(Baonghean) - Một đồng nghiệp lớn tuổi của tôi, mỗi khi đi qua, về lại Truông Bồn, dứt khoát đều phải dừng lại thắp hương cho 13 liệt sỹ TNXP ở đây. Tôi biết, anh cũng có nỗi niềm riêng của một thân nhân liệt sỹ. Nhưng có lẽ, sự hóa thân vào đất đai quê hương của 11 cô gái và 2 chàng trai ở Truông Bồn trong một buổi sáng định mệnh mùa đông năm 1968 ấy, có một sức lay động nào đó rất lớn lao trong tâm khảm của anh. Và, cũng chưa bao giờ tôi hỏi anh về điều ấy…

Có điều, tự dưng tôi cũng có thói quen ghé vào mộ của các anh chị TNXP hy sinh ở Truông Bồn để thắp hương, mỗi khi tôi đi qua đó. Dần dà, tôi biết có rất nhiều người cũng như vậy. Nhưng với tất cả sự trân trọng, tôi không gọi đó là “thói quen”, mà đơn giản là nghĩa cử tri ân, và tâm cảm đau thương trước những cái chết đã hóa thành huyền thoại.

Tháng 7 tri ân. Ngày 26/7/2014 này, mới sáng sớm nhưng đã có nhiều đoàn người hành hương về với Truông Bồn. Rất nhiều người quen. Và nổi bật trong đó là sắc áo xanh của những đoàn viên thanh niên của các địa phương, ban, ngành, đơn vị về với các anh, các chị. Có cả các đoàn khách là bà con, cô bác các tỉnh thành như Hải Dương, Hà Nội… Trong những vòng hoa xếp đầy khu mộ, tôi đọc được cả băng chữ ghi “Đông Hà, Quảng Trị”.

“Hãy về đây, lắng nghe Truông Bồn thổn thức, lắng nghe Truông Bồn kể chuyện!”. Tiếng thuyết minh của cô nhân viên Ban Quản lý di tích Truông Bồn vừa cất lên, đã nghe tiếng các bà, các chị thổn thức. Hương khói linh thiêng. Đất trời tháng 7 như ngưng đọng trong tâm tưởng mỗi người. Bốn phía khu di tích điệp trùng xanh những đồi keo, đồi thông, làng mạc trù phú, giấu trong đó những vết thương lở loét chứng tích một thời là cung đường trọng điểm đánh phá ác liệt của máy bay Mỹ. “Cung đường này trẻ mãi tuổi hai mươi/Tím ngát hoa mua nở trên đồi/Còn vẹn nguyên nỗi nhớ/Kết vòng hoa, rắc võng em nằm” (“Lá thư Truông Bồn” – Xuân Huyền)... Đâu là nơi có khóm hoa mua tím sót lại cho chàng trai TNXP vụng về hái tặng lần cuối cho các cô gái đồng đội của mình? Đâu chính là điểm mà trong buổi sáng đất đai quê hương Mỹ Sơn say giấc ngủ hiếm hoi giữa những đợt tàn phá của chất nổ chiến tranh, bật choàng chứng kiến khoảnh khắc đau thương 13 người con hiến dâng tuổi thanh xuân cho đất nước?... Nhưng có sao để băn khoăn, khi mà các anh, các chị đã hóa thân vào khí thiêng sông núi!

Bà con huyện Đông Anh - Hà Nội thăm mộ các Liệt sỹ TNXP Truông Bồn.

Tôi chú ý người đàn bà luống tuổi bận đồng phục cựu TNXP, cuống huy chương lấp lánh trên ngực áo, vừa thắp hương cho các đoàn khách dâng lên bàn thờ, vừa luôn tay dọn dẹp. “Tôi ở Kim Liên đi TNXP ngày 10/10/1960, thì 20 ngày sau các anh, các chị ở đây hy sinh. Lúc đó có nghe nói, nhưng thời chiến, nhiệm vụ cứ cuốn đi. Hết Diễn Châu, Cửa Hội, lại về trọng điểm Bến Thủy,…  năm 1972 tôi lấy chồng về đây (xóm 10 - Mỹ Sơn, Đô Lương). Đồi tan cỏ cháy. Chiến tranh mất mát thật khủng khiếp. Từ ngày đó, đã ám ảnh trong tôi câu chuyện về sự hy sinh của các anh, các chị” – Cựu TNXP Trần Thị Vân tranh thủ trò chuyện: “Năm 1980 tôi ra dựng nhà ngay địa điểm xây đền thờ này, năm 1982 lại chuyển về trong xóm. Nhiều khi, tôi muốn mơ gặp các anh, các chị về báo mộng điều chi đó. Nhưng không thấy, có lẽ do tôi không hợp tuổi các anh, các chị!”. – Thế nếu hợp tuổi là mơ gặp được à? – “Thì tôi thấy rất nhiều người về đây thắp hương rồi nói là có ứng gặp. Đúng, sai thế nào tôi chẳng biết. Nhưng cứ nghe thế là mừng, vì như thế các anh, các chị ấy đỡ tủi!”… Cựu TNXP Trần Thị Vân đã nhận nhiệm vụ từ xã, ra đây trông coi đền thờ di tích Truông Bồn đã 2 năm, ngay khi vừa khởi công. “Chẳng có lương đâu, là vì nhiệm vụ, nhưng cũng là bởi tại tôi cứ muốn ra đây, quanh quẩn bên các anh, các chị. Nhưng không biết rồi sắp tới các bác có giao cho ra trông coi nữa không. Vì Khu di tích vừa có Ban Quản lý mới rồi!” – Bà Vân cho biết thêm và chỉ vào người đàn ông đang cầm cuốn sổ đọc giới thiệu các đoàn khách đang nườm nượp vào thắp hương.

Vậy ra, bắt đầu từ tháng 7 này, Khu di tích Truông Bồn được quản lý, bố trí công tác tiếp đón khách chu đáo. Vừa đưa tay gạt mồ hôi, anh Chu Vĩnh Hiệp – nguyên Trưởng Ban TNXP và Lao động trẻ Tỉnh đoàn Nghệ An vừa nói: “Tôi vừa nhận quyết định bổ nhiệm về làm Giám đốc Ban Quản lý ở đây, bắt đầu từ 15 tháng 7. Bộ máy bước đầu có 8 người. Trụ sở làm việc chưa được bố trí, nên phần lớn anh chị em cứ sáng từ Vinh lên, tối lại về. Mấy hôm nay khách đông quá chừng!...”. Nói xong, anh lại phải vội vàng vào tiếp khách. Buổi sáng nay, hàng chục nhà thầu thi công các hạng mục ở Khu di tích, cũng đều tổ chức cho anh em công nhân trang phục chỉnh tề đến thắp hương cho 13 liệt sỹ. Anh công nhân trẻ nói với tôi: “Thi công ở đây, chúng em cũng rất hiểu về ý nghĩa là xây dựng công trình tưởng niệm các anh, các chị đã hy sinh tuổi trẻ cho đất nước!”…

Bà Trần Thị Vân chợt kéo tay tôi, thì thào khoe: “Dịp Chạp năm ngoái, có anh chủ doanh nghiệp ở Quỳ Hợp về trồng một cây bồ kết, dặn tôi chăm nom cẩn thận!...”. Cây bồ kết được trồng sau góc khuôn viên đền thờ, nay đã cao hơn hai đầu người, xòe gai kín gốc. “Tôi cứ trông ngày trông đêm cho nó có quả… Nói thực cứ mỗi lần có người đến, mua gương lược thắp hương cho các anh, các chị, tôi lại không kìm được nước mắt”. Bà Vân vừa nói, vừa âu yếm vuốt ve tán lá bồ kết tươi non. Tôi chợt hiểu điều lo lắng chờ đợi cái ngày cây bồ kết ra quả của bà. 

“Hãy về đây, lắng nghe Truông Bồn thổn thức, lắng nghe Truông Bồn kể chuyện!” - Tiếng cô gái thuyết minh viên lại vang lên trong im lặng xúc động nghẹn ngào. Đoàn người về với Truông Bồn như không dứt. Hạp, Phúc, Bốn, Vinh, Doãn, Hiên, Đang, Nhung, Dung, Hòa, Tâm, Vân, Hoài ơi! Dòng người đi trong thương nhớ, gọi tên từng anh chị, tri ân sự hy sinh của các anh, các chị cho Truông Bồn mãi mãi tuổi hai mươi, làm nên một huyền thoại đau thương cho muôn thế hệ trẻ mai sau tự hào về đất nước với những người con bất tử.

Đình Sâm