Ngày đầu Xuân Kỷ Hợi, chúng tôi ngược rừng lên vùng đất Môn Sơn - Mường Quạ, nơi có dòng sông Giăng thơ mộng chảy giữa đại ngàn Pù Mát để được chứng kiến không khí vui Tết, đón Xuân. Qua mỗi bản làng người Thái đều nghe tiếng cồng chiêng rộn vang, tiếng khèn bè réo rắt và tiếng hát vui tươi hòa chung với tiếng gió ngàn, suối chảy làm nên bản hợp xướng đón chào năm mới.
Dừng chân ở bản Cằng, bà con chào đón những người khách miền xuôi bằng một bài hát khắp với nội dung kể lại niềm vui khi mùa Xuân về trên rừng núi, bản làng. Dân bản tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng, trong tiếng cồng chiêng, tiếng khèn, tiếng pí và âm điệu khắc luống, người già hát khắp, người trẻ múa sạp, múa xòe.
Ngoài sân, nhiều người đang hào hứng với trò chơi ném còn, theo quan niệm của người Thái, trong ngày Tết ai ném lọt quả còn cả năm sẽ được nhiều may mắn nên ai cũng muốn được thử vận may. Còn những đứa trẻ lại thích thú với trò chơi ném khăng, những thanh gỗ nhỏ (gọi là thanh khăng) xếp lên nhau, người chơi cầm một thanh đứng cách xa khoảng 15m. Nếu ném trúng, những thanh gỗ xếp lên nhau sẽ đổ xuống, mỗi lần như thế sẽ được nhận phần thưởng ý nghĩa.
Ông Lương Văn Nghiệp – người được nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian cho biết: “Năm nào cũng vậy, đã thành nếp, vào ngày mồng 3 và mồng 4 Tết, khi lo xong việc gia đình, họ tộc, bà con bản Cằng thường tập trung tại nhà văn hóa cộng đồng để vui Xuân. Ở đây chúng tôi cố gắng hướng các hoạt động về với văn hóa truyền thống, chủ yếu là dân ca, dân vũ và trò chơi dân gian”.
Theo Trưởng bản Lô Thị Hương, bản Cằng hiện có 165 hộ dân tộc Thái với gần 650 nhân khẩu, nguồn thu nhập chính từ bao đời nay là từ lúa nước. Cánh đồng Mường Quạ được dòng sông Giăng và khe Mọi tưới tắm nên quanh năm tươi tốt, giúp cư dân dân nơi đây luôn có đủ cái ăn, không mấy khi rơi vào cảnh túng thiếu.
Khi đã có của ăn của để, bà con bản Cằng có điều kiện xây dựng nhà cửa khang trang và đóng góp tiền của, công sức làm đường giao thông nông thôn và nhà văn hóa cộng đồng. Các tuyến đường nội bản đã được đổ bê tông, góp phần tạo cảnh quan làng bản sạch đẹp. Đồng thời, khi không còn phải lo đến cái ăn, bà con người Thái ở bản Cằng có thời gian chăm lo việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống.
Cùng với duy trì nghề dệt thổ cẩm, CLB Dân ca – dân vũ bản Cằng được thành lập từ hơn 10 năm trước và được công nhận là mô hình cấp tỉnh. Đây là nơi tập hợp những thành viên có năng khiếu sáng tác, biểu diễn các làn điệu dân ca Thái (khắp, lăm, nhuôn, xuối); các điệu dân vũ (xòe, nhảy sạp, lăm vông) và chế tác, sử dụng các loại nhạc cụ cổ truyền (khèn bè, pí, đàn tập tinh…).
CLB là hạt nhân của phong trào văn hóa – văn nghệ địa phương, đại diện cho xã, huyện tham gia các chương trình liên hoan, hội diễn và giành được giải cao. “Vì thế, mỗi khi Tết đến, Xuân về, các hoạt động luôn diễn ra sôi nổi, giúp nhân dân có điểm vui chơi lành mạnh và bổ ích, góp phần hạn chế các tệ nạn xã hội” – bà Lô Thị Hương cho biết.
Từ bản Cằng, chúng tôi tiếp tục xuôi về bản Xiềng, Thái Sơn, Nam Sơn, Thái Hòa rồi vòng sang Bắc Sơn, Cửa Rào và Tân Sơn. Đến đâu cũng được nghe tiếng cồng chiêng, tiếng lăm, khắp, nhuôn xuối khiến cho không khí đón Xuân thêm rộn ràng, náo nức.