(Baonghean.vn) - "Vết thương sâu, máu chảy thấm ướt cả ngực của Năm Hường. Lúc ấy, tôi còn là một chiến sỹ trẻ, quanh năm làm bạn với cây súng và những trận đánh, chưa bao giờ gặp phải tình huống này nên thực sự e ngại... Mấy lần vào thăm chiến trường xưa, hỏi thăm Năm Hường nhưng người con gái ấy vẫn bặt tin tức” - cựu chiến binh Tăng Đình Thích chia sẻ.

Trong những năm đánh Mỹ, tôi là chiến sỹ đặc công thuộc đơn vị 25R hoạt động ở vùng miền Tây Nam Bộ. Sau một trận chiến đấu ác liệt, ngày 6/5/1969, tôi bị thương và được chuyển về điều trị tại Trạm Đám lá tối trời, thuộc xã Nhựt Tân, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An. Khi vết thương đã ổn định, cán bộ của trạm xin chỉ huy đơn vị cho tôi ở lại bảo vệ trạm nằm trên vùng sông nước này.

Không chỉ làm nhiệm vụ bảo vệ, tôi còn được học cách băng bó vết thương và cách sơ cứu ban đầu cho thương binh. Sau mỗi trận đánh ác liệt thường có nhiều chiến sỹ bị thương nặng, được tập thể y, bác sỹ và nhân viên Trạm Đám lá tối trời sơ, cấp cứu rồi chuyển về tuyến sau.

Ở đây, tôi có khá nhiều kỷ niệm, nhưng chắc hẳn không bao giờ quên lần băng bó và khâu vết thương cho cô Năm Hường - chiến sỹ Đoàn Văn công Giải phóng.

images2081613_tang_dinh_thich_2.jpgCựu chiến binh Tăng Đình Thích (phải) cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm chiến trường. Ảnh: Công Kiên

Khi được chuyển về trạm, cô bị đạn pháo làm gãy cánh tay phải và bầu vú bên phải bị một vết sâu vào bên trong. Theo sự phân công của chỉ huy trạm, tôi thực hiện nhiệm vụ băng bó vết thương cho Năm Hường. Trước tiên, lấy bẹ dừa nước chẻ ra thành 3 khúc nhỏ bó cánh tay phải để hạn chế cử động làm vết thương nặng thêm.

Ở chỗ bầu vú, vết thương sâu, máu chảy thấm ướt cả ngực của Năm Hường. Lúc ấy, tôi còn là một chiến sỹ trẻ, quanh năm làm bạn với cây súng và những trận đánh, chưa bao giờ gặp phải tình huống này nên thực sự e ngại.

Nhưng khi thấy Năm Hường tỏ ra đau đớn, cô nghiến chặt răng và nói: “Anh cứ khâu lại cho em, chúng ta là những người lính...”. Lời nói ấy đã cho tôi quyết tâm khi thực hiện nhiệm vụ của mình.

Rửa vết thương xong, tôi dùng chỉ khâu 9 mũi rồi gọi y tá đến tiêm kháng sinh chống nhiễm trùng và 15 ngày sau Năm Hường xuất viện. 

Thời gian đó, công việc quá bận rộn, chúng tôi chưa có dịp chuyện trò để biết rõ về nhau hơn, chỉ biết năm ấy cô tròn 20 tuổi, quê ở huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An.

Đặc công rừng Sác. Ảnh tư liệu

Sau đó, tôi được lệnh di chuyển thương binh lên hậu cứ, dọc đường, địch phục kích bị thương nặng và bị chúng bắt giữ, giam cầm rồi đày ra đảo Phú Quốc.

Gần 50 năm đã trôi qua kể từ ngày ấy, tôi thực sự muốn biết nữ chiến sỹ Đoàn Văn công Giải phóng Năm Hường hiện còn hay mất, và nếu còn thì đang sinh sống ở nơi đâu.

Đã mấy lần vào thăm lại chiến trường xưa, hỏi thăm Năm Hường, nhưng người con gái ấy vẫn bặt tin tức. Tôi vẫn còn nhớ ở Trạm Đám lá tối trời năm ấy có bác sỹ Hoài Hai và Thế Hòa; y sỹ tên Đức quê Tân Trụ - Long An, y sỹ tên Hóa quê Hải Phòng và y tá Tư Thanh từng là biệt động thành ở Sài Gòn. Rất mong được một lần gặp lại để cùng nhắc nhớ kỷ niệm xưa...

Công Kiên

(Ghi theo lời kể của CCB Tăng Đình Thích -

Chủ thịch Hội Chiến sỹ cách mạng bị đích bắt và tù đày huyện Diễn Châu, Nghệ An)

TIN LIÊN QUAN