(Baonghean) - Trên trang 5, mục Trao đổi, Báo Nghệ An số 9364 ra thứ Ba, ngày 26/3/2013 đăng bài “Nên xem xét lại cách đánh giá giáo viên giỏi” của tác giả Bùi Minh Tuấn. Sau khi đọc bài báo này, tôi xin được trao đổi như sau:Thứ nhất, đã 7 năm nay (kể từ năm học 2006 - 2007), ngành Giáo dục và Đào tạo không còn có danh hiệu Giáo viên giỏi (các cấp). Theo quy định của Luật Thi đua, khen thưởng, danh hiệu thi đua của cá nhân bao gồm: Lao động tiên tiến; Chiến sĩ thi đua cơ sở (nhiều người hiểu nhầm là Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở); Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh (hoặc cấp bộ, ngành, đoàn thể Trung ương) và Chiến sĩ thi đua toàn quốc. Để xét tặng các danh hiệu này, hiện nay căn cứ vào Nghị định số 42/2010/NĐ - CP ngày 15/4/2010; Thông tư số 02/2011/TT-BNV ngày 24/01/2011; riêng ngành GD&ĐT có thêm Thông tư số 12/2012/TT-BGDĐT ngày 03/4/2012. Việc xét tặng danh hiệu thi đua cá nhân được căn cứ vào cả quá trình phấn đấu, rèn luyện toàn diện của từng người trong một khoảng thời gian nhất định (1 năm, 3 năm, 6 năm - tuỳ theo từng danh hiệu) chứ không chỉ căn cứ vào kết quả chuyên môn qua một cuộc thi nào đó. Về thực chất, trong ngành GD&ĐT, danh hiệu Chiến sĩ thi đua hiện nay đã thay thế cho danh hiệu Giáo viên giỏi trước đây.         Trước đây, nội bộ ngành GD&ĐT có danh hiệu Giáo viên dạy giỏi (cấp trường, cấp huyện, cấp tỉnh), nhưng đây không phải là danh hiệu thi đua do Nhà nước quy định mà chỉ là danh hiệu của cơ quan chuyên môn dùng để khẳng định năng lực chuyên môn của giáo viên. Việc thi chọn giáo viên dạy giỏi các cấp hiện nay được thực hiện theo ba thông tư: Thông tư số 21/2010/TT - BGD&ĐT ngày 20/7/2010 đối với giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên; Thông tư số 49/2011/TT - BGD&ĐT ngày 26/10/2011 đối với giáo dục mầm non và Thông tư số 25/2012/TT - BGD&ĐT ngày 29/6/2012 đối với giáo dục chuyên nghiệp. Điều lệ hội thi ban hành kèm theo các thông tư này khẳng định: “Hội thi là một hoạt động chuyên môn nghiệp vụ của các trường ...”. Danh hiệu Giáo viên dạy giỏi các cấp chỉ là một trong nhiều căn cứ để các trường xét, đề nghị cấp có thẩm quyền tặng danh hiệu Giáo viên giỏi các cấp trước đây và chiến sĩ thi đua các cấp hiện nay cho giáo viên. Nghĩa là, danh hiệu Giáo viên giỏi trước đây và Chiến sĩ thi đua hiện nay là do tập thể xem xét, suy tôn chứ hoàn toàn không thể có được từ một cuộc thi. Rất tiếc là tác giả Bùi Minh Tuấn đã nhầm lẫn giữa danh hiệu Giáo viên giỏi (trước đây) với danh hiệu Giáo viên dạy giỏi. Cũng phải nói thêm một điều: Việc thi chọn giáo viên dạy giỏi các cấp trước đây thực hiện với hai nội dung như tác giả Bùi Minh Tuấn nói (thi lý thuyết và thi thực hành), nhưng hiện nay không còn như vậy mà đã được bổ sung hoàn chỉnh hơn. Theo các thông tư nói trên, thi chọn giáo viên dạy giỏi các cấp được thực hiện với ba nội dung: sáng kiến kinh nghiệm hoặc kết quả nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng; kiểm tra năng lực hiểu biết về kiến thức chuyên môn hoặc nghiệp vụ, kỹ năng sư phạm liên quan đến phạm vi chương trình giáo dục của cấp học mà giáo viên giảng dạy, hoặc những hiểu biết về chủ trương, đường lối, định hướng đổi mới giáo dục và các nội dung chỉ đạo của ngành; thực hành giảng dạy 2 tiết trong chương trình giảng dạy tại thời điểm diễn ra hội thi, trong đó có 1 tiết do giáo viên tự chọn và 1 tiết do ban tổ chức xác định bằng hình thức bốc thăm. Một điểm mới nữa mà trước đây không có trong hội thi là: Sau khi giáo viên hoàn thành các bài thi giảng, ban giám khảo gặp gỡ giáo viên dự thi và cán bộ quản lý giáo dục để trao đổi, nhận xét đánh giá những ưu điểm, nhược điểm chính của giờ dạy; đồng thời đóng góp ý kiến, rút kinh nghiệm, nghe ý kiến phản hồi từ phía giáo viên tham gia hội thi.

Minh Đức