(Baonghean) - Nhà vệ sinh công cộng, các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường học đường một thời gian dài chưa nhận được sự quan tâm đúng mức, thậm chí, người ta ít nhắc đến vì quan niệm đó là chuyện tế nhị, là “công trình phụ”. Vài năm trở lại đây, với sự vào cuộc quyết liệt của cộng đồng thực hiện mục tiêu quốc gia nước sạch (NS &VSMT) nông thôn đã giải tỏa phần lớn bất cập ấy.

Những nhà vệ sinh kém chất lượng đến hãi hùng, những công trình nước sạch mà không sạch, những ngôi trường mà cảnh quan môi trường chưa được chú trọng đầu tư, ảnh hưởng đến không gian học đường và sức khỏe của giáo viên, học sinh đã không còn là thực trạng nhức nhối như nhiều năm về trước. Từ năm 2009, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia NS&VSMT nông thôn, ngành Giáo dục & Đào tạo đã quan tâm đầu tư xây dựng các công trình cấp nước và nhà vệ sinh trường học đạt tiêu chuẩn, góp phần bảo vệ sức khỏe học sinh, tạo môi trường xanh, sạch, đẹp.Trong gần 5 năm qua, chương trình đã tài trợ xây dựng trên 57 công trình nước sạch và nhà vệ sinh trường học đảm bảo vệ sinh... 

Học sinh Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) rửa tay bằng xà phòng.
Học sinh Trường THCS Môn Sơn (Con Cuông) rửa tay bằng xà phòng.

Trường Tiểu học Hữu Kiệm (Kỳ Sơn) là ví dụ điển hình. Thời điểm chúng tôi đến thăm đúng giờ ra chơi của học sinh. Trên sân trường rộng rãi, thoáng mát, các em vui đùa rộn rã, nhiều em tìm đến các bình nước lọc được đặt ngay ngắn ở hành lang các lớp học để uống nước, một số khác thì xếp hàng trước dãy vòi nước để chờ đến lượt rửa tay, rửa mặt. Điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là ý thức cao của các em, khi uống nước, các em chỉ lấy lượng nước vừa đủ uống, hoặc nếu lỡ có thừa nước trong cốc, thì biết nhẹ nhàng đổ vào một chiếc thùng lớn để cạnh bên chứ không vội vàng làm đổ ra ngoài. Khi rửa tay, các em thực hiện rất đúng quy trình rửa tay 5 bước được dán ngay ngắn bên cạnh. Em Lương Thị Minh, học sinh lớp 5C bẽn lẽn: “Chúng em ngày nào cũng rửa tay thế này. Các thầy cô dạy, phải làm đúng các bước như trong tranh dán thì tay mới sạch, mới khỏe được”. Quan sát kỹ mới thấy, công trình nhà vệ sinh và dãy vòi rửa tay phía ngoài của trường dù không còn mới nữa, nhưng vẫn sử dụng tốt; hệ thống nước xả hoạt động mạnh, nhà vệ sinh khi đứng gần vẫn không có mùi hôi thối, khó chịu, dãy vòi rửa tay học sinh có đầy đủ xà phòng, khăn lau…

Giáo viên Trường Mầm non Yên Khê (Con Cuông) chăm sóc “Vườn thuốc nam của bé”.

Thầy giáo Đào Công Quang - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, năm học 2014 - 2015, trường có 28 lớp với gần 400 học sinh, chia làm 5 điểm trường lẻ và 1 điểm chính. Số lượng học sinh đông với địa bàn đặc thù miền núi, nhiều điểm lẻ nên công tác chăm sóc, bảo dưỡng các công trình vệ sinh, nước sạch gặp nhiều khó khăn. Nguồn nước hiện có đều phụ thuộc hoàn toàn vào khe suối, nhiều thời điểm trong năm, các khe suối cạn nước do hạn hán, ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt, dạy và học của thầy trò. Cách đây không lâu, trường đã mạnh dạn vận động các nguồn lực, đầu tư xây dựng các bể chứa nước để chủ động nguồn dự trữ khi vào mùa hạn hán; đồng thời, tiến hành lắp đặt hệ thống lọc nước để thầy và trò yên tâm sử dụng. Đây là nỗ lực vượt khó đáng ghi nhận của nhà trường trong điều kiện đặc thù nhiều khó khăn.

Bên cạnh đầu tư, xây dựng các công trình nước sạch, vệ sinh môi trường, việc nâng cao ý thức giữ gìn, bảo dưỡng công trình và thay đổi nhận thức của cộng đồng về vấn đề này cũng có nhiều biến chuyển. Trường Mầm non Yên Khê (Con Cuông) là một trong những ngôi trường khởi sắc rõ nét trong công tác nâng cao nhận thức về vệ sinh, nước sạch, môi trường như thế. Bước vào khuôn viên trường, cảnh quan sạch, đẹp với những dãy bồn hoa, tiểu cảnh, vườn thuốc Nam bắt mắt xanh tươi và không khí trong lành, thoáng đãng. Trường có 288 học sinh, được chia làm 11 nhóm lớp. Dạo quanh các lớp học vào giờ ăn, thấy niềm vui nhân lên khi các cháu là con, em đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn được chăm lo đầy đủ, sạch sẽ, không gian lớp học và chất lượng bữa ăn đạt chuẩn.

Điều đặc biệt, sự khang trang, sạch, đẹp ấy có phần đóng góp không nhỏ của chính các phụ huynh học sinh. Cô giáo Phạm Thị Thanh - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Sự gắn kết chặt chẽ giữa nhà trường, phụ huynh và học sinh đã nâng cao chất lượng môi trường giáo dục toàn diện. Vườn thuốc Nam và một vài tiểu cảnh ở sân trường đều do các phụ huynh góp công, góp sức xây dựng và chăm sóc. Hệ thống vòi phun nước cho cây, các bể chứa nước và cơ sở vật chất trong nhà vệ sinh luôn được hội phụ huynh quan tâm, đóng góp sửa chữa, bảo dưỡng. Đó là cái được lớn nhất đối với công tác vệ sinh, nước sạch, môi trường của Trường Mầm non Yên Khê.” Còn anh Lê Khắc Phượng - Hội trưởng Hội Phụ huynh cho hay: “Gần 300 phụ huynh của Trường Mầm non Yên Khê đều đồng tình, nhất trí cao với công tác chăm sóc vệ sinh, cảnh quan môi trường, vì trước hết, nếu sạch sẽ thoáng đãng, thì đối tượng được thụ hưởng chính là con em mình. Hàng năm, hội đều có nguồn quỹ để cùng với nhà trường thực hiện nhiệm vụ này”.

Hàng năm, Sở Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với chuyên gia phụ trách y tế của tỉnh tổ chức tập huấn về NS&VSMT cho gần 3.000 cán bộ quản lý các phòng Giáo dục và Đào tạo các huyện và giáo viên cốt cán các trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT. Đồng thời, tổ chức thí điểm và đại trà chương trình ngoại khóa, Ngày thế giới rửa tay với xà phòng (15/10) với số học sinh hưởng ứng lên đến hàng chục ngàn em. Trên cơ sở chỉ đạo, quản lý chung của sở, toàn  ngành thực hiện có hiệu quả công tác giáo dục chính khóa và lồng ghép nội dung giáo dục vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường ở các môn học, giúp học sinh biết cách bảo vệ sức khỏe cho bản thân và tuyên truyền, vận động gia đình và cộng đồng tích cực cùng tham gia. 

Như vậy, với những nỗ lực không mệt mỏi, có thể tin tưởng vào hiệu quả của Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn giai đoạn 2012 - 2015 trong ngành Giáo dục, trong đó đề ra mục tiêu cụ thể: “Đến cuối 2015, 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nước sạch; 100% các trường học mầm non và phổ thông, trạm y tế xã ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh”.

Bài, ảnh: Phước Anh