UBND huyện Hưng Nguyên đã không ít lần thành lập đoàn thanh, kiểm tra để giải quyết nhưng ông Hồng vẫn không chấp nhận.
Theo Thông báo số 29/TB-UBND ngày 18/3/2013 về Kết luận buổi đối thoại của ông Ngô Phú Hàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên với ông Nguyễn Văn Hồng thì kiến nghị của ông Hồng về việc bồi thường và tái định cư do bị ảnh hưởng bởi Dự án đường du lịch ven sông Lam là không thể giải quyết. Lý do: diện tích đất gia đình ông bị ảnh hưởng chỉ khoảng 15m2, chiếm một phần rất nhỏ so với diện tích thực tế của ông Hồng và con trai đang sử dụng. Qua quan sát, đất và nhà của gia đình ông Hồng, ông Văn vẫn giữ nguyên trạng và phần diện tích bị ảnh hưởng không đáng kể so với tổng diện tích, và chiếu theo các quy định hiện hành, có thể khẳng định nội dung UBND huyện Hưng Nguyên đã trả lời về đền bù và tái định cư thể hiện tại Thông báo số 29 là chính xác.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Hồng vẫn không đồng tình với phương án này vì: "Có đến 10 gia đình đã được giao đất tái định cư rồi nhưng nhà, đất của họ hầu như vẫn giữ nguyên như xưa. Trong khi đó, việc thu hồi đất của gia đình tôi bị ảnh hưởng đến nhà thì không được giao đất tái định cư là vô lý và bất công. Nếu như tôi không được cấp đất tái định cư thì phải thu hồi đất tái định cư đã giao cho 10 hộ khác. Nếu không tôi sẽ tiếp tục có đơn lên cấp cao hơn...". Những hộ dân mà ông Hồng cho rằng đã được giao đất tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất nhưng nhà, đất vẫn còn gồm: ông Nguyễn Văn Phan, bà Nguyễn Thị Toàn, ông Phạm Văn Minh, ông Phạm Đình Công, ông Phạm Văn Dũng, bà Trần Ái Xoan, ông Trần Xuân Hải, ông Phạm Văn Hùng, bà Lê Thị Thành.
Nội dung này ông Nguyễn Văn Hồng cũng từng nêu trong các lần làm đơn khiếu nại và UBND huyện Hưng Nguyên đã trả lời tại Công văn số 278/UBND.TTR ngày 10/5/2013. Theo đó, UBND huyện Hưng Nguyên đã dẫn ra các điều khoản quy định được thể hiện tại Quyết định số 35/QĐ-UB ngày 29/3/2002 về bồi thường và GPMB khi Nhà nước thu hồi đất để khẳng định việc giao đất tái định cư trên địa bàn xã Hưng Xuân thuộc Dự án đường du lịch ven sông Lam được xác định đúng đối tượng, đúng thẩm quyền giao đất và đúng quy định. Lần tìm các hồ sơ đất đai liên quan và nắm bắt thực tế thì với nội dung này UBND huyện Hưng Nguyên trả lời chưa xác đáng. Vì, sau khi dự án hoàn tất, đất và nhà họ cơ bản nguyên vẹn như ông Hồng đã phản ánh.
Theo ông Nguyễn Văn An - cán bộ địa chính xã Hưng Xuân (người có lần tham gia công tác đền bù GPMB Dự án đường du lịch ven sông Lam) thì: "Thời điểm đó, Hội đồng bồi thường GPMB căn cứ trên hồ sơ và Giấy chứng nhận QSD đất của các hộ để thực hiện công tác bồi thường GPMB. Do Giấy chứng nhận QSD đất cấp năm 1996, là thời kỳ đo đạc bằng tay, thiếu chính xác nên dù các hộ đã được giao đất tái định cư nhưng đất cũ vẫn còn nên đến nay họ vẫn sử dụng. Đây là sơ suất...". Tuy nhiên, cách lý giải của ông An không đúng vì Hội đồng bồi thường GPMB Dự án đường du lịch ven sông Lam do ông Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên là Hồ Thúc Nam làm Chủ tịch Hội đồng có lập biên bản kiểm kê hiện trạng. Tại Biên bản kiểm kê hiện trạng còn nêu rất rõ: "...Căn cứ vào bản tự kê khai đất, tài sản trên đất bị thu hồi của gia đình, Hội đồng bồi thường GPMB thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam trên địa bàn xã Hưng Xuân đã kiểm tra và xác định hiện trạng đất và tài sản trên đất tại khu đất thu hồi...".
Ví dụ, tại biên bản kiểm kê hiện trạng của chủ hộ Lê Thị Thành, diện tích đất ở thể hiện trên Giấy chứng nhận QSD đất là 140 m2, bị thu hồi 140 m2, trên đất có nhà ở, nhà bếp, nhà ngang... được bồi thường tổng giá trị là 46.585.600 đồng. Kiểm kê cụ thể là vậy nhưng đến nay dù đường dân sinh Dự án đường du lịch ven sông Lam đã hoàn tất, gia đình bà Lê Thị Thành đã được giao đất tái định cư nhưng vẫn sống trong nhà, đất cũ như chưa có chuyện gì xẩy ra. Và hầu hết các gia đình đã nhận đất tái định cư cũng giống trường hợp bà Lê Thị Thành.
Đem sự việc này trao đổi với ông Nguyễn Văn Phận - Chủ tịch UBND xã Hưng Xuân, ông cho biết khi nhận nhiệm vụ Chủ tịch xã thì mọi việc liên quan đến Dự án xây dựng đường du lịch ven sông Lam đã qua từ lâu. Tuy nhiên, vì có đơn thư khiếu nại nên ông đã kiểm tra các hồ sơ liên quan và thấy có những bất hợp lý trong công tác đền bù giải phóng mặt bằng. Ông Phận cho biết, theo đo đạc mới năm 2010 tại một số gia đình đã được giao đất tái định cư khi thu hồi đất thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam thì đất ở cũ của họ hiện nay vẫn còn lớn hơn cả đất thể hiện trong Giấy chứng nhận QSD đất năm 1996. Và đây chính là nguyên nhân dẫn đến việc đơn thư khiếu nại kéo dài. "Hiện nay, Thanh tra tỉnh đang về xác minh để giải quyết đơn thư của ông Hồng. Tôi cũng mong thanh tra làm rõ vấn đề này sai đúng ra sao để chấm dứt việc đơn thư khiếu nại..."- ông Phận nói.
Yêu cầu giao đất tái định cư của ông Nguyễn Văn Hồng và ông Nguyễn Thành Văn là trái với quy định của pháp luật nên không thể giải quyết. Tuy nhiên, việc đền bù và giao đất tái định cư để thực hiện Dự án đường du lịch ven sông Lam ở xã Hưng Xuân cơ quan thanh tra cần làm sáng rõ, chi tiết để trả lời công luận và công dân có đơn khiếu nại. Có như vậy việc đơn thư khiếu nại ở Hương Xuân mới được chấm dứt.
Bài, ảnh: Nhật Lân - Sỹ Lập