(Baonghean) -Tết vừa hết, các làng quê ở huyện Quỳnh Lưu lại rộn ràng chuẩn bị cho ngày tế họ. việc họ còn to hơn cả Tết, đó là ngày mà đông đủ con cháu khắp nơi trở về dâng hương nhận họ, nhận quê, tìm về nguồn cội. Lễ xuân tế đã trở thành nét đẹp truyền thống ở mảnh đất này…Tế tổ thường bắt đầu từ ngày 11 tháng Giêng âm lịch, là ngày lễ tế họ đại tôn. Ngày 14, 15 tháng Giêng tế họ trung tôn. Và từ 20, 21 trở đi đến hết tháng Giêng là tế họ về các tiểu chi, nhánh. Theo quy định, qua 6 đời thì mới được tách chi…Về Quỳnh Lưu vào những ngày này, làng nào cũng rực rỡ cờ họ, nhạc họ, tiếng trống, tiếng chiêng. Tất cả tạo nên không khí vừa linh thiêng, vừa ấm áp, phấn khởi. Từ những cụ già, đến các cháu nhỏ, quần áo chỉnh tề đến nhà thờ họ để dâng hương lên tiên tổ.

Về quê dự ngày xuân tế ảnh 1

Lễ chính tế họ đại tôn dòng họ Hồ, Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu).

Quỳnh Đôi là nơi có nhiều dòng họ lớn và lâu đời ở huyện Quỳnh Lưu, như họ Hồ, họ Nguyễn Triệu Cơ, họ Hoàng… Hàng năm, cứ đúng vào ngày tế họ đại tôn 11, 12 tháng Giêng âm lịch, từng đoàn xe từ khắp nơi trên cả nước đổ về, vui như trẩy hội. Anh em trong cùng một họ, mỗi người sinh sống một nơi sau một năm làm việc, chờ đúng dịp này để trở về thắp nén nhang lên bàn thờ tổ, để lắng tâm mình trước tổ tông linh thiêng, để nhận họ hàng, nhắc nhở cho thế hệ con cháu mình “cây có cội, sông có nguồn”, con người ai cũng có gốc rễ, họ hàng. Cũng tại dịp này, có nhiều con cháu từ khắp nơi sau thời gian dài tìm kiếm, xác minh đã trở về nhận họ.Ông Nguyễn Sỹ Thiện (83 tuổi), hiện đang sống ở Chiêm Hóa (Tuyên Quang), năm nay dẫn con cháu về nhận tổ, xúc động nói: “Chúng tôi là con cháu của dòng họ Nguyễn Triệu Cơ, Quỳnh Đôi, bị thất lạc 107 năm nay. Hơn chục năm tìm kiếm, nhờ ơn đức tổ tiên và sự giúp đỡ của ban cán sự họ Nguyễn đại tộc, hôm nay chúng tôi mới tìm về được họ gốc của mình. Mừng lắm, cảm ơn tổ tiên linh thiêng đã không quên chúng tôi, đã đón nhận chúng tôi trở về”. Theo tục lệ, tế họ diễn ra trong 2 ngày. Chiều ngày hôm trước, anh em con cháu về quê, ra nghĩa trang thắp hương mời ông bà, tổ tiên về. Sau đó, về nhà thờ họ làm lễ tế đầu hôm. Tối hôm ấy, mọi người tập trung trong nhà thờ nói chuyện, bàn bạc về việc họ, xây dựng lăng mộ, nhà thờ… và trực tổ. Sáng hôm sau mới là lễ chính tế. Mâm cỗ trong dịp tế họ tổ tiên đơn giản, chỉ là một mâm xôi trắng và thịt lợn luộc đặt lên trên. Mỗi chi, nhánh (trong lễ tế đại tôn và trung tôn) và mỗi gia đình (tế họ tiểu chi) đội đến nhà thờ một cỗ xôi thịt như thế, sau khi tế xong, “xôi ai thịt nấy” đội về, chứ không tổ chức ăn uống linh đình. Trước kia, việc tế họ chỉ dành cho đàn ông (trai đinh), đến trẻ con cũng chỉ có con trai chứ không có con gái. Tất cả các công việc từ lớn như tế lễ, dâng hương, dâng trà, hoa, nến, rượu, đến việc bé: rót nước, pha trà phục vụ trong buổi tế đều do trai đinh đảm nhiệm. Đàn bà con gái chỉ ở nhà chuẩn bị xôi thịt, trầu rượu để các ông đội đi, còn nhà thờ không phải là nơi họ được đến tham dự!Hiện nay, việc họ nói chung ở nhiều địa phương đã có thay đổi trong quan niệm. Ngày tế họ là ngày con cháu trong họ tề tựu về, không kể trai gái, nội ngoại, có lòng tưởng nhớ tới tổ tiên đều có thể đến dâng hương, dâng hoa. Bà nguyễn Thị Tư (80 tuổi), ở Quỳnh Hưng (Quỳnh Lưu) nói: “Mấy hôm trước tế bên họ nội xong rồi, hôm nay tôi về họ ngoại mình. Ngày xưa, ông bà đẻ ra tui không có con trai, chỉ có 4 chị em gái, giờ đi họ là để tưởng nhớ bố mẹ mình, dòng họ mình đang mang. Còn sống mạnh khỏe năm nào thì tui đi năm đó, ngày xưa không trọng, nhưng giờ con gái mà có lòng về họ lại càng quý…”.Ngày tế họ cũng là dịp khen thưởng và trao giấy khen của hội đồng gia tộc đối với các cháu học giỏi, thi đỗ đạt cao. Các cháu được tuyên dương, một niềm vinh dự lớn lao, nhưng cũng là giáo dục ý thức, trách nhiệm để cố gắng xứng đáng với truyền thống dòng tộc. Lễ xuân tế ngày càng đông vui, rộn ràng, thắt chặt tình cảm và ý thức dòng tộc.

Bài, ảnh: Hồ Lài