(Baonghean) - Vừa qua, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án dân sự “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” tại xóm Đức Thọ, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh. Đương sự trong vụ án là bà S năm nay đã ngoài 80 tuổi và người con trai duy nhất của bà, ông N.Q.B…
 
Phiên tòa ấy diễn ra gây nhiều suy nghĩ cho những người có mặt trong khán phòng xử án. Gần 3 năm qua (từ tháng 4/2012), người mẹ già ấy vẫn miệt mài lặn lội đến gõ cửa các cơ quan công quyền để kiện đòi lại 303,84 m2 đất. Bị đơn không phải ai khác mà chính là người con trai duy nhất của cụ, ông N.Q.B. Theo bà S, chồng bà tham gia kháng chiến chống Mỹ và hy sinh năm 1967. Từ đó, bà ở vậy một nách nuôi 3 đứa con. Cảnh mẹ góa con côi trăm phần cơ cực. Năm 1979, Nhà nước có chủ trương thu hồi thửa đất mà mẹ con bà đang ở để xây dựng công ty xây lắp. Gia đình bà được cấp một thửa đất mới tại xóm Đức Vinh (nay là xóm 7, xã Hưng Lộc, Thành phố Vinh). Sau khi cấp đất ở được 1 tháng thì bà S xin chuyển về thửa đất khác và được UBND xã Hưng Lộc đồng ý. Thông cảm trước hoàn cảnh éo le của gia đình bà, UBND xã đã xây tặng một ngôi nhà tình nghĩa 3 gian. Hai người con gái của bà S lần lượt lấy chồng. Từ đó, bà sống chung với vợ chồng người con trai. Năm 2004, UBND Thành phố Vinh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà S. Sau khi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, bà S đã chuyển nhượng một phần cho vợ chồng con gái. Mâu thuẫn nảy sinh từ đó. Tình cảm mẹ con giữa bà S và vợ chồng ông B rạn nứt. Rồi đến một lần, trong lúc cãi vã, ông B phá tài sản và đuổi bà S ra khỏi nhà. Hiện nay, do tuổi cao sức yếu, Nhà nước có chính sách xây nhà tình nghĩa cho bà S trên mảnh đất mang tên bà nhưng ông B không đồng ý. Mâu thuẫn ngày càng gay gắt.
 
images1069337_minh_hoa.jpgTranh minh họa: H.T
 
Tại phiên tòa, ông B cho rằng: Trước đây gia đình ông sinh sống trên thửa đất do bố ông để lại. Năm 1979, Công ty xây lắp thủy sản lấy thửa đất này và Nhà nước đã đền bù cho bà S một thửa đất khác. Bà S chỉ sinh sống một thời gian ngắn trên thửa đất được đền bù, sau đó bán lại toàn bộ thửa đó cho người khác rồi quay lại sống một mình tại ki ốt trên phần đất cũ đã bị thu hồi. Do không có chỗ ở nên ông B làm đơn xin cấp đất và được Nhà nước cấp cho thửa đất hiện nay đang tranh chấp. Theo ông B, từ khi được cấp đất đến nay đã gần 10 năm, gia đình ông xây nhà kiên cố và sinh sống ổn định, liên tục. Toàn bộ hồ sơ địa chính và hồ sơ xin cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất như: sổ mục kê, sổ địa chính, hồ sơ kỹ thuật thửa đất, biên bản xác định ranh giới thửa đất và mọi giấy tờ về nghĩa vụ đóng góp tài chính đều mang tên ông. Như vậy, nguồn gốc  thửa đất là của ông B. Việc UBND Thành phố Vinh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà S, ông B không hề hay biết. Cho đến khi bà S làm thủ tục cắt đất của gia đình ông để bán cho người khác và liên tục đuổi gia đình ông B ra khỏi nhà, vì cho rằng đây là thửa đất của bà. Bà S tố cáo bị ông B phá tài sản và đuổi ra khỏi nhà là hoàn toàn bịa đặt.
 
Sau khi xem xét các tài liệu, chứng cứ Tòa án nhân dân Thành phố Vinh đã ra Bản án sơ thẩm số 09/2014/DSST. Theo đó, bác yêu cầu hủy bỏ Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mang tên bà S của vợ chồng ông B. Buộc vợ chồng ông B phải trả lại cho bà S phần diện tích đất 303,84 m2. Không đồng tình với bản án của Tòa án nhân dân Thành phố Vinh, vợ chồng ông B đã làm đơn kháng cáo. Trong phiên xử phúc thẩm ngày 29/9/2014, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An đồng tình với quan điểm của Tòa án nhân dân Thành phố Vinh, giữ nguyên bản án sơ thẩm. Kết thúc phiên tòa, người con rời khỏi khán phòng vẻ hậm hực, không một lần nhìn mặt mẹ. Người mẹ, dù thắng kiện nhưng trên khuôn mặt khắc khổ vẫn đau đáu một nỗi buồn đau không gì khỏa lấp...
 
Bản án đã tuyên nhưng nỗi mất mát lớn nhất mà cả hai phải chịu là sự sứt mẻ về tình cảm gia đình. Người mẹ cả cuộc đời lam lũ, hy sinh hạnh phúc cá nhân để nuôi con trưởng thành, cuối đời lại cầm đơn đi kiện chính đứa con của mình. Còn người con, chỉ vì hơn 300 m2 đất mà từ mặt mẹ. Dẫu biết rằng, ở thời buổi kinh tế thị trường “tấc đất tấc vàng”, nhưng liệu có phải đánh đổi tất cả mọi thứ, kể cả tình mẫu tử thiêng liêng để giành giật nó? Thiết nghĩ, cùng với sự phát triển của xã hội thì nỗi lo cơm áo gạo tiền là điều khó tránh khỏi. Nhưng những giá trị đạo đức tốt đẹp đã có từ bao đời nay, nhất là tình cảm hiếu đễ gia đình thì cần phải được gìn giữ. 
 
Nguyễn Linh