Khi về N động cơ vẫn phun xăng duy trì chế độ chạy không tải, nhưng khi để số tiến và nhấc chân khỏi bàn đạp ga, kim phun sẽ đóng không phun xăng vào buồng đốt.
 
Thói quen về N để xe chạy theo trớn khi gần tới điểm dừng hình thành từ trước đây khi các xe sử dụng chế hòa khí chứ không phải bộ phun xăng điện tử như hiện nay. Nhưng với công nghệ hiện đại, liệu thói quen này còn chính xác?
 
Chuyên gia kỹ thuật của các hãng lớn đều khẳng định, về N khi xe đang chạy, không những không tiết kiệm hơn, mà ngược lại còn tốn nhiều xăng hơn. Để giải thích cho việc này, Caranddriver phỏng vấn chuyên gia từ Toyota và GM. 
 
images1376295_1.jpgNhấc chân khỏi bàn đạp ga sẽ tiết kiệm nhiên liệu hơn về N.
Theo Paul Williamsen, từng là trưởng phòng đào tạo sản phẩm của Toyota cho biết, tất cả những xe Toyota và Lexus sản xuất từ 1990 trở lại đây đều có khả năng phát hiện điều kiện vận hành khi nào động cơ làm việc nhiều hơn so với chế độ không tải. Khi đó, kim phun sẽ đóng lại và không có nhiên liệu phun vào buồng đốt.
 
Điều này có nghĩa là, khi tài xế nhấc chân khỏi chân ga lúc đang ở số tiến, xe tự động ngắt phun xăng, không tiêu tốn thêm nhiêu liệu. Những trường hợp này thường xảy ra khi tài xế buông chân cho xe từ từ giảm tốc đến đèn đỏ hay địa điểm muốn dừng. 
 
Bên cạnh đó, Tom Read, người phát ngôn bộ phận kỹ thuật của GM cũng đồng ý nguyên lý này. Vị này còn giải thích thêm, về số N khi xe đang chạy còn khiến xe tiêu tốn nhiên liệu hơn. Bởi lẽ, khi xe về N, hệ thống phun xăng không đóng lại theo quy tắc giải thích ở trên, thay vào đó, phun xăng vào buồng đốt để duy trì chế độ chạy không tải.
 
Tóm lại, với những xe hiện đại phun xăng điện tử, điều khiển bằng ECU thì về N khi xe đang chạy tốn xăng hơn vẫn để số tiến và nhấc chân khỏi bàn đạp ga. 
 
Với xe cũ sử dụng chế hòa khí, xe phun xăng hoàn toàn cơ khí nên quan niệm về N để tiết kiệm xăng hơn là chính xác. Tuy nhiên, lượng xe này trên thị trường còn rất ít. 
 
Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên, lượng xăng tiết kiệm được khi về N trên những xe cũ là không nhiều, nhưng lại gây ra bất lợi nguy hiểm. Xe không còn khả năng phanh động cơ khi về N, độ bám đường giảm đi khiến việc xử lý đánh lái cũng như phanh khi gặp tình huống bất ngờ sẽ không còn hiệu quả cao, đặc biệt khi xe đang đổ dốc. Do đó, không khuyến khích tài xế về N khi thả trôi đến điểm dừng./.
 
 
Theo VnExpress