Có ý kiến cho rằng, tỵ nạn ở Venezuela là phương án tốt nhất đối với cựu nhân viên CIA.
Phía Venezuela hôm thứ Bảy (6/7) cho biết nước này không có bất kỳ mối liên hệ nào với cựu nhân viên CIA Mỹ Edward Snowden, kể từ sau khi Tổng thống Nicolas Maduro chấp nhận cho anh ta tị nạn trong thách thức đối với Washington.
"Không, chúng tôi chưa có bất kỳ liên lạc nào", Ngoại trưởng Elias Jaua trả lời phỏng vấn với truyền hình nhà nước khi được hỏi về vụ việc. "Chúng tôi đang chờ đến thứ Hai để biết liệu anh ta có đệ đơn xin tị nạn ở Venezuela hay không".
Tị nạn chính trị ở Venezuela sẽ là sự lựa chọn tốt nhất cho cựu nhân viên CIA Mỹ Edward Snowden, một nghị sĩ cấp cao của Nga phát biểu hôm thứ Bảy (6/7).
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro hôm thứ Sáu đã đưa ra lời chấp nhận tỵ nạn đối với Snowden. "Snowden tỵ nạn ở Venezuela sẽ là giải pháp tốt nhất. Venezuel vốn có xung đột với Mỹ", Nghị sĩ Alexei Pushkov, Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc tế của Hạ viện Nga, cho biết trên Twitter.
Phát ngôn viên của Tổng thống Vladimir Putin từ chối bình luận về đề nghị của Venezuela, nói rằng đó không phải là việc của điện Kremlin.
Nga rất quan tâm xem xét mặt trái của vụ Snowden, người đã hạ cánh tại Moscow vào ngày 23/6 sau khi tiết lộ về chương trình giám sát điện tử của Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA). Chuyến đi đến bất ngờ của Snowden đã làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã khó khăn giữa hai cựu siêu cường thời kỳ Chiến tranh Lạnh.
Nghị sĩ Pushkov cho biết: "Vụ Snowden chứng tỏ rằng những nỗ lực của Mỹ đưa thế giới vào “tầm ngắm” kiểm soát điện tử, quân sự và chính trị sẽ bị sụp đổ".
“Người thổi còi” 30 tuổi đã rút yêu cầu xin tị nạn ở Nga và đã bị hơn chục quốc gia khác từ chối cho tỵ nạn./.