Trường hợp hai bài thơ: “Nhịp cầu nối những bờ vui” (được phổ nhạc, trở thành ca khúc đi cùng năm tháng), “ Nghĩ về Đảng” viết vào hai thời kỳ khác nhau nhưng đều để lại những ấn tượng sâu sắc trong lòng bạn đọc.
Năm 1971, ở tuổi 31, chàng trai Phan Văn Từ cảm xúc trước những đoàn bộ đội - TNXP đi dưới mưa bom bão đạn xây dựng những chiếc cầu nối mạch máu giao thông từ Bắc vào Nam, đã viết bài “ Nhịp cầu nối những bờ vui”, trên cái nền của tình yêu đôi trai gái với những kỷ niệm về chiếc cầu hò hẹn, tiếng sáo… nói lên khát vọng yêu thương, khát vọng sống lớn lao của cả một dân tộc.
Đã có hàng trăm, hàng ngàn bài thơ, bản nhạc viết về Đảng, nhưng bài thơ “Nghĩ về Đảng” của Phan Văn Từ ngay từ khi mới ra đời đã vượt qua phạm vi một “bài thu hoạch”, trở thành một bài thơ in trang trọng trên các báo Trung ương và địa phương.
Có nhiều cách nghĩ về Đảng của cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhưng cách nghĩ về Đảng của Phan Văn Từ qua bài thơ là một cách nhìn mới, vừa táo bạo vừa sâu sắc chạm tới bản ngã con người, có tác dụng đánh thức tâm huyết, đạo đức phẩm chất mỗi người đảng viên và người chưa đảng viên. Toàn bài thơ là nỗi trăn trở day dứt của một văn nghệ sĩ trước hiện thực cuộc sống đang manh nha những hiện tượng làm suy thoái đạo đức, văn hóa, văn minh của Đảng; là sự khẳng định niềm tin son sắt vào Đảng, vào Bác Hồ.
Có người cho rằng, viết được những câu thơ gan ruột như thế, Phan Văn Từ đã vẽ nên hình tượng Đảng như một bức hình chụp ngược sáng, có gồ ghề, góc cạnh, có thô ráp nhưng rất táo bạo. Đặt bối cảnh bài thơ viết trong những năm đầu thời kỳ đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo mới thấy được giá trị đánh thức, dự báo của thơ ca. Từ một đề tài tưởng như khô khan, dưới ngòi bút tài hoa bản lĩnh của Phan Văn Từ thành một tác phẩm thơ lay động lòng người.