(Baonghean) - Nghị quyết T.Ư 7 (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” có một nội dung cần được nhận thức sâu sắc, đó là vấn đề thể chế hóa công tác dân vận.

Đánh giá những hạn chế trong công tác dân vận thời gian qua, Nghị quyết T.Ư 7 chỉ rõ: “Việc thể chế hóa chủ trương, quan điểm của Đảng về công tác dân vận chưa kịp thời, nhất là cơ chế Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”. Vì chưa được thể chế hóa kịp thời nên công tác dân vận được hiểu đơn thuần chỉ là vận động quần chúng nhân dân, thuộc trách nhiệm của các cơ quan dân vận. Nhà nước chưa có những quy định cụ thể về trách nhiệm, nghĩa vụ của chính quyền các cấp trong công tác dân vận, do đó có tình trạng cán bộ, công chức xa dân, thậm chí quan liêu hách dịch với dân. Công tác dân vận được xác định là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, nhưng chưa có quy định, quy chế cụ thể về phân công trách nhiệm và sự phối hợp giữa tổ chức đảng, cơ quan nhà nước với các tổ chức đoàn thể. 

Trong thể chế hóa công tác dân vận, vấn đề quan trọng nhất là cơ chế: “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ”, nhưng chưa có những quy định cụ thể về thực hiện cơ chế này. Mối quan hệ giữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quyền quản lý của Nhà nước với quyền làm chủ của nhân dân chưa được làm rõ. Trong mỗi cơ quan, đơn vị chưa có quy chế cụ thể để phát huy vai trò giám sát của tập thể nhằm ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực nhà nước.  Một số cấp ủy đảng khi ra nghị quyết chưa gắn với quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân; một số cơ quan nhà nước còn quan liêu cửa quyền làm cho công tác dân vận chưa thu phục được lòng dân. 

Do chưa được thể chế hóa nên công tác dân vận ở cấp trung ương đang thiếu những văn bản “luật hóa”, ở cấp cơ sở đang thiếu những quy định, quy chế cụ thể làm cho công tác dân vận trở nên chung chung, không gắn với trách nhiệm cụ thể của từng cơ quan, đơn vị. Đây là nguyên nhân sâu xa làm cho công tác dân vận ở một số địa phương rơi vào hình thức, không đạt được hiệu quả như mong muốn.

Khi công tác dân vận được thể chế hóa thì trách nhiệm làm dân vận trước tiên là của các cơ quan nhà nước, vì đây là cơ quan thực quyền trong việc giải quyết quyền lợi và nguyện vọng của nhân dân. Thực tế xẩy ra ở một số nơi là các cơ quan làm công tác dân vận (Ban dân vận của Đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, các hội quần chúng) ra sức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các chủ trương đề ra; nhưng do cán bộ nhà nước quan liêu, cửa quyền nên công tác tuyên truyền, vận động bị “vô hiệu hóa”. Trong hoạt động hành pháp của các cơ quan nhà nước, việc đề ra và thực hiện các cơ chế chính sách trực tiếp ảnh hưởng đến đời sống và tâm tư nguyện vọng của nhân dân. Nhưng vì chưa xác định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan nhà nước trong công tác dân vận nên có hiện tượng ban hành những cơ chế, chính sách không thuận với lòng dân, thể hiện cách tư duy pháp luật xa dân, thậm chí có những cơ chế chính sách sau khi ban hành bị nhân dân phản ứng.

Những hạn chế trên đây chỉ có thể khắc phục khi công tác dân vận được thể chế hóa bằng hệ thống văn bản pháp luật của Nhà nước và bằng những quy định, quy chế cụ thể của mỗi cơ quan, đơn vị; trong đó vấn đề quan trọng nhất là quy định rõ trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan nhà nước và cán bộ, công chức đối với  công tác dân vận.

Trần Hồng Cơ