(Baonghean.vn) - Nói đến cá nóc, ai cũng sợ. Vậy mà, người dân xã Nghi Tiến, huyện Nghi Lộc lại coi cá nóc là món đặc sản truyền thống. Bởi vậy, việc khai thác, mua bán và sử dụng cá này ở đây diễn ra khá nhộn nhịp.
Mỗi sáng, khi thuyền cá của ngư dân các xóm chài xã Nghi Tiến cập bờ thì chỉ ít phút sau, từng đoàn người, người thau, kẻ mẹt bày cá nóc bán đầy dọc đường làng. Người mua cũng đến rất nhanh. Chỉ vài lời mặc cả chiếu lệ, bao nhiêu cá nóc bày bán, họ đều mua hết về để ăn.
Mùa khai thác cá nóc bắt đầu từ tháng 5, kết thúc cuối tháng 10 âm lịch. Hiện nay đầu mùa nên cá còn nhỏ. Một chục cá nóc có giá từ 10.000 đồng đến 15.000 đồng. Người dân ở đây cho biết, chỉ ít tháng nữa cá lớn, giá này sẽ được tăng lên 40.000 - 50.000 đồng.
Xã bãi ngang Nghi Tiến có gần 140 thuyền cá đánh bắt ven bờ. Về mùa này, ngoài khai thác hải sản truyền thống, hầu hết số thuyền cá ở địa phương đều tranh thủ ra biển bắt thêm cá nóc. Hàng ngày, sau khi đánh bắt mực ghẹ ngoài lộng về, nghỉ ngơi một lúc, 4 giờ sáng ngư dân lại cho thuyền chạy ra cách bờ 1,5km trở lại để câu cá nóc. Đến 7, 8 giờ sáng lại vào bờ. Bình quân mỗi thuyền câu được 300 - 400 con, bán được khoảng 400.000 đồng. Cá nóc về bao nhiêu, bán hết bấy nhiêu.
Điều lạ là cả người bán lẫn người mua đều cam đoan rằng cá nóc này không độc. Theo ông Lưu Đình Ổn – một ngư dân ở xóm 9, xã Nghi Tiến: "Cá nóc độc là loại cá nóc hòm, cá nóc gai và cá nóc hoa. Còn cá nóc được khai thác và bán ở đây là cá nóc cơm - một loại cá nóc ăn lành, thịt lại thơm ngon. Loại cá nóc độc thường ở ngoài khơi xa. Thi thoảng có vài con loại độc câu lên đều được mọi người vút bỏ ngay tại ngoài biển”.
Ông Hoàng Văn Đại ở xóm 9, xã Nghi Tiến thì quả quyết rằng: “Cá nóc cơm bổ dưỡng, cả làng này ai cũng ăn. Cá càng to ăn càng ngon. Ai đã vài lần ăn nó đều nghiện. Tôi ngày nào cũng ăn cá nóc. Không có nó bữa cơm không ngon miệng”. Thậm chí, tranh thủ tiết trời nắng nóng, có nhiều người còn mua cá nóc đem về xẻ thịt phơi khô ăn dần.
Khi hỏi cơ quan chuyên môn về an toàn thực phẩm trên địa bàn xã, ông Hoàng Đức Nhiên - Trưởng Trạm y tế xã Nghi Tiến cho biết: “Cho đến giờ vẫn chưa có trường hợp ngộ độc cá nóc nào xảy ra. Thế nhưng không ai khẳng định rằng cá nóc mà bà con thường ăn là không độc. Trạm đã tham mưu cho UBND xã tuyên truyền giúp nhân dân hiểu biết đúng về cá nóc để không sử dụng cá này làm thực phẩm”.
Còn ông Trần Công Oanh - Chủ tịch UBND xã Nghi Tiến cho biết: “Chính quyền xã thường xuyên tuyên truyền về việc cấm khai thác, mua bán cá nóc, khuyến cáo không sử dụng cá nóc làm thực phẩm cho người. Xã cũng đặt biển cấm mua bán cá nóc tại chợ, tại các đầu đường; không xếp loại gia đình văn hóa đối với hộ thường xuyên mua - bán cá nóc. UBND xã nhiều lần huy động lực lượng công an dẹp đuổi các trường hợp mua bán cá nóc bên đường. Thế nhưng đuổi nơi này, người dân lại bày bán nơi khác. Khi công an rời khỏi thì đâu lại vào đấy”.
Với lý do "cả làng đều ăn cá nóc”, và chưa thấy ai bị ngộ độc do ăn loại cá này, người dân ở Nghi Tiến vẫn cứ vô tư đưa cá nóc vào bữa ăn hàng ngày. Nhưng ai dám khẳng định rằng cá nóc mà người dân khai thác, bày bán và ăn uống là không có độc và không bao giờ có chuyện ngộ độc cá nóc xảy ra, nhất là khi việc chế biến cá đang còn nhiều cẩu thả, tùy tiện.
Ở Việt Nam, cá nóc còn được gọi là cá cóc, cá bống hoa, cá đùi gà,… người Mỹ gọi là pufferfish, và Nhật Bản gọi là cá fugu. Chất độc của cá tập trung ở da, ruột, gan, cơ bụng, túi tinh và nhiều nhất ở trứng cá, vì vậy con cái độc hơn con đực và đặc biệt mùa sinh sản, chất độc đó gọi là tetrodotoxin. Đây là một loại độc tố thần kinh cực độc, gấp hơn 1.200 lần so với cyanua. Độc tố của một con cá đủ giết chết 30 người. Một điều đáng lưu ý là bản thân con cá nóc không thể sinh tổng hợp được độc tố; chất tetraodotoxin trong cá nóc là do các vi khuẩn cộng sinh (symbiotic bacteria), chủ yếu là nhóm Pseudomonas và Vibrio vì một vài loại khác sinh tổng hợp ra. Do đó, nếu cá nóc được nuôi dưỡng cách ly thì độc tố không hiện diện. Bình thường độc tố tồn tại trong cá ở dạng tiền độc tố tetrodomin không độc. Khi cá bị ươn hoặc bị bầm dập, tetrodomin sẽ biến đổi thành tetrodotoxin gây độc. Đun sôi ở nhiệt độ 1.000C trong 6 giờ độc tố tetrodotoxin mới giảm đi 50%, nó chỉ mất đi hoàn toàn khi đun sôi 2.000 độ C trong 10 phút. Vì thế, chúng ta không thể làm mất độc cá nóc bằng cách nấu và chế biến thông thường. |
Văn Thành