(Baonghean) - Khi người con gái chưa yêu, thậm chí người con trai mới chỉ thấy thích đã bắt cóc con gái người ta về làm thủ tục của một đám cưới tạo ra “sự đã rồi” để ép cô gái và người nhà chấp thuận. Người vùng cao gọi là “bắt” vợ, “cướp vợ”. Những kẻ cậy quyền thế ngày xưa và một số người thiếu hiểu biết hiện nay vẫn còn áp dụng nó khiến cộng đồng lên án…
 
 
Quá khứ đau thương
 
Người viết bài này có hỏi một cụ bà ở Mường Chai (xã Chi Khê – Con Cuông ngày nay) về tục “cướp vợ”. Theo quan niệm cũ, một khi người con gái đã ngồi vào mâm cúng làm lễ nhà trai thì coi như đã có chồng. Có trở về nhà thì cũng đã “mất giá”, không ai lấy nữa. Từ quan niệm này mà đôi khi trong cộng đồng xảy ra những vụ “cướp vợ”. Một anh trai bản nào đó thích một cô gái, nhân lúc đang đêm hay chỗ vắng người, tổ chức bắt cóc về nhà làm lễ cúng, nhốt lại rồi mới đi báo lại cho nhà gái. Nhiều khi cha mẹ cô gái cũng chấp nhận tập tục này và coi như con mình đã có chồng...
 
Bà cụ Vi Thị Chiến, trú bản Trung Đình (Chi Khê – Con Cuông) năm nay đã 88 tuổi, ngồi tư lự như đang nhớ về một ký ức xa xưa nào đó. Rồi cụ bà cho biết: “Tôi sống đến ngần này tuổi chỉ thấy 2 người đi “cướp vợ” thôi.” Đó là thời còn chính quyền cũ, khi ấy uy quyền của lý trưởng và những ông mo còn lớn, có ông mo ở bản Toọc muốn cưới cô con gái bản Chai cho con trai mình. Thế nhưng cô gái không ưng thuận. Nhà trai lúc ấy bàn nhau đi “cướp”. Họ mang theo trầu cau, rượu là thủ tục “trộm vợ” sau đó bí mật đến nhà cô gái. Ngày ấy con gái rất sợ bị “cướp” nên mỗi người đều giấu dưới gối một con dao để khi cần thiết có cái hộ thân. Một người trong nhóm biết được điều này nên trước khi hành sự, giả vờ vào  nhà đánh thức cô gái dậy ngồi chơi nhưng kỳ thực là để lấy đi con dao. Thế là cuộc “cướp” diễn ra suôn sẻ. Cô gái bị bịt miệng đưa ra khỏi nhà, một nhóm người đã chuẩn bị sẵn chiếc võng rồi khiêng chạy tắt qua cánh đồng lúa về bản. 
 
image_3753757.jpgBà mối làm lễ buộc khăn lên đầu cho cô dâu trong một đám cưới người Thái ở Lục Dạ - Con Cuông. Ảnh minh họa
 
Về đến nhà, cô gái nọ bị nhốt trong căn buồng gỗ kiên cố. Cô gái phản kháng quyết liệt. Tất cả đồ đạc trong căn buồng bị phá nát, trong đó có 2 sọt bát đĩa nhưng rốt cuộc vẫn không thoát khỏi căn buồng. Một người bà con của nhà gái ở bản Toọc được nhờ đến khuyên giải, nói rằng: “Biết đâu trời định cho hai người lấy nhau như vậy rồi, có phá đi thì sau này lấy gì mà dùng”. Người con gái ấy đành thuận theo. 
 
Sau khi người con gái nọ đã thuận tình, nhà trai cũng tổ chức một đám cưới. Thế nhưng hai vợ chồng nọ ăn ở với nhau không được bao lâu. Một thời gian sau, người vợ bị bệnh rồi chết. Sau này ông chồng còn lấy thêm 2 vợ nữa. Bà Chiến kết luận: “Lấy nhau theo kiểu như thế thường không nên gia đình đâu. Chẳng qua họ cậy cái quyền thế mà bắt về thôi...”.
 
Những người cao niên ở vùng bản Đình (xã Chi Khê) ngày nay vẫn còn kể lại một câu chuyện khác rất thương tâm về tục “bắt vợ”. Thời Pháp thuộc ở vùng Mường Chai có bản Huồi Chai. Ở đó có một nàng con gái đẹp người, đẹp nết. Người con gái này đã làm đám hỏi với một người trai ở bản Đình. Theo tục lệ người Thái thì đã làm đám hỏi coi như là dâu nhà người rồi. Thế mà con trai lý trưởng cũng nhòm ngó. Trong lúc người con gái ở một mình trên rẫy, người nhà lý trưởng liền cho bắt về làm vợ con trai. Người con gái nọ không chịu nổi cảnh ngang trái này đã trốn vào rừng rồi thắt cổ tự vẫn.
 
“Bắt vợ” thời nay
 
Những câu chuyện về hủ tục “cướp vợ” tưởng như chỉ còn là một quá khứ xưa cũ. Ấy vậy mà ngày nay vẫn còn hiện hữu ở một số cộng đồng. Trong một chuyến thâm nhập thực tế, chúng tôi tình cờ nghe được câu chuyện ở bản Tung Poọng (Bình Chuẩn – Con Cuông). Dù kết cuộc của nó không đến nỗi đau thương như 2 câu chuyện nói trên nhưng nó khiến những người biết đến chuyện này không thể chấp nhận tục “cướp vợ” tồn tại trong cộng đồng.
 
Hiện nay, chị Kha Thị Khương (bản Tung Poọng) đã là bà mẹ có bé trai lên 3 tuổi nhưng cách đây khá lâu chị còn là một cô bé. Vừa học xong lớp 9, không có điều kiện học lên nên phải ở nhà đỡ đần mẹ cha  việc ruộng nương. Càng lớn Khương càng trở nên xinh đẹp nên chiếm được cảm tình của nhiều trai bản. 
 
Ngày ấy vào áp Tết, làng bản trở nên đông đúc bởi trai gái đi làm ăn xa đều đã trở về đoàn tụ. Không khí ngày xuân khiến Khương thấy hân hoan như có con chim nhỏ đang bay trong lòng. Cô cũng muốn đi chơi, tận hưởng không khí xuân. Một buổi tối có nhóm trai bản đánh xe máy đến rủ đi chơi. Khi đến nhà một người trong nhóm bạn thấy trên nhà tấp nập cứ ngỡ người ta tổ chức làm lễ gọi vía. Khi bước vào nhà chị Khương thấy có người gọi mình là “con dâu” cũng ngỡ rằng người ta trêu đùa nên chỉ cười. 
 
Đến khi người nhà trai bắt chị ngồi vào mâm cúng, chị mới biết mình đã bị “bắt” về làm vợ. Lúc ấy chị phản kháng bằng cách bỏ về nhưng đã bị người nhà của anh con trai nọ giữ lại. Người ta ép chị ngồi vào mâm làm lễ, rồi nhốt trong buồng tối. Lúc ấy chị mới chỉ là một cô bé vừa học xong lớp 9, nỗi sợ hãi khiến chị không biết phản kháng thế nào. Người nhà trai vẫn  chực sẵn để giữ chân cô gái. Chị Khương nghĩ mãi mới nảy ra một kế, giả vờ thuận theo nhà trai rồi xin về nhà gặp cha mẹ và hứa sẽ trở lại. Khi về đến nhà rồi, cô gái nhất quyết không trở lại nữa. “Một người mà mình không yêu thì làm sao mà chung sống được”, chị Khương cho biết. Sau đó người nhà trai có cho người đến cầu xin “cô dâu” trở về, chị Khương nhất quyết không nghe.
 
Thế là cô gái mới lớn ấy đã trải qua một cái Tết không lấy gì làm vui vẻ. Để tránh điều tiếng , ăn Tết xong, cô xách ba lô theo chúng bạn vào miền Nam xin việc, gần một năm sau mới trở về và đã lấy được người mình yêu thương thực sự. Bây giờ người con trai “bắt” chị Khương ngày nào cũng đã lập gia đình. Những chuyện không hay cũng đã được bỏ qua. “Nếu ngày ấy, anh ta không làm như vậy, mà đến tìm hiểu hẳn hoi thì biết đâu đấy…”, chị Khương nói.
 
Cũng như trường hợp của chị Khương, chỉ sau một lần gặp mặt, Vi Thị Lan (bản Hiêng – Bắc Sơn – Quỳ Hợp) đã lọt vào “mắt xanh” của một anh chồng ở xã Châu Lý. Trong một buổi tối đi cấy giúp người bà con vì, cô bé chưa đầy 16 tuổi bị nhóm bạn của anh chồng nọ chặn đường “bắt về nhà làm vợ”. Lúc đó người đi cùng lập tức gọi điện thoại cho người nhà đến giải cứu. Phải khá vất vả nhóm “giải cứu” mới đưa Lan trở về nhà. Sau đó gia đình Lan có ý định phát đơn kiện, gia đình anh con trai nọ đã đến xin lỗi và mổ lợn làm vía mới được bỏ qua. Chuyện của Lan cũng đã xảy ra cách đây 3 năm, mỗi lần nhớ lại cô vẫn thấy rất buồn.
 
Một cán bộ Đoàn xã Bắc Sơn cho biết tình trạng “bắt vợ” trong những thanh niên thiếu hiểu biết từng diễn ra trên nhiều địa bàn các xã Bắc Sơn và một số địa bàn khác. Tình trạng này đã giảm nhưng chưa hẳn đã chấm dứt… 
 
“Trộm vợ”  là một nét văn hóa trong tục cưới của người vùng cao. Thế nhưng có một sự biến thái trong tập tục này mà người ta vẫn gọi là “cướp vợ”, “bắt vợ”, hiện vẫn còn tồn tại đâu đó trong các cộng đồng vùng cao, cần đươc đấu tranh để loại bỏ khỏi cộng đồng.
 
 
Hữu Vi