(Baonghean) - Từ nhiều năm nay, ai đến thăm nhà thờ họ Nguyễn ở Thị trấn Hưng Nguyên đều được giới thiệu về đôi câu đối đã được chí sĩ Phan Bội Châu tặng cho người bạn là Nguyễn Mộng Lý trưởng dòng họ Nguyễn từ những năm 30 của thế kỷ XX. Đó cũng là minh chứng cho tình bạn son sắt của hai chí sĩ yêu nước xứ Nghệ thời bấy giờ.Đôi câu đối hiện được treo trang trọng ở gian trong nhà thờ họ Nguyễn, khối 3, làng Ngọc Điền, Thị trấn Hưng Nguyên. Ấn tượng đầu tiên về đôi câu đối đó là những lớp sơn son, thiếp vàng vẫn còn màu tươi mới dù đã được dựng từ năm 1942. Hai câu đối được dựng song song cao khoảng 2m, rộng khoảng 30cm, có nền đen tuyền, 4 góc có hoa văn trang trí rất uyển chuyển và thanh thoát. Cả hai câu đối được khắc sâu bằng lối chữ chân phương nên rất rõ ràng và dễ đọc. Mỗi vế gồm 16 chữ cộng với 12 chữ ở dòng lạc khoản ghi bút tích và thời gian viết câu đối. Nội dung câu đối như sau: Phiên âm: Trí dục viên, hành dục phương, đảm dục đại, tâm dục tiểu, quân am vật vong. (Lạc khoản: Nam lịch Ất Hợi đông, tiên sinh Phan Sào Nam tứ giáo). Tĩnh như uyên, động như lôi, tiến như phong, chỉ như sơn, ngô tương an vọng. (Lạc khoản: Nam lịch Nhâm Ngọ đông, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý cẩn chí).Tạm dịch:Trí tuệ mong trọn vẹn, việc làm mong tròn đầy, gan dạ mong lớn lao, lòng riêng mong nhỏ lại, anh nhớ đừng quên. (Mùa đông năm Ất Hợi, tiên sinh Phan Sào Nam tặng). Tĩnh lặng như vực sâu, vang động như sấm rền, tiến tới như gió cuốn, dừng lại như núi cao, tôi luôn mong thế. (Mùa đông năm Nhâm Ngọ, hậu sinh Nguyễn Mộng Lý kính cẩn khắc chữ).

Về đôi câu đối của Phan Bội Châu tại một dòng họ ảnh 1Câu đối của cụ Phan Bội Châu tặng cụ Nguyễn Mộng Lý tại Nhà thờ họ Nguyễn ở Hưng Nguyên.

Như nội dung được lưu giữ trên câu đối thì vế đối đầu được chí sĩ Phan Bội Châu viết tặng cho cụ Nguyễn Mộng Lý vào năm 1935 và vế đối sau được cụ Nguyễn Mộng Lý đáp bút vào năm 1942. Để hiểu thêm về hoàn cảnh ra đời và nội dung của câu đối mang nhiều tính lịch sử trên, chúng tôi đã tìm hiểu qua các tài liệu cũng như tìm gặp nhiều nhà nghiên cứu uy tín để biết thêm một số thông tin đáng quý trong cuộc đời của chí sĩ Phan Bội Châu. Theo “Địa chí Hưng Nguyên” của tác giả Thái Huy Bích thì cụ Nguyễn Mộng Lý sinh năm 1890, là một người khảng khái, ngang tàng, rất thông minh và có lòng yêu nước. Cụ là trưởng dòng họ Nguyễn ở địa phương thời bấy giờ, đi thi và đỗ đầu nên mọi người thường gọi cụ là Đầu xứ Hùng. Cụ Đầu xứ Hùng kết giao với nhiều chí sĩ yêu nước, trong đó qua lại rất thân thiết với cụ Phan Bội Châu mặc dù kém cụ Phan 23 tuổi.  Sử cũng kể lại rằng, trong thời gian thực dân Pháp đô hộ nước ta, cụ Phan Bội Châu tổ chức phong trào Đông Du xuất dương sang Nhật Bản từ những năm 1905, cụ Nguyễn Mộng Lý rất tán thành và hưởng ứng. Là một người có lòng yêu nước và rất khinh ghét bọn quan lại tay sai của giặc, cụ Nguyễn Mộng Lý cũng đã từng có ý định học tập và rèn giũa để theo những lớp chí sĩ yêu nước đi trước sang Nhật Bản, cùng tìm đường cứu nước. Nhưng vì vướng bận chuyện gia đình nên cụ phải trở về quê hương, tham gia dạy học và bốc thuốc chữa bệnh cho dân nghèo.Theo anh Trần Mạnh Cường, cán bộ nghiên cứu Hán Nôm, Thư viện tỉnh, thì dòng lạc khoản trên vế đối đầu được cụ Phan Bội Châu viết vào năm 1935, tức là khoảng thời gian cụ Phan đang bị giam lỏng tại Huế, được cụ Nguyễn Mộng Lý đến thăm. Vào năm 1942, tức là sau khi cụ Phan Bội Châu mất 2 năm thì cụ Nguyễn Mộng Lý đã làm một vế đối để tỏ lòng thành kính. Nội dung của hai câu đối rất sâu sắc, không những thể hiện tấm lòng của hai chí sĩ luôn canh cánh nỗi lo cho đất nước mà còn thể hiện sự thân tình, chỉ bảo lẫn nhau của những học giả xứ Nghệ thời bấy giờ. Hiện hai câu đối được hậu duệ dòng họ Nguyễn ở làng Ngọc Điền, Thị trấn Hưng Nguyên gìn giữ, bảo quản cẩn thận, xem đó là vật báu gia truyền của dòng họ mình.

Bài, ảnh: Thái Anh