(Baonghean) Nổi bật nhất ở bản Xiêng Váng (Xiengvang), huỵên Nỏng Bốc (Nongbok), tỉnh Khăm Muộn (Khammuan), nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào là Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Toàn bộ khu vực này có tổng diện tích 1,5 héc ta, là vùng đất mà 13 hộ dân Lào đã tự nguyện hiến cho Nhà nước để xây dựng Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đất Lào. Ông Đặng Văn Hồng, một cư dân bản Xiengvang, gần 90 tuổi , cho rằng: “Bản chúng tôi có một cái phước lớn là được Cụ Nguyễn Ái Quốc từng sống và họat động cách mạng ở đây. Và hôm nay, Đảng, Chính phủ  hai nước Việt Nam và Lào xây dựng nên khu tưởng niệm này, bộ mặt bản đang thực sự đổi mới, có đường nhựa, có điện về, thật là ơn phúc lộc của Cụ Hồ quá!”.

Xiengvang, tiếng Lào có nghĩa là vùng bãi ngang sông Mê Kông. Bên này sông là Lào và bên kia sông là Thái Lan. Từ những năm của thế kỷ 19  và đầu thế kỷ 20. Ở thời kỳ những năm 1940-1945, dân cư ở đây khá đông, có khi đến khoảng 500 hộ và tới hơn 5000 nhân khẩu. Do người đông, Xiengvang đã chia thành 3 bản, Xiengvang tày (bản dưới), Xiengvang cáng (bản giữa) và Xiengvang nứa (bản trên). Xiengvang là bản thuần Việt duy nhất trên đất Lào, có 68 hộ, hơn 300 nhân khẩu. Người Xiengvang có quê gốc ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Nghệ An.

Xiengvang là căn cứ địa của những người Cộng sản Lào và Việt Nam kiên cường đấu tranh chống ách áp bức đô hộ của thực dân, phong kiến. Trong khoảng những năm 1928 - 1929, Bác Hồ đã hoạt động tại các tỉnh Đông Bắc Thái Lan và thường sang đây để nghiên cứu tình hình, tuyên truyền, xây dựng phong trào cách mạng Đông Dương cho cả 2 bờ Lào -Thái. Các nhà cách mạng lúc bấy giờ, được đồng chí Nguyễn Ái Quốc lãnh đạo đã gắn kết với phong trào cách mạng các tỉnh Đông Bắc Thái Lan. Khi kẻ địch gây hấn, truy sát bên này, cán bộ cách mạng lại vượt sông Mê Kông sang đất Thái. Đối diện với bản Xiengvang bên kia sông là bản Mảy, tỉnh Na- khon- pha- nôm (Nakhonphanom), nơi Bác Hồ hoạt động ở Thái Lan và hiện giờ có Khu lưu niệm Bác do bà con Việt kiều Thái Lan xây dựng. Xiengvang còn có tên là “vùng đất ngang bướng” mà thực dân tay sai vô cùng khiếp sợ.

Để ghi nhận hành trình của người cộng sản Hồ Chí Minh trên đất Lào, Bộ Chính trị Trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào đã quyết định xây dựng Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại chính ngôi làng thuần Việt này.

 Khu lưu niệm được xây dựng với sự kết hợp giữa kiến trúc Lào và Việt Nam, gồm 15 hạng mục, trong đó phía Lào đảm nhận 12 hạng mục, Việt Nam đảm nhận 3 hạng mục. Khuôn viên gồm  nhà tưởng niệm và trưng bày, ao cá, vườn cây, với giống cá, giống cây được mang từ Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội sang, trồng xen kẽ với một số giống cây tiêu biểu của Lào.

Hiện nay, người dân bản Xiengvang vẫn giữ ngôi làng theo phong cách Việt. Đảng, Chính phủ Lào tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho bà con lập làng, giữ phong tục tập quán Việt Nam trên đất Lào và coi đây là biểu tượng của tình hữu nghị Việt Lào. Bây giờ, bà con đã mang Quốc tịch Lào, nhưng mọi sinh hoạt vẫn thuần Việt, giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Việt và còn giữ nguyên cách phát âm của từng địa phương nơi tổ tiên xuất phát. Các ngày lễ chính lớn nhất trong năm của bà con là Tết Nguyên đán, Ngày sinh Bác Hồ (19/5) và Tết Độc lập của Việt Nam (2/9).

Hiện bản có rất nhiều gia đình và cá nhân  được nhận huân, huy chương kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ của 2 nhà nước Việt Nam và Lào. Đặc biệt, nhà nào cũng treo ảnh Bác Hồ và có bàn thờ Bác.

Xây dựng Khu Lưu niệm Bác Hồ, thể hiện tình cảm, tấm lòng ngưỡng vọng của Đảng, Chính phủ,  nhân dân các dân tộc Lào đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chung tay xây dựng Khu tưởng niệm Bác, trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, cũng nói lên rằng, các thế hệ Việt Nam rất biết ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Lào đã cưu mang bà con Việt trong những năm loạn lạc, gian khổ; và mối tình đặc bịêt “Hai nước chúng ta/ Tình sâu hơn nước Hồng Hà Cửu Long” như Bác Hồ đã dạy.

Quốc Khánh (VOV Lào)