(Baonghean) - “Hà Nội trong mắt ai” là bộ phim tài liệu của Đạo diễn, NSND Trần Văn Thủy, sản xuất năm 1982, nhưng bị “cấm” cho đến năm 1987 mới được công chiếu rộng rãi. Đây là trường hợp hy hữu, trở thành “hiện tượng điện ảnh” Việt Nam vào những năm 80 thế kỷ XX, trước thềm đổi mới đất nước, mà dấu ấn vẫn còn mãi với thời gian...
Vào đầu thập niên 1980, NSND Trần Văn Thủy nhận được kịch bản phim “Hà Nội 5 cửa ô”, mô tả về du lịch Hà Nội với những cảnh đẹp và làng nghề truyền thống. Tuy nhiên, khi khảo sát điều kiện làm phim trong giai đoạn khó khăn của thành phố, đạo diễn Trần Văn Thủy thấy rằng ông nên làm một bộ phim về những giá trị tinh thần của dân tộc, thay vì những cảnh đẹp vốn luôn thay đổi và biến động theo thời gian. Kịch bản “Hà Nội trong mắt ai” dần được hình thành thông qua các câu chuyện xung quanh đề tài lịch sử về Hà Nội, như việc Tô Hiến Thành chọn người tài kế nghiệp, cho tới những bài thơ của nữ sỹ Hồ Xuân Hương, Bà huyện Thanh Quan hay câu đối của Ngô Thì Nhậm đối lại Đặng Trần Thường: “Ai công hầu, ai khanh tướng/ Vòng trần ai, ai dễ biết ai. Thế chiến quốc, thế xuân thu/ Gặp thời thế, thế thời phải thế”.
Sau khi chiếu duyệt, bộ phim bị cấm phát hành, dù được nhiều người khen ngợi cả về nội dung và hình thức nghệ thuật. Phải 5 năm sau khi phim ra đời, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới tư duy nhận thức, bộ phim mới được công chiếu rộng rãi. cần nhắc đến sự quan tâm, can thiệp, của các nhà lãnh đạo, trong đó có Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Ông đã xem bộ phim và bày tỏ sự ủng hộ tác giả Trần Văn Thủy, bằng cách liên hệ với Văn phòng Ban Bí thư Trung ương; phát biểu chỉ đạo trước Đại hội lần thứ 2 của Hội Điện ảnh Việt Nam. Ông cũng đã tác động để bộ phim được chiếu rộng rãi từ tháng 10/1983. Tuy nhiên, phim vẫn bị ách lại cho đến khi được chiếu giới thiệu với Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh vào năm 1987.
Số phận của “Hà Nội trong mắt ai” ngay lần đầu chiếu duyệt ở Xưởng phim Tài liệu & Khoa học Trung ương năm 1982 đã gặp rắc rối. Giám đốc xưởng phim Lý Thái Bảo cho biết, bộ phim sẽ không được chiếu, vì nội dung phim bị một số lãnh đạo lĩnh vực tư tưởng, văn hóa cho là có vấn đề? Theo đạo diễn Trần Văn Thủy, phim của ông không được chiếu vì nội dung mượn chuyện xưa để nói chuyện nay, động chạm đến một số quan chức. Có người còn quy kết bộ phim ám chỉ phê phán Đảng, “dạy Đảng cầm quyền”... Phim bị cấm chiếu (tuy không có một văn bản chính thức nào), đồng thời, Trần Văn Thủy gặp rất nhiều khó khăn trong cuộc sống và công việc. Nhiều người còn tưởng ông sắp bị bắt giam. Ngay cả xưởng phim nơi ông công tác, cũng bị hệ lụy vì tác phẩm đã khiến việc trao danh hiệu Anh hùng cho đơn vị bị đình lại…
Bất chấp những khó khăn gặp phải, đạo diễn vẫn tiếp tục làm tiếp bộ phim của mình có tựa đề “Chuyện tử tế” (1985), được coi là phần 2 của “Hà Nội trong mắt ai” và cũng... cất kho! Tháng 10/1987, Trần Văn Thủy được gặp riêng Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, được ông ủng hộ và đề nghị tác giả làm ngay phần tiếp theo của phim. Nhờ vậy cả “Hà Nội trong mắt ai” và “Chuyện tử tế” chính thức được công chiếu. Bộ phim “Hà Nội trong mắt ai” được khán giả đón nhận nồng nhiệt. Phim tài liệu nghệ thuật dài 45 phút này đã thu hút người dân đến xếp hàng mua vé xem tác phẩm đặc sắc về Hà Nội. Đây là sự kiện chưa từng có đối với thể loại phim tài liệu, trước đó chỉ được chiếu miễn phí hoặc chiếu kèm phim truyện...
Tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1988, “Hà Nội trong mắt ai” chiến thắng vang dội với Giải Bông Sen Vàng duy nhất cho phim tài liệu, biên kịch, đạo diễn và quay phim hay nhất. Bộ phim được đánh giá là có giá trị nghệ thuật, mang tính đột phá của phim tài liệu Việt Nam, chứng tỏ sự dũng cảm của những người làm phim trong việc phản ánh hiện thực xã hội và suy nghĩ của người nghệ sỹ trước cuộc sống, góp phần thay đổi cách nhìn nhận, đánh giá xã hội của nhiều người. Cho tới nay, bộ phim vẫn được đánh giá là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất về đề tài Hà Nội!
Lê Lân
47, Đặng Thúc Hứa, Vinh