Về hai bài văn bia ở Đền thờ Vua Quang Trung ảnh 1

 Nhà bia Vua Quang Trung tại Đền thờ trên núi Quyết

Hoàng đế Quang Trung, vị anh hùng kiệt xuất của dân tộc đã được nhiều địa phương như Hà Nội, Bình Định dựng tượng đài và lập đền thờ. Riêng đối với Nghệ An là nơi đất tổ quê xưa và cũng là nơi đã được Quang Trung chọn để xây dựng Phượng Hoàng - Trung Đô. Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân về việc lập Đền thờ Vua Quang Trung, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã quyết định xây dựng Đền thờ Ngài trên núi Quyết - TP. Vinh.

Đây là một công trình rất lớn vừa hoành tráng vừa thâm nghiêm, mang tầm cỡ quốc gia. Hiện nay, về cơ bản đã hoàn thành nên hàng ngày có rất nhiều du khách kể cả trong và ngoài tỉnh đến thắp hương, vãng cảnh. Ai đến đây cũng cảm thấy vui mừng và khen đẹp. Nhưng rất đáng tiếc là hai tấm bia lớn đặt trong hai nhà bia nhìn bề ngoài vừa đẹp vừa đồ sộ, nhưng nội dung chữ nghĩa thì vừa lôm côm vừa cẩu thả, vừa thiếu chính xác. Chúng tôi thấy cần phải bàn kỹ và bổ sung thêm.

- Tấm bia thứ nhất, có tiêu đề "Công trạng Vua Quang Trung", đề như vậy là không ổn. Giả sử ngôi đền thờ Bác Hồ, cũng có tấm bia đề "Công trạng Chủ tịch Hồ Chí Minh" liệu nghe có được không? Theo chúng tôi, bên trên nên ghi "Quang Trung - Nguyễn Huệ (1753-1792)", còn về nội dung bia, nhất là những tấm bia viết về công lao sự nghiệp của các bậc đế vương thường được viết theo thể biền ngẫu hoặc thể tứ tự có xen kẽ tứ lục. Nếu viết theo lối thông thường không cần vần luật thì cũng phải là một bài văn hùng hồn, bố cục chặt chẽ, câu chữ chọn lọc tinh tế. Vì đây là một áng văn chương lưu truyền mãi mãi. Nhưng chữ nghĩa trên tấm bia này lại viết theo kiểu bạch thoại và dùng các gạch đầu dòng để liệt kê tựa một bản trích ngang sơ yếu lý lịch hoặc một bản đề cương. Mặt khác, nếu nói là "công trạng" thì cũng không phải, mà đó chỉ là "võ công", chưa hề nói nội trị, ngoại giao khi Ngài làm Hoàng đế (1789-1792). Thiết nghĩ, một bản văn bia tôn vinh công lao sự nghiệp của một vị Hoàng đế anh hùng dân tộc mà lại thể hiện non nớt thế này thì khó có thể chấp nhận !?

- Tấm bia thứ hai, cũng có nhiều vấn đề cần phải nói. Tấm bia này còn cẩu thả và sai sót nhiều hơn! Tôi xin chép nguyên văn để người đọc tiện theo dõi:

"Nguyễn Huệ là kẻ phi thường / Mấy lần đánh giặc Xiêm, giặc Tàu / Ông đà chí cả mưu cao / Dân ta lại biết cùng nhau một lòng / Cho nên Tàu dẫu làm hung / Dân ta vẫn giữ non sông một nhà".

Đây là 6 câu trích, nên đầu câu thứ nhất phải có ngoặc kép và ba chấm. Đến hết câu thứ 6 phải đóng ngoặc kép, nhưng trên bia không hề có dấu ba chấm. Câu thứ nhất có từ "kẻ", từ này có rất nhiều người băn khoăn. Tuy từ "kẻ" trong bài này không có hàm ý xấu. Tuy vậy, trong ngôn từ ngày nay hầu như không còn được dùng, nhất là đối với những người được cả đất nước tôn vinh. Vì từ này thường được dùng với ý xấu như: kẻ trộm, kẻ cướp, kẻ thù... Tiếp đến câu thứ hai (câu bát) lẽ ra câu này phải đủ 8 chữ nhưng lại chỉ có 7 nên đọc rất trục trặc. Cẩu thả, sự thiếu cẩn trọng, vô hình dung đã làm ảnh hưởng uy tín của không phải chỉ một người. Chúng tôi đã được đọc bài này trong tập Thơ Hồ Chí Minh (Sđd từ trang 52 đến trang 65):"... Nguyễn Huệ là bậc phi thường / Mấy lần đánh đuổi quân Xiêm, giặc Tàu / Ông đà trí cả, mưu cao / Dân ta lại biết cùng nhau một lòng / Cho nên Tàu dẫu làm hung / Dân ta vẫn giữ non sông nước nhà...".

Sáu câu này so với 6 câu ghi trong bia, có những chữ thêm và khác như sau: Câu thứ nhất bên thì "kẻ", bên thì "bậc". Câu thứ hai thêm chữ "đuổi" và bên thì "giặc Xiêm", bên thì "quân Xiêm". Câu thứ ba bên thì "chí cả" bên thì "trí cả", câu thứ 6 bên thì "một nhà" bên thì "nước nhà" ?!Chúng tôi mạnh dạn đề nghị với lãnh đạo tỉnh và các cơ quan chức năng cho thẩm tra lại, có chỗ nào sai sót thì kịp thời khắc phục.

Nguyễn Xuân Tính - (K9 - P.Trung Đô - TP. Vinh)