Hôm qua, Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết các nội dung cơ bản cũng như điều lệ của việc thành lập VPF (Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp VN) đã được Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ ký để trình lên Bộ VH-TT-DL phê duyệt.

Theo ông Viễn, cơ cấu dự kiến của HĐQT VPF sẽ có 9 thành viên, trong đó VFF đóng góp 3 đại diện trong HĐQT, 4 chiếc ghế khác sẽ được chia cho đại diện của các CLB Ngoại hạng (tên mới của giải V-League-PV), một chiếc ghế đại diện cho các CLB Hạng Nhất và vị trí còn lại sẽ thuộc về một đại diện từ xã hội (không tham gia bóng đá). Sau khi được thành lập, HĐQT sẽ thuê GĐĐH rồi chính vị GĐĐH sẽ đưa ra những bổ nhiệm nhân sự trong Công ty với sự thông qua của HĐQT.

769314_small_67169.jpg
 Sự ra đời của VPF là nhu cầu có thực từ phía các CLB V-League và hạng Nhất. Ảnh: VSI

Về mối quan hệ pháp lý giữa VFF và VPF, một vấn đề rất được dư luận quan tâm trong những ngày vừa qua, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ giải thích: “Theo điều lệ của VFF được Bộ Nội vụ phê chuẩn thì thành viên của VFF bao gồm: các LĐBĐ tỉnh, thành phố (địa phương), các CLB bóng đá chuyên nghiệp, hạng Nhất, hạng Nhì, hạng Ba, CLB bóng đá nữ, futsal…và BTC giải. VPF được thành lập để làm nhiệm vụ của BTC giải nên VPF sẽ là thành viên của VFF”.

Cũng về vấn đề này, Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn cho biết: “Theo điều lệ, VPF sẽ là thành viên không trực thuộc của VFF. Tính chất của VPF giống như một Công ty, chịu sự quản lý Nhà nước của Bộ VH-TT-DL, quản lý về chuyên môn của VFF. Toàn bộ vấn đề chuyên môn của VPF, VFF có trách nhiệm quản lý, nhưng không mang tính chất quyết định vì còn có sự tham gia của các CLB. Các hoạt động kinh doanh của VPF tuân theo Luật doanh nghiệp”.

Cũng theo ông Viễn, việc xác định rõ vai trò pháp lý của VPF với VFF là rất cần thiết, và đã được ghi rõ trong điều lệ, bởi “giống như các LĐBĐ địa phương, dù không phải cấp dưới của VFF nhưng khi tham gia thì phải tuân thủ điều lệ của VFF”. Tuy nhiên, tất cả các phát biểu của ông Hỷ và ông Viễn đều chưa làm rõ được vấn đề rằng VFF sẽ thực hiện quyền quản lý của mình với VPF như thế nào, sẽ dựa vào số cổ phẩn 35,6% (có quyền phủ quyết) mà VFF nắm giữ khi VPF ra đời, hay dựa theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp, Luật doanh nghiệp hay bất cứ một cơ chế nào khác.

Đây là một bài toán không dễ tìm lời giải, bởi chức năng cao nhất của VPF là thay mặt VFF tổ chức giải, nhưng khi lãnh đạo VFF cho rằng VPF phải chịu sự quản lý của tổ chức xã hội nghề nghiệp này về mặt chuyên môn thì về mặt nào đó VPF cũng không khác nào cấp dưới của VFF, cho dù theo lời của Phó Chủ tịch VFF Phạm Ngọc Viễn thì sự quản lý này “không mang tính chất quyết định vì còn có sự tham gia của các CLB”.

Sẽ giải quyết như thế nào nếu như các ông chủ theo xu hướng “cách tân” như bầu Kiên, bầu Đức kiên quyết muốn đưa VPF hoạt động theo Luật doanh nghiệp như mô hình một Công ty cổ phần thực thụ, còn VFF lại thích gò VPF theo hướng chịu sự quản lý (không tuyệt đối) của VFF về mặt chuyên môn? Trả lời câu hỏi này, Phó Chủ tịch VFF Phạm NGọc Viễn chỉ nói rất chung chung: “Đây là một cơ chế mở. VPF là doanh nghiệp hoạt động độc lập, và trong HĐQT đã có thành viên của VFF rồi”.

Qua cách trả lời này có thể thấy dường như VFF vẫn chưa xác định được một cách thật sự rõ ràng về mối quan hệ pháp lý giữa VFF và VPF, mặc dầu thời điểm VPF chính thức ra đời có lẽ cũng không còn xa nữa.


Theo TT&VH